Đêm thơ nhạc kịch "Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi" là chương trình để tưởng nhớ nhà thơ Lưu Quang Vũ. Xúc động và tiếc nuối là những xúc cảm mà chương trình để lại cho khán giả.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ là một cố nhà văn, nhà soạn kịch kiêm nhà thơ người Việt Nam. Nhắc đến Lưu Quang Vũ là ta lại nhớ đến một nhà soạn kịch tài hoa trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Một tài năng trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, trong mỗi lĩnh vực ông đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc.
Thơ ca của Lưu Quang Vũ không chỉ giàu cảm xúc, nỗi niềm trăn trở mà còn rất bay bổng. Sự nghiệp sáng tác của ông vô cùng phong phú ở nhiều thể loại khác nhau như: Truyện ngắn, thơ, kịch,…
Những tác phẩm của Lưu Quang Vũ bắt đầu nổi lên từ những năm 80, lúc ấy đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh, vô cùng khó khăn. Các tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn trong lòng bạn đọc bởi tính chân thật, nhân văn. Ra đi ở tuổi đời còn trẻ và sự nghiệp đang trên đà đỉnh cao thế nhưng những tác phẩm để lại rất nhiều. 10 năm miệt mài sáng tác của ông đã cho ra gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch ấy đều được các đoàn kịch lớn dựng lại của nhiều đạo diễn nổi tiếng.
Vào buổi tối 16/08 tại Nhà hát lớn Hà Nội, những bài thơ của ông lại một lần nữa được cất lên. Dù trải qua nhiều “năm dài tháng rộng” nhưng mỗi khi người ta được nghe các tác phẩm của ông thì sự xúc động lại dâng trào.
Chương trình “Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi” được Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt và gia đình hai cố tác giả Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh phối hợp thực hiện, nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, 35 năm ngày mất của cặp vợ chồng tài hoa bậc nhất của văn chương, kịch nghệ Việt Nam.
Đêm thơ được dàn dựng công phu, sáng tạo, quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi: Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chức, Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Kỷ, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Trang, Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Tấn Minh, diva Mỹ Linh, ca sĩ Vũ Thắng Lợi, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc sỹ Lê Tâm; Nhạc sĩ Trần Đức Minh đạo diễn âm nhạc; Nghệ sĩ Ưu tú Trần Lực tổng đạo diễn; Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ chỉ đạo nghệ thuật; Nghệ sĩ Ưu tú Doãn Bằng thiết kế sân khấu.
Đêm nghệ thuật bao gồm 4 chương, với tựa đề là những câu thơ và tác phẩm nổi tiếng của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ.
Trong đó, chương một với tên gọi “Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ” với những tác phẩm nói về tính công dân trong thơ Lưu Quang Vũ. Đó là những thi phẩm khẳng định trăn trở của Lưu Quang Vũ với “hồn dân tộc”. Đó là các thi phẩm “Việt Nam ơi”, “Trung Hoa”, “Người cùng tôi”.
Ở phần kết chương, giọng ca trong trẻo từng là hiện tượng của The Voice Kids Bùi Hà My thể hiện các ca khúc phổ thơ Lưu Quang Vũ gồm: “Mắt một mí” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và ca khúc “Phố ta” của nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm, mang đến cho công chúng những cảm xúc ấn tượng.
Chương hai với chủ đề “Anh yêu em và anh tồn tại” nhắc tới 3 người phụ nữ đã có những ảnh hưởng tới cuộc đời, cũng như để lại nhiều dấu ấn trong các sáng tác của Lưu Quang Vũ.
Người thứ nhất là diễn viên điện ảnh Tố Uyên – nữ chính trong bộ phim “Con chim vành khuyên”, Lưu Quang Vũ đã trao cho bà tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ, để rồi chia tay sau đó khi nhận thấy có quá nhiều điều không hòa hợp.
Người thứ hai là nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền – tri kỷ của ông trong những “tháng năm đau xót và hy vọng”, những tháng năm mà Lưu Quang Vũ lận đận kiếm sống cũng như đi tìm con đường của mình trong nghệ thuật.
Người thứ ba là nữ sĩ Xuân Quỳnh – người bạn thơ đồng điệu, mối tình của đời ông, người đã có 15 năm đi bên cạnh Lưu Quang Vũ, cùng ông đi qua những tháng ngày thăng hoa cả về tình yêu và sự nghiệp, đến phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay…
Chương ba có chủ đề “Hồn Trương Ba – da hàng thịt” – một tác phẩm kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ. Với lối diễn đặc trưng theo phong cách biểu hiện – ước lệ của nghệ thuật sân khấu truyền thống, đạo diễn Trần Lực và team của ông đã đưa vào nhiều lời thoại mới mẻ, mang hơi thở hiện đại của cuộc sống hôm nay.
Cách dàn dựng sân khấu tối giản của đạo diễn đã tác động rất nhiều tới cảm xúc của khán giả Trong các cảnh như rót nước, mời cơm, diễn viên thậm chí không dùng chén bát, chỉ dùng động tác tay minh họa. Cảnh giằng xé giữa hồn và xác, hai nghệ sĩ dùng nhiều động tác cơ thể để diễn tả. Tiết tấu kịch cũng nhanh và linh động hơn bản dựng trước đây.
Lời thoại được giữ theo kịch bản gốc, nhưng đã được thêm thắt một số câu phù hợp với cuộc sống hiện đại, mang tính hài hước.
Chương kết “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” khép lại chương trình với các khúc “Nhà chật” (phổ thơ Lưu Quang Vũ, nhạc Nguyễn Lê Tâm) kể lại cuộc sống gian khổ nhưng đầy lãng mạn và yêu thương trong căn phòng 6m2 của gia đình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ.
Với “Thuyền và biển” và đặc biệt “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” – ca khúc của Nguyễn Vĩnh Tiến cũng chính là ca khúc chủ đề của chương trình, qua giọng hát của diva Mỹ Linh một lần nữa khẳng định niềm tin bất diệt vào tình yêu và cuộc sống.
Trải qua bao năm tháng, các tác phẩm của nhà thơ Lưu Quang Vũ vẫn mang lại những cảm xúc đặc biệt cho người nghe. Khán phòng của Nhà hát lớn Hà Nội đã được “lấp đầy”, những di sản của ông thêm 1 lần được “sống lại”, những áng văn thơ mà khi được cất lên, lập tức chạm được trái tim của những người đã có mặt tại buổi tối 16/8.
Vĩnh biệt trần thế ở tuổi 40, Lưu Quang Vũ để lại cuộc đời quá nhiều sự tiếc nuối. Thế nhưng, với những đồng nghiệp, khán giả của ông tới dự đêm thơ – nhạc – kịch “Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi”, với cả những người yêu những tác phẩm của Lưu Quang Vũ trên khắp dải đất hình chữ S, các tác phẩm của ông vẫn ở đây, tình yêu dành cho dân tộc, cho con người và niềm khao khát sống đẹp đẽ của ông vẫn trường tồn, để nhắc nhở chúng ta thêm trân trọng và nâng niu những gì ta đang có.
Backstage News
Nguồn tổng hợp
Đọc thêm: Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao