Nhạc sĩ Quốc Trung, đạo diễn Lễ hội âm nhạc Monsoon Music Festival cho rằng: "Nghệ sĩ trẻ gần như không có khát vọng vươn ra quốc tế".
Nhạc sĩ Quốc Trung là một trong những diễn giả của tọa đàm “Vai trò của văn hóa đối với Việt Nam trong định hướng phát triển đến năm 2045” diễn ra vào chiều 17/8 tại TP. HCM. Tại đây nhiều vấn đề liên quan đến văn hoá trên nhiều lĩnh vực như âm nhạc, xuất bản, phim ảnh đã được đề cập.
Vốn được biết đến là một nhạc sĩ có nhiều đêm nhạc, chương trình tạo ấn tượng, nhạc sĩ Quốc Trung được đánh giá là người luôn hết mình sáng tạo đổi mới để làm sao khẳng định được vị trí của âm nhạc Việt Nam với thế giới. Chia sẻ trong tọa đàm, nhạc sĩ cho rằng điều quan trọng là người Việt phải đi ra ngoài, tiếp cận, cọ xát với thế giới để nhận ra được giá trị, chỗ đứng hiện tại.
Nhắc đến các nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam hiện nay, anh nói: “Trong lĩnh vực âm nhạc, khi làm việc với các bạn trẻ, tôi thấy gần như họ không hề có khát vọng, nhu cầu đi ra ngoài để được xem, học tập, trở thành nghệ sĩ quốc tế. Chính vì vậy, mọi kế hoạch, tầm nhìn của họ chỉ gói gọn ở bán hàng TikTok, sự nổi tiếng, cơm áo gạo tiền, lên truyền hình về ‘chị gái’, ‘anh trai’ nào đó”.
Tổng đạo diễn của lễ hội âm nhạc Gió Mùa cho biết, bản thân thường khuyến khích nghệ sĩ đi ra thế giới, sẽ vất vả hơn ở Việt Nam nhưng thấy được cần làm gì, niềm vui thuần khiết khi làm nghệ thuật. “Khát vọng vươn ra của âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung đối với nghệ sĩ, nhất là lớp trẻ cần được xây dựng”, nhạc sĩ nói.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Việt Nam có nhiều tài nguyên trong lĩnh vực âm nhạc.
“Viện nghiên cứu âm nhạc có kho lưu trữ về âm nhạc dân tộc, thiểu số rất phong phú. Trong những năm qua, viện nghiên cứu âm nhạc đã làm rất nhiều dự án đề xuất với UNESSCO về di sản phi vật thể như hát then, ca trù…
Tuy nhiên, tôi có cảm giác nền âm nhạc Việt như những đứa trẻ con lo giữ đồ chơi của mình, cứ đi đánh dấu cái này là của mình, cái kia là của mình nhưng không bao giờ mang món đồ đó ra sử dụng. Bởi vì nếu sử dụng thì chúng ta không ngồi ở đây với một nền âm nhạc gần như là ‘ốc đảo’ không giao lưu gì đến bên ngoài” – nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.
Nhạc sĩ nhấn mạnh, để xây dựng nghệ thuật đỉnh cao cần phải giáo dục từ nền tảng cơ bản, không đi đường tắt. Người làm nghệ thuật cần rèn luyện thể lực, sự tập trung cao độ khi làm việc. Anh không chấp nhận việc các ca sĩ mỗi lần đi tập nhạc đều cầm chiếc điện thoại để nhìn lời.
“Tôi thường dùng câu, từ nặng nói họ là ‘không có liêm sỉ’, đến tập mà không học trước, cầm bài hát của mình để nhìn lời, trên thế giới không có nơi nào làm như vậy cả”, nhà sản xuất nói.
Nhạc sĩ Quốc Trung cũng nhìn nhận, Việt Nam hiếm có một nghệ sĩ nào trong lĩnh vực âm nhạc được mời đi biểu diễn khắp thế giới. Đến hiện tại chỉ có nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn có được vinh dự này.
Ngoài góc độ nghệ sĩ, nhạc sĩ Quốc Trung nhận định, để phát triển công nghiệp văn hóa phải chú trọng đến người thụ hưởng xem họ là ai, không ban phát, định hướng hay làm theo ý muốn của người tổ chức. Nhạc sĩ cho rằng Việt Nam hiện có nhiều lễ hội nhưng chỉ có phần “lễ”, không có “hội”, không chú ý đến nhu cầu thụ hưởng của người dân.
Backstage News
Theo VnExpress