Việc vũ công Quang Đăng biểu diễn trên nền nhạc “Bigcityboi” trước mặt học sinh, trong đó có cả học sinh tiểu học khiến dư luận xôn xao.
Quang Đăng là cái tên vụt sáng trong làng giải trí Việt vào đợt dịch COVID-19 vừa qua với điệu nhảy rửa tay nổi tiếng. Ngay sau đó, nam vũ công được Tổ chức Y tế Thế giới mời tham gia chiến dịch toàn cầu nhân Ngày không khói thuốc (31/5) với điệu nhảy kêu gọi bỏ thuốc lá.
Mới đây, Quang Đăng lại được dư luận nhắc đến, nhưng bởi một sự việc ồn ào: vừa qua, nam vũ công có đến biểu diễn tại Trường TH – THCS – THPT Thanh Bình (quận Tân Bình, TPHCM) nhân lễ tổng kết cuối năm. Anh và học trò biểu diễn vũ đạo 2 bài, một bài là vũ điệu rửa tay, bài thứ 2 là bản hit Bigcityboi của rapper Binz.
Đây là một sáng tác mới, đang được nghe nhiều trong thời gian gần đây. Việc chọn một ca khúc có giai điệu trẻ trung, sôi động để biểu diễn cho giới trẻ không có gì đáng bàn cãi.
Tuy nhiên, ca từ của Bigcityboi lại chứa những nội dung được cho là khá nhạy cảm, chẳng hạn: “Trói em bằng cà vạt (trói)/ Penhouse trên Đà Lạt (đồi)/ Nếu mà ngoan em sẽ bị thương (đôi)/ Nếu mà hư em sẽ được phạt”, “Anh on top, em ở trên anh”. Thời điểm phát hành, Bigcityboi cũng gây xôn xao bởi không ít hình ảnh gợi cảm xuất hiện trong MV. Trong khi đó, buổi lễ tổng kết này có cả học sinh tiểu học, trung học cơ sở – những lứa tuổi chưa phù hợp để đón nhận sản phẩm như thế.
Bigcityboi lập lờ giữa hai tầng nghĩa sáng – tối, dễ gây suy diễn. Sản phẩm không được dán nhãn cảnh báo nhưng cũng không đồng nghĩa được sử dụng tuỳ tiện, đặc biệt ở môi trường giáo dục.
Quang Đăng nhảy trên nền nhạc Bigcityboi
https://www.youtube.com/watch?v=JgEX5pejdYI
Hành xử của giới trẻ đang chịu sự ảnh hưởng không nhỏ từ môi trường mạng, thông qua game, các sản phẩm giải trí. Trong đó, có không ít hậu quả đau lòng đã xảy ra. Vì thế, việc đưa nghệ thuật tiếp cận với giới trẻ cũng cần có sự cân nhắc, chọn lọc cẩn trọng, đặc biệt khi chúng có sức lan toả mạnh, rộng.
Việc Quang Đăng chọn biểu diễn trên nền nhạc Bigcityboi cho thấy sự thiếu nhạy cảm của nghệ sĩ. Rõ ràng, với sự đa dạng của thị trường âm nhạc hiện tại, anh hoàn toàn có thể có một lựa chọn tốt hơn, để buổi biểu diễn được trọn vẹn mà không kéo theo những lùm xùm sau đó.
Trong sự việc này, nhà trường cũng không đứng ngoài cuộc. Nếu như nghệ sĩ trình diễn thiếu sự nhạy cảm thì việc nhà trường thông qua tiết mục này cũng khiến dư luận không khỏi đặt dấu chấm hỏi. Liệu rằng sự thiếu nhạy cảm đã được nhân đôi hay chính người làm giáo dục đang quá dễ dãi với những nội dung được mang vào nhà trường.
Cách đây khá lâu, một ngôi trường khác cũng từng khiến phụ huynh ngao ngán bởi những màn nói nhảm khi mời nhóm hài đến biểu diễn cho học sinh cũng như việc ăn mặc kiệm vải của những người biểu diễn. Điều này liệu có bình thường chăng?
Với người làm nghệ thuật, văn hoá, sự hiểu biết, nhạy cảm chưa bao giờ thừa. Điều này lại càng không thể thiếu với môi trường giáo dục.
Sự tác động của các sản phẩm văn hoá không phù hợp đến giới trẻ, học sinh trong thời 4.0 là điều khó thể ngăn chặn. Nhưng chúng ta có thể tác động để cắt giảm, thông qua sự cố gắng điều chỉnh, kiểm soát trong khả năng cho phép. Một sản phẩm “hot” trên thị trường nhưng khi không đặt đúng chỗ có thể tạo ra những điều xấu xí.
Nguồn: Phunuonline