Michael Abbott là người chịu trách nhiệm chất lượng âm thanh cho các giải Grammy trong nhiều thập kỷ qua. Đây có thể nói là vị trí chịu áp lực nhiều nhất vì phải “chiều lòng” cả phía người xem, nghệ sỹ và cả ban quản lý sự kiện nữa. Để miêu tả nhanh công việc mà mình đang làm, ông trả lời hóm hỉnh: “Tôi sở hữu danh tiếng nhiều khi đi trước cả khả năng của bản thân mình. Tôi đã tạo ra những sự kiện tuyệt vời để phục vụ cho khán giả, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi chưa từng phải đối mặt với các sự cố, từ nhỏ đến lớn hay thậm chí là rất lớn”.
Abbott thường được các show truyền hình nổi tiếng mời cộng tác quản lý phần âm thanh, trong đó thường xuyên nhất là The Voice, Shark Tank hay cả ESPY, Country Music Award và các lễ trao giải Oscar. Dĩ nhiên đi kèm cùng danh tiếng càng cao của sự kiện thì áp lực lên Michael Abbott cũng càng lớn, đòi hỏi ông phải nghiên cứu và tạo ra kết quả tốt nhất, hay ít ra là tốt nhất có thể trong phạm vi cho phép. Dưới “trướng” của ông là đội ngũ kỹ thuật viên thông thạo quy trình thiết lập loa, các kênh âm thanh riêng biệt, microphone… cùng hàng nghìn các thiết bị đầu vào khác. Nhờ đó, tiếng nói của từng MC hay nghệ sỹ đều được truyền tải chi tiết với độ chính xác cực cao, cung cấp cho khán thính giả trải nghiệm tuyệt vời nhất khi tham gia sự kiện.
Dưới đây là buổi nói chuyện với Michael Abbott về các kinh nghiệm cũng như khó khăn khi thiết lập âm thanh cho lễ trao giải Grammy. Xin mời bạn đọc tham khảo.
Hầu hết các phần trình diễn đều không được quyết định rõ ràng cho đến khi nghệ sỹ sắp sửa lên sân khấu. Điều này nghe có vẻ buồn cười nhưng là sự thật. Các nghệ sỹ luôn muốn phát biểu một cách ngẫu hứng để tạo ấn tượng riêng trước khán giả, và đôi khi họ còn khiến công đoạn chuẩn bị khó khăn hơn khi… muốn làm gì thì làm, thậm chí còn không cho chúng tôi biết sẽ làm gì trên sân khấu để có thể chuẩn bị cho đủ. Vì lý do đó, thường thì sau khi nghệ sỹ diễn tập chúng tôi sẽ không cho phép thay đổi các nội dung của phần trình diễn nữa. Điều này phần nào sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và công sức để có thể tập trung vào những thứ khác.
Sẽ có khoảng mấy mươi triệu người xem giải Grammy và sau đó các nghệ sỹ sẽ bán ra thêm ít nhất 300.000 bản album hay single của mình. Hiện nay kết quả này còn có thể tăng hơn nhiều nữa nhờ vào sự phát triển của loại hình streaming. Với đa số các nghệ sỹ, giây phút được đề cử giải Grammy cũng chính là lúc sự nghiệp âm nhạc của họ tiến thêm 1 bước dài.
Nội dung
Vị trí “quản lý chất lượng âm thanh” cho giải Grammy chính xác là gì?
Công đoạn mixing chiếm khoảng… 5% toàn bộ công việc của tôi. Trách nhiệm của tôi là gặp gỡ “các bên” gồm phía nghệ sỹ, các kỹ sư âm thanh của họ (hoặc của riêng show) cũng như phía quản lý show. Tôi sẽ tìm hiểu xem các nghệ sỹ muốn màn trình diễn của họ ra sao, sau đó đối chiếu với những gì mà chúng tôi có thể thực hiện được. Các nghệ sỹ lúc nào cũng đưa ra ý tưởng gần như “trên mây” và thuyết phục họ cũng là điều mà tôi phải làm. Dựa trên sức chứa của khán phòng, cách bày trí sân khấu hay thời lượng màn trình diễn, tôi sẽ đưa ra các khuyến nghị và góp ý riêng cho từng nghệ sỹ hay ban nhạc. Ví dụ nếu họ muốn “diễn nhanh rút nhanh” thì không thể nào đòi hỏi phải đi dây rườm rà hay kéo dây từ sàn lên sân khấu, vì như thế sẽ rất nguy hiểm khi di chuyển.
Ông có thể cho một ví dụ chi tiết hơn không?
Thế này nhé. Có 1 lần Sam Smith đột nhiên nêu ra ý tưởng cần đến 40 vị trí nhạc công đàn dây xếp theo hình vòng cung, đồng thời còn đòi hỏi thêm phải thiết lập microphone cho từng vị trí đàn để giống như đang chơi live, mặc dù trên thực tế thì đa số phân đoạn trong phần biểu diễn đều là được thu trước. Hướng giải quyết của tôi lúc đó là dù sao thì khán giả cũng không thể phân biệt được là đang live hay đang mở bản thu trước, do đó tôi quyết định sử dụng những track thu trước là phù hợp nhất. Sam Smith cũng muốn phải có thêm phần live thực sự nên tôi cho bố trí thêm các microphone ribbon dạng 8-polar.
Lần khác, có 1 phần trình diễn đòi hỏi 12 giọng vocal nền hát live, do đó họ yêu cầu bố trí microphone. Tôi khuyên họ nên sử dụng track thu sẵn vì nhóm hát nền sẽ di chuyển xung quanh sân khấu và làm cho bài trình diễn bị biến âm rất nhiều, và họ đồng ý. Thế mà khi sắp diễn họ lại nằng nặc đòi phải hát live cho bằng được. Và tôi từ chối, bảo rằng chúng tôi không làm được.
Các nghệ sỹ hay quản lý của họ có quyền đưa ra các yêu cầu mà họ muốn, tuy nhiên tôi và nhóm của mình mới là những người trực tiếp bắt tay vào làm việc và chỉ có chúng tôi mới biết đâu là giới hạn không thể thay đổi được. Tôi phải “hạn chế” được phần nào các mong đợi và đòi hỏi từ phía nghệ sỹ, tuy nhiên sẽ không làm ảnh hưởng quá nhiều đến phần trình diễn của họ. Tôi muốn những nghệ sỹ sau khi biểu diễn xong hiểu rằng nhóm thiết lập âm thanh đã làm hết sức trong phạm vi cho phép.
Theo ông lần tác nghiệp nào gặp nhiều khó khăn nhất?
Đó là lần mà trên sân khấu chỉ có duy nhất 1 cây piano và tiếng hát của Adele. Khi microphone thu tiếng đàn gặp lỗi, chúng tôi gần như không có cách nào để khắc phục ngay được. Thường thì người sành nhạc sẽ thích nghe trực tiếp âm thanh phát ra từ nhạc cụ hơn là nghe bản thu sẵn, và tiếng của các loại piano sẽ không giống nhau, ví dụ khi so sánh tiếng trầm hùng của Bösendorfer với kiểu tiếng hơi tối của Steinway, hoặc Yamaha có kiểu tiếng sáng hơn nhưng không chát chúa như Fazioli. Chính điều này làm thính giả ấn tượng và thích nghe các buổi trình diễn live hơn là thu sẵn.
Vậy thì không có hệ thống dự phòng nào sao?
Có chứ. Trong mỗi hệ thống thiết lập âm thanh của chúng tôi đều có 2 bộ phát dự phòng. Chúng được kích hoạt liền mạch theo khung thời gian và điều kiện được đặt trước, cũng như được ghép chung vào 1 switch input. Nếu máy 1 dừng hoạt động thì ngay lập tức “đường dây” sẽ được chuyển qua máy 2. Kiểu làm việc này đôi khi vẫn xảy ra lỗi không đoán trước được, tuy nhiên giảm rủi ro khi làm show rất nhiều. Rủi ro là không tránh được và chúng ta chỉ có thể đối phó với chúng mà thôi.
Nếu rủi ro là không tránh khỏi, sao ông không yêu cầu các nghệ sỹ cung cấp cho mình bản thu trước của phần trình diễn?
Tôi đồng ý là chắc chắn thế nào cũng sẽ xảy ra rủi ro. Vấn đề nằm ở chỗ là vẫn có giá trị riêng của việc giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra. Ví dụ nếu chúng tôi có 1 chiếc microphone dự phòng và 1 chiếc microphone nào đó bị lỗi, trợ lý sân khấu sẽ biết cần đưa chiếc microphone dự phòng cho ai.
Nhiều năm trước tôi có làm show với Chubby Checker và ông này biểu diễn rất ngẫu hứng. Lần đó ông đột nhiên vỗ tay khi đang cầm microphone và cục pin trên mic bay thẳng vào phía sau cánh gà. Lúc đó không ai hiểu ai, 4 trợ lý sân khấu cùng chạy lên đưa mic dự phòng và tạo ra cảnh tượng sân khấu không đẹp mắt chút nào. Khi 1 lỗi nào đó xảy ra, nó hầu như sẽ kéo theo đủ thứ nữa.
Bù lại đây chưa hẳn là điều không tốt. Nó có thể tạo ra cho khán giả cảm giác “thật” hơn khi xem show. Tôi khẳng định rằng đến khoảng 95% người xem live show là để xem các lỗi sân khấu, giống như các show truyền hình thực tế vậy, thành công quá lại đâm ra “nhạt”.
Trong show diễn của Lady Gaga và Metallica năm 2017 cũng bị lỗi mic của James Hetfield không hoạt động. Lần đó tôi bị “gạch đá” rất nhiều nhưng sau đó CBS sử dụng clip này làm promo cho chương trình năm sau, do có cảnh Lady Gaga và James Hetfield hát chung micro mà người xem rất thích. Thế đấy, tất cả những gì ta có thể làm là chuẩn bị thật chu đáo và sau đó hy vọng sẽ không có lỗi nào xảy ra.
Nghe có vẻ như có rất nhiều phần của sân khấu cần phải quản lý nhỉ?
Ngoài sân khấu chính ở giữa với 2 phần trước và sau sẽ còn 2 cánh sân khấu trái và phải, tổng cộng là 4 khu vực cần phải chú ý cùng lúc. Ở đâu cũng sẽ có các dây nhợ lỉnh kỉnh vì các phần sân khấu phải luôn sẵn sàng mọi lúc cho bất cứ phần trình diễn nào. Đây là 1 trong những thứ cần được khảo sát đầu tiên trước khi làm show.
Quá trình thực hiện diễn ra như thế nào?
Đầu tiên là phải dẹp trống sân khấu khi màn trình diễn kết thúc. Thời gian tiêu tốn vào khoảng 3~5 phút tùy theo số lượng thiết bị. Sau khi MC giới thiệu hay nghệ sỹ phát biểu xong, mọi thứ lại tiếp tục được đưa lên và tốn thêm từ 3~5 phút nữa. Đó là chưa kể đến mất thêm từ 1~2 phút để kiểm tra xem có đầy đủ thiết bị chưa. Tổng thời gian thực hiện tính ra sẽ từ 10~15 phút, nghe thì lâu nhưng nhịp làm rất nhanh và người làm cũng bở hơi tai. Tôi cũng phải rất chú ý các động thái xung quanh để không làm ảnh hưởng đến những gì đang xảy ra ở sân khấu phía trước.
Nhóm của ông gồm bao nhiêu người?
Nhóm của tôi gồm 46 người được chia ra đảm nhiệm 9 vị trí. Ngoài ra cũng có thể thuê thêm khoảng 10 người nữa cho những dự án lớn.
Đôi nét về các hệ thống console được sử dụng
Các hệ thống console được sử dụng để chỉnh âm tại sự kiện cũng tương tự như các thiết bị thường có trong các studio thu âm. Chúng có giao diện với hàng tá những nút bấm, cần gạt hay núm xoay để điều chỉnh chi tiết âm thanh theo đúng yêu cầu của nghệ sỹ. Hệ thống console sẽ cho phép các kỹ sư âm thanh mix các track nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và cũng có độ chính xác cao hơn.
Không như analog console với tính năng giới hạn, digital console được trang bị các chip xử lý kỹ thuật số hiện đại để kỹ sư âm thanh có thể điều chỉnh và tự động hóa quy trình mix track. Digital console còn có thể lưu lại “snapshot” của các thiết lập để kích hoạt và sử dụng nhanh chóng về sau, không cần phải hiệu chỉnh mọi thứ từ đầu.
Mọi người sẽ được phân bố ở những nơi nào?
Chúng tôi có 2 xe tải đặt ngoài sân khấu và đây chính là “phòng” sản xuất video và audio cho show. Chúng được tôi đặt tên là Trạm A và Trạm B. Ngoài ra còn có thêm 2 xe tải nữa dành riêng cho nhiệm vụ mix track. Những người còn lại tập hợp và làm việc cũng như hỗ trợ xung quanh sân khấu.
Sao lại phải sử dụng các xe tải bên ngoài?
Vì không có chỗ cho tất cả mọi thứ. Chúng tôi phải ưu tiên chỗ cho các xe chở thiết bị âm thanh của show, rồi nào là thiết bị âm thanh riêng của từng ban nhạc hoặc nghệ sỹ nào đó. Các nghệ sỹ cũng “chạy sô” nên xe chở các máy móc sẽ ra vào nườm nượp. Việc đậu xe tải bên ngoài còn giúp chúng tôi điều phối xe ra vào trực quan hơn.
Làm thế nào để đưa âm thanh từ sân khấu đến các “trạm” bên ngoài?
Mọi thứ được truyền tải qua hệ thống DiGiCo Console bằng mạng cáp quang OPTOCORE. Tín hiệu analog-in và digital-out được đưa đến các loa PA, và trên mỗi sân khấu còn đặt thêm 1 bộ mixer 120 kênh nữa. DiGiCo Console sẽ truyền tín hiệu nhạc đến 2 xe tải dành riêng cho mix track, mỗi xe sử dụng bộ mixer với 168 kênh. Tín hiệu âm thanh sau đó tiếp tục được truyền tải qua giao thức Multichannel Audio Digital Interface (MADI) đến 2 xe Trạm A và Trạm B để xử lý âm thanh từ mirophone, mic thu tiếng khán giả hay mic RF và các thứ khác.
Có tổng cộng bao nhiêu channel được sử dụng?
Gồm 24 channel MADI, 64 channel điều hướng, 128 channel AAS (Advanced Application Services) và 192 channel analog. Tính ra là 192 channel ngõ vào và 192 channel ngõ ra. Ngoài ra còn có thêm 5 mixer với hơn 400 channel ngõ vào và 80 channel ngõ ra. Và đây mới chỉ là 1 chiếc xe tải thôi nhé. Đó là còn chưa kể đến quy trình mixing từ hơn 1.800 input của các microphone xung quanh sân khấu. Đây là lý do vì sao cần người có kinh nghiệm làm show từ 15 năm trở lên.
Vậy ra thì nhân lực cũng không quá lớn nhỉ?
Đúng vậy. Bù lại tuy nhân lực ít nhưng kinh nghiệm làm việc thì rất nhiều. Tính tổng cộng những người tôi từng làm chung show Grammy thì tuổi nghề của họ phải trên 500 năm.
Điều này là do cần người giỏi hay đơn giản chỉ là những ai thạo việc và chắc chắn không gây ra lỗi?
Tôi đã đề cập đến vấn đề này rồi mà. Rủi ro vẫn sẽ xảy ra thôi. Dù có giỏi đến mấy mà ngày hôm đó không may thì vẫn có chuyện như thường. Không bao giờ có tình huống nào chắc chắn 100% thành công cả. Điều đáng nói ở đây là với kinh nghiệm làm việc, mỗi người sẽ biết vị trí của mình ở đâu và cần làm gì trong trường hợp nào. Theo câu hỏi ở trên, câu trả lời là cả “giỏi” và “thạo việc”, tuy nhiên còn phải có thêm “tinh thần thép” để làm việc trong môi trường áp lực nữa. Tôi thường nói với các đồng nghiệp của mình rằng khi đặt tay lên console làm việc, nếu sau 30 giây dưới bàn tay đó ướt đẫm mồ hôi thì tốt nhất nên dừng lại. Vì sao? Vì ta đang bị ảnh hưởng bởi stress. Khi mix track cho 1 show, cái cần thiết nhất chính là sự điềm tĩnh để làm việc 1 cách hệ thống và có quy củ.
Tìm hiểu các thuật ngữ và khái niệm được nhắc đến trong bài
Giao thức MADI
MADI (Multichannel Audio Digital Interface) là giao thức truyền tải cho phép gởi tối đa 64 kênh âm thanh qua cable coaxial hay cable quang học. Giao thức này hỗ trợ định dạng âm thanh tối đa 24-bit/192kHz lossless, cung cấp giải pháp truyền tải mạnh mẽ chỉ với 1 cable duy nhất.
Dante
Dante là thuật ngữ chỉ chung các phần mềm, phần cứng và giao thức mạng để truyền tải tín hiệu âm thanh kỹ thuật số không nén và đa kênh qua mạng Ethernet với độ trễ bằng 0. Điều này sẽ giúp tín hiệu âm thanh được chia sẻ và cấu hình giữa nhiều thiết bị mà không lo ngại bị “lag” khi truyền tải qua mạng.
Ribbon microphone
Ribbon microphone là loại microphone lâu đời có cách thức hoạt động tương tự như các micro dynamic ngày nay. Với cấu tạo với 1 lá kim loại mỏng được giữ cân bằng trong từ trường, kiểu microphone này là 2 chiều (hình 8-polar) và có thể thu âm cả phía trước lẫn phía sau, tuy nhiên không thu âm tốt ở 2 bên. Chúng thường được sử dụng trong các nhóm hát có nhiều vocal để giảm số lượng microphone (dạng thường) phải đặt trên sân khấu.
Công nghệ đã có những thay đổi ra sao so với làm show cách đây nhiều năm?
So với hồi những năm ’80 thì tiên tiến hơn nhiều lắm. Lúc đó chủ yếu chỉ sử dụng analog console, digital console chỉ mới được sử dụng từ khoảng năm 1994, nhưng vẫn phải cắm vào analog console. Vào khoảng năm 2011 tôi mới chuyển hết sang digital console kết nối trực tiếp với nhau.
Để làm quen với công nghệ mới cũng như nhằm phân bố công việc hiệu quả hơn, chúng tôi thường có những buổi họp mặt đầy đủ mọi người và cùng nhau “diễn tập” trong 8 giờ. Hiện tại mọi người đã quen việc và chỉ cần có mặt là đã sẵn sàng làm việc. Do đã có kinh nghiệm, mọi người trong nhóm thường ngay lập tức biết mình nên ở vị trí nào trong show, rất ít khi tôi phải trực tiếp chỉ đạo.
Tuy nhiên đôi khi các lỗi không xảy ra ngay lập tức mà “dìm” lại ở đâu đó và sau đó mới “bùng phát”. Nếu mọi việc xảy ra đã quá lâu thì sẽ chẳng ai nhớ mình đã sai sót điều gì. Vì vậy tôi luôn giữ hàng tá các sổ sách tổng kết xem ở sự kiện nào mình đã làm những gì, sử dụng những microphone nào,… để khi lỡ có chuyện là có tài liệu để tra cứu ngay.
Giải Grammy năm nào cũng tổ chức cùng 1 địa điểm. Ông có phải điều chỉnh loa lại mỗi lần làm show không?
Hệ thống âm thanh thì sẽ hầu như không thay đổi do chúng tôi bị giới hạn khối lượng và các nhân tố lắp đặt. Tuy nhiên đôi khi những chiếc loa không còn phù hợp với nhu cầu show và cần được thay mới, lúc này mọi thứ sẽ phải được tính toán lại từ đầu.
Nhìn chung quy trình thực hiện vẫn như cũ, bắt đầu từ việc thiết đặt các microphone để đo tiếng vang và căn chỉnh mức âm lượng đồng đều nhau cho từng hàng ghế. Mục tiêu ở đây là phải làm sao cho mỗi vị trí nghe có mức phản hồi âm học mượt mà và đồng đều nhất. Ngoài ra cũng phải tính đến các vị trí có thể làm thay đổi phản hồi âm mà không thể dẹp bỏ nhằm tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất.
Mất bao lâu để thiết lập xong hệ thống?
Chúng tôi mang thiết bị tới show vào thứ Hai, sau đó tiếp tục căn chỉnh và đem tới thêm nhiều đồ nữa trong thứ Ba và thứ Tư. Diễn tập sẽ kéo dài trong 3 ngày tiếp theo và show chính thức diễn ra vào Chủ Nhật.
Tuning 1 hệ thống âm thanh như thế nào?
Mục tiêu của việc tuning 1 hệ thống âm thanh là để đảm bảo chất lượng âm thanh không đổi ở bất cứ vị trí nào trong khuôn viên của sự kiện. Điều này có nghĩa là mức âm lượng, tần số đáp ứng và độ chi tiết của âm thanh phải tương đồng ở từng vị trí ghế ngồi. Các kỹ sư âm thanh sẽ tùy biến vị trí và hướng phát của loa, gia giảm phase / delay hay thêm filter hoặc EQ để có được kết quả tốt nhất. Ngoài ra họ còn sử dụng thêm các phần mềm như SMAART để phân tích mức tần số đáp ứng ở từng vị trí trong khuôn viên sự kiện, từ đó có thể hiệu chỉnh nhanh chóng nếu cần thiết. Thường thấy nhất trong quá trình này là việc phát pink noise ra các loa để đo đạc chính xác ở từng khu vực riêng biệt.
Giải Grammy sử dụng khoảng bao nhiêu loa, microphone và nhạc cụ?
Tùy theo từng năm mà con số này sẽ thay đổi nhiều hay ít. Năm nay sử dụng khoảng 3.300 dây mic được lắp đặt trong suốt 5 ngày, cộng thêm khoảng 48 microphone RF, 24 bộ phát và 75 bộ thu đeo thắt lưng. Khoảng 16 cụm loa PA cũng được thiết lập xung quanh sân khấu để truyền âm hoặc bù trừ cho phần tín hiệu bị trễ. Đó là chưa kể đến những chuỗi loa vệ tinh gắn trên trần cao. Cuối cùng là những cặp subwoofer 18-inch và khoảng 20 loa đánh hướng trực tiếp ra phía trước.
Ông có sử dụng hệ thống loa có sẵn của rạp hát không?
Chúng tôi hoàn toàn không sử dụng chúng do thiết kế không phù hợp, cả về vị trí vật lý lẫn chất lượng âm thanh. May mắn là chúng không quá choán chỗ, hay có thể được gỡ ra nếu cần.
Công nghệ nào đang là thông dụng nhất hiện nay trong mảng làm live show?
Khó khăn kế tiếp mà chúng tôi cần lưu tâm chính là Dante. Các nhà sản xuất không chịu trả mức phí phù hợp cho quá trình bày trí sân khấu, và cũng không có nguồn nhân lực đảm bảo.
Nhóm của tôi bắt nguồn từ việc sử dụng các analog console với dây đồng kéo trên sàn sân khấu. Dây đồng tỏa nhiệt khá nhiều và tôi đã chuyển sang sử dụng digital console với thiết lập cáp quang. Khi chuyển sang mô hình này, tôi bắt buộc phải tuyển thêm người có hiểu biết để làm việc 1 cách hiệu quả nhất. Trở ngại là phía nhà sản xuất không muốn trả phí để thuê thêm người, trong khi chúng tôi thì mắc kẹt với quy ước FCC.
Quy ước FCC sao lại có liên quan ở đây?
Có chứ. Quy ước FCC có các quy định về sử dụng sóng RF và chúng được ưu tiên cho các công ty truyền thông. Điều này làm chúng tôi không thể sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị phát sóng RF do sóng sẽ bị nhiễu hoặc tệ hơn nữa là đầy băng thông khiến không kết nối được. Chúng tôi thì chắc chắn không thể nào cạnh tranh lại các công ty truyền thông rồi.
Vậy thì theo ông nó có đáng để phải nhọc sức như vậy không? Tại sao không bớt đau đầu bằng việc sử dụng các track thu trước cho rồi?
Điều này khó nói lắm. Nếu thu trước 1 track và chỉ việc mở nó lên khi cần, thứ âm nhạc đó chẳng có chút linh hồn nào cả, và người nghe chắc chắn sẽ bài trừ nó. Chơi 1 track để người ca sỹ hát theo cũng giống như đang “làm cho có” chứ chẳng hề có cảm xúc gì hết. Trái lại, 1 phần trình diễn live sẽ luôn đổi mới tùy theo cảm hứng của ca sỹ, và không bao giờ giống hệt nhau như khi chơi track thu sẵn từ trước. Đây mới chính là lúc mà nghệ thuật được thăng hoa.
Xin cảm ơn ông.
Xem thêm: Chói mắt vì sân khấu lễ trao giải Oscar lần thứ 90