Bức màn cuối cùng của vở kịch "The Phantom of the Opera" (Bóng ma trong nhà hát) đã hạ xuống vào ngày 16/4 vừa qua tại thành phố New York. Tác phẩm được cho là biểu tượng của sân khấu âm nhạc, chương trình biểu diễn dài nhất trong lịch sử hoạt động của Broadway.
Khán giả giảm, chật vật trong việc phục hồi sau đại dịch COVID-19, chi phí sản xuất những buổi biểu diễn “Phantom” cao là những lí do khiến các nhà sản xuất quyết định khép lại các buổi trình diễn vĩnh viễn, cho dù The Phantom of the Opera – “Bóng ma trong nhà hát” liên tiếp lập chuỗi kỷ lục thời gian vừa qua.
Một trích đoạn nổi tiếng trong vở diễn đã từng công chiếu:
Buổi biểu diễn cuối cùng, “bóng ma” vẫn còn mãi
Trong buổi biểu diễn cuối cùng, Nhà hát Majestic thuộc hệ thống sân khấu Broadway đã ghi nhận hiện tượng “cháy vé” với số lượng khán giả lên tới 13.981 người.
“The Phantom of the Opera” là vở nhạc kịch vô cùng ăn khách của nhà soạn nhạc Andrew Lloyd Webber kể về một thiên tài âm nhạc đeo mặt nạ (Phantom). Nhà soạn nhạc Andrew Lloyd Webber cũng đã xuất hiện trước sự tán dương của hàng nghìn khán giả. Ông dành buổi biểu diễn này để tưởng nhớ người con trai của mình đã mất vì ung thư vào tháng 3 năm nay.
Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào tháng 1/1988, The Phantom of the Opera đã tạo sức hút lớn với người dân New York cũng như với du khách, qua đó trở thành một biểu tượng của khu vực nhà hát kịch nổi tiếng. “Bóng ma trong nhà hát” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên bằng tiếng Pháp của tiểu thuyết gia Gaston Leroux.
Trong suốt 35 năm qua, ước tính khoảng 6.500 người đã tham gia và phục vụ cho gần 14.000 buổi biểu diễn vở này, trong đó có gần 450 diễn viên. Cho đến nay, vở nhạc kịch kinh điển này đã thu hút gần 20 triệu khán giả và đạt doanh số bán vé lên tới 1,4 tỷ USD.
Tác phẩm này đã giành được 7 giải thưởng Tony vào năm 1988, trong đó có giải âm nhạc xuất sắc nhất, trở thành show công diễn dài nhất trong lịch sử Broadway kể từ ngày 9/1/2006. Sau 18 tháng buộc phải đóng cửa do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sân khấu nhạc kịch Broadway danh tiếng ở thành phố New York (Mỹ) đã sáng đèn trở lại vào ngày 14/9/2021.
Thời kỳ khó khăn cho bất cứ loại hình nghệ thuật nào
Vào tháng 9 năm ngoái, nhà sản xuất người Anh Cameron Mackintosh cho biết việc dàn dựng vở nhạc kịch The Phantom of the Opera bắt đầu lỗ do lượng khách quốc tế trở lại thành phố New York tương đối thấp sau đại dịch COVID-19. Chi phí sản xuất tăng, khoảng 950.000 USD mỗi tuần, cũng là một yếu tố khiến các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư dàn dựng vở diễn này.
Broadway đã bị ảnh hưởng nặng nề trong thời kỳ đại dịch, với tất cả các rạp đóng cửa trong hơn 18 tháng. Một số chương trình nổi tiếng nhất – “Hamilton”, “The Lion King” và “Wicked” – đã hồi phục tốt, nhưng các chương trình còn lại đều gặp khó khăn.
Hòa vốn thường đòi hỏi một lượng khách du lịch ổn định, đặc biệt là đối với “The Phantom of the Opera” và du khách đến thành phố vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch. Đại dịch cũng đẩy chi phí cho tất cả các buổi biểu diễn, bao gồm cả nhân viên an toàn và xét nghiệm COVID-19 định kỳ.
Broadway là một trong những địa điểm biểu diễn đầu tiên quyết định đóng cửa sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ vào giữa tháng 3/2020, song là địa điểm biểu diễn muộn nhất được mở lại tại Mỹ khi bước vào “trạng thái bình thường mới.”
Nguồn tổng hợp