Sau hai đêm Nhạc phim tổ chức thành công với quy mô lớn, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) tiếp tục tổ chức đêm nhạc thính phòng vào lúc 20h00 ngày 25/7 tại Nhà hát Thành phố với những tác phẩm biểu diễn được lựa chọn và trình diễn bởi 10 nghệ sĩ độc tấu xuất sắc.
Tham gia chương trình có một số nghệ sĩ khách mời như: Phạm Quỳnh Trang đến từ Học viện Quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ piano Hàn Quốc Ju Sun Young…
Mở đầu chương trình là âm nhạc của nhà soạn nhạc lừng danh người Ý, Gioachino Rossini, người được biết đến với những tác phẩm nhạc kịch bất hủ của ông. Tuy nhiên, vào lúc 12 tuổi, ông đã sáng tác 6 sonata cho 2 violin, cello và double bass. Tác phẩm đầu tiên của ông, Sonata cho dàn nhạc dây số 1 giọng Sol trưởng, sẽ mở đầu đêm diễn tại TP.HCM.
Việc tác phẩm này có sử dùng đàn double bass trong phần tứ tấu là rất đặc biệt, rất hiếm, vì lúc bấy giờ, Rossini sáng tác dựa trên những nghệ sĩ mà ông đang có, và lúc đó, nhóm của ông đang có một nghệ sĩ double bass.
Tác phẩm gồm 3 chương, với phần ghi chú tốc độ là ‘moderato’ (vừa phải), ‘andante’ (chậm, thong thả), và ‘allegro’ (nhanh). Cả tác phẩm kéo dài khoảng 11 phút.
Tiếp đến là tác phẩm Duo Brilliant dành cho flute, oboe, và piano được sáng tác bởi Jules Demersseman và Felix Berthelemy, dựa trên chủ đề nhạc kịch William Tell (Guillaume Tell) của Rossini. Đây sẽ là dịp tuyệt vời để thưởng thức tác phẩm bị lãng quên.
Kaspar Kummer (1795 – 1870) là một nghệ sĩ flute chuyên nghiệp, cũng là người am hiểu và giỏi tất cả các nhạc cụ khác trong dàn nhạc. Tác phẩm Trio cho Flute, Clarine và Bassoon của ông thuộc loại hiếm thời đó (thời kỳ đầu lãng mạn) vì kết hợp 3 nhạc cụ này với nhau.
Cuối cùng là tác phẩm Ngũ tấu cho Piano giọng Fa thứ. Tác phẩm tuyệt vời này thường được tôn vinh là vương miện của âm nhạc thính phòng Brahms. Lời khẳng định này nói lên sự xuất sắc của tác phẩm khi tất cả những tác phẩm thính phòng khác của Brahms cũng nằm trong hàng kiệt tác.
Ban đầu, Brahms dự định viết tứ tấu dây, sau đó, ông đổi thành ngũ tấu cho hai piano và dàn dây. Cuối cùng, ông viết tác phẩm này cho piano và tứ tấu dây.
Tác phẩm có tất cả các đặc điểm của một tác phẩm nghiêm túc và đầy tham vọng. Cụ thể, chương cuối được đánh giá là “đặc biệt đáng chú ý”, với “tâm trạng tối tăm, lúc buồn bã, lúc đáng sợ, lúc thì bi thảm”.
Chương đầu xen kẽ giữa sóng gió và an yên. Chương hai nhẹ nhàng xoa dịu, chương ba nhanh, vui tươi, với hình thức âm nhạc scherzo – trio – scherzo.
Tác phẩm này được ảnh hưởng từNgũ tấudây của Schubert, một trong những tác phẩm mạnh mẽ nhất về mặt cảm xúc trong những tác phẩm ông từng viết.
Chương trình kết hợp những tác phẩm nhẹ nhàng như Sonata cho dàn dây của Rossini thời còn trẻ đến những tác phẩm lớn nhưNgũ tấupiano thể hiện sự chỉn chu trong việc xây dựng nội dung kịch mục.
Chương trình được biểu diễn bởi các nghệ sĩ độc tấu hàng đầu TP.HCM như NSƯT Nguyễn Tấn Anh (cello), nghệ sĩ Tăng Thành Nam (violin), Lê Minh Hiền (violin), Phạm Vũ Thiên Bảo (viola), Nguyễn Trương Hoàng Yến (flute), Phạm Khánh Toàn (oboe), Võ Minh Đông (clarinet), A Tách (bass soon), Ju Sun Young (piano) và nghệ sĩ Phạm Quỳnh Trang (piano) đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Buổi biểu diễn cũng có sự tham gia của dàn nhạc dây HBSO.
Cũng trong dịp cuối tháng 7 này, vởBallet Kiềusẽ được tái diễn trong hai đêm 23 và 24 tháng 7/2020 tại Nhà hát Thành phố. Sau khi ra mắt thành công vào ngày 20/6/2020, rất nhiều khán giả có mong muốn được thưởng thức vở ballet mới này của HBSO. Hai đêm diễn này chính là đáp ứng nhu cầu thưởng thức của các khán giả yêu mến ballet.
Nguồn: thegioidienanh