Chiều 14/3 đã phiên sơ thẩm vụ kiện thương mại vở diễn “Ngày xưa” (hay còn có tên khai thác thương mại là “Thưở ấy xứ Đoài”) giữa nguyên đơn là Công ty Tuần Châu Hà Nội và bị đơn là Công ty DS do đạo diễn Việt Tú làm chủ.
Trước khi phiên tòa được diễn ra, nhiều bạn bè, đồng nghiệp và cộng sự trong lĩnh vực nghệ thuật với đạo diễn Việt Tú đã chia sẻ quan điểm và lên tiếng ủng hộ. Đặc biệt, câu chuyện về con đường “ngậm ngải tìm trầm” của đạo diễn Việt Tú với vở diễn “Ngày xưa” qua lời kể của chị Nguyễn Quỳnh Hương đã nhận được nhiều sự quan tâm từ người đọc.
Nội dung
1. Khởi đầu khó khăn
Tôi nhớ khoảng 2015 – 2016, đạo diễn Việt Tú vắng bặt và chỉ nhìn thấy anh khi có 1 event lớn nào đó do Dream Studio của Tú sản xuất. Tú lặn mất hút như một hòn đá ném xuống hồ sâu, và như thói quen mà chúng tôi biết về Tú thì mọi người khẳng định: Tú đang theo đuổi 1 thứ cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp đạo diễn của anh.
Và đến khoảng tháng 4 năm 2017, thì tôi mới biết Tú đã làm xong một thứ “bom tấn”: vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Việc tôi biết được là do nhà đầu tư Tuần Châu đặt tôi viết PR content cho vở diễn, khi đó 2 bên đang tranh cãi nhau về tên gọi. Tú đưa ra tên “NGÀY XƯA”, nhà đầu tư muốn vở đó tên là “TONKIN”. Cái tên Tonkin show rất kỳ cục vì ai cũng biết “Tonkin” là địa danh chỉ Bắc Kỳ do người Pháp đặt; trong khi vở diễn của Tú là câu chuyện xứ sở ngàn năm trước, được lấy cảm hứng từ thiền sư Từ Đạo Hạnh của thời Lý. Thế rồi, Tú đã chấp nhận tên gọi “THUỞ ẤY XỨ ĐOÀI” như một lưạ chọn đỡ tệ hơn để anh có thể gửi phần ký ức dân tộc vào đó.
2. Hành trình làm nên “Thuở ấy Xứ Đoài”
Để nói về hành trình làm nên “Thuở ấy Xứ Đoài” (tôi xin gọi bằng cái tên chính thức khai thác thương mại), thì đó là hành trình Việt Tú ngậm ngải tìm trầm. Hơn 1 năm trời mỗi ngày Tú đi về 70 km giữa Hà Nội và Chùa Thầy. Ở đó Tú ăn cơm bụi đầu làng, thuộc tên thuộc mặt những người nông dân đi làm đồng về, Tú sống với họ thân thiết như nếu anh có một gia đình ở quê – thì gia đình của anh chính là ngôi làng nhỏ dưới chân núi Sài Sơn. Để thúc đẩy nhanh tiến độ dựng vở, nhà đầu tư đã yêu cầu dùng diễn viên chuyên nghiệp nhưng Việt Tú nhất định không thoả hiệp. Bởi anh muốn chính những người nông dân trình bày lại đúng cuộc sống của chính mình. “Chỉ cần họ mang cuộc đời của họ bước thẳng lên sân khấu. Họ kể lại chính câu chuyện của mình, của ông bà cha mẹ, của vùng đất tổ tiên – là đủ xúc động rồi. Cái THẬT ấy quá hiếm hoi trong thời buổi mà đến cảm xúc hay nghệ thuật người ta cũng fake”. Tôi vẫn nhớ, Tú trả lời thế khi tôi hỏi “vì sao cứ nhất định phải là nông dân cho khó?”
Khi Tú phải mất gấp 7 lần thời gian. Khi 40% diễn viên của anh nghỉ dở chừng vì mưu sinh, vì sửa nhà, vì cãi nhau với gia đình, vì bận buổi chợ và anh lại phải tuyển để dạy lại từ đâù. Khi team của Tú ra đồng đêm nắng ngày mưa để thu âm từng tiếng ếch kêu, tiếng gió lùa qua lau sậy. Khi những người nông dân ngồi dưới hiên nhà nghe các nghệ sĩ về từ Hà Nội dạy lại những điệu chèo cổ, các điệu rối của cha ông đã bị lãng quên, họ bật khóc, và điều ấy mãi găm vào Tú như một vết buồn thương. Khi cả một ngôi làng, từ già trẻ trai gái, nhất mực gọi người đạo diễn nổi tiếng khắc nghiệt ấy bằng cái tên chứa đầy ngưỡng mộ và yêu dấu: “Thầy Tú”. Thì tôi hiểu rằng, “Thuở ấy xứ Đoài” đối với Tú vừa máu thịt vừa đau đớn vừa đầy hạnh phúc kiêu hãnh, như một đứa con.
3. Sự biến mất khó hiểu
Đen cho Tú là vở diễn của anh bị đóng lại sau chỉ 10 buổi diễn. Lúc đó, tất cả báo giới đều ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Ngày diễn công bố đúng hôm Rằm tháng Năm âm lịch năm 2017, nhiều khán giả xúc động rơi nước mắt, báo chí choáng ngợp, nhà sử học Dương Trung Quốc hết lời khen ngợi ngay tại khán đài, ông Đào Hồng Tuyển và ông Quốc tíu tít bắt tay chúc mừng Tú trong vòng vây của báo chí vì cảm xúc trọn vẹn anh trao cho khán giả. Sau đó bên Tuần Châu công bố đóng lại “Thuở ấy Xứ Đoài” với lý do như ông Tuyển nói, “vở diễn không chạm đến trái tim người xem”. Khi báo chí còn hoang mang việc “giật nước” Việt Tú mà ông Tuyển (một nhà kinh doanh) đưa ra với lý do đầy trừu tượng và 100% cảm xúc như thế, thì Tuần Châu đột ngột công bố vở diễn mới thế cho “Ngày xưa”. Vở mới tên là “Tinh hoa Bắc Bộ”, chỉ mất đúng 3 tháng bao gồm cả việc hoàn thiện sản xuất và đưa vào khai thác thương mại. Chắc do cũng kíp bách thời gian, lúc mở bán vé tất cả hình ảnh và trailer quảng cáo “Tinh Hoa Bắc Bộ” đều là của “Thuở ấy Xứ Đoài”!!!
4.“Ngày xưa” chỉ còn là ký ức
Tôi là một trong số những khán giả ít ỏi được đi xem cả hai vở diễn. Trước khi xem “Tinh Hoa Bắc Bộ”, tôi đã đọc những dòng review đầy xúc động từ những người anh chị, những bạn bè mà tôi vô cùng yêu quý và trân trọng. Như chị Mỹ Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Trương Quý…Tôi tin các bạn tôi, những người trong sáng, có thẩm mỹ, luôn cổ vũ sáng tạo chân chính. Và vì thế, tôi đã lên xe bus như mọi người khách du lịch, để xem vở của Nhật Nam, với hy vọng mình được xem một tác phẩm thật sự độc lập, một sáng tạo mới của người đạo diễn trẻ. Và tôi lần nữa đã chảy nước mắt khi ngồi ở khán đài hình vòng cung dưới trời sao ấy. Vì tôi thấy oan ức quá, oan ức đến nỗi chuyện không phải của mình, chẳng liên quan đến mình mà lại bị cảm giác mất mát. Nếu tôi là khán giả LẦN ĐẦU TIÊN xem vở thực cảnh này, tôi cũng xúc động giống hệt các bạn tôi. Làm sao không xúc động khi bối cảnh đẹp như thế, sân khấu kỳ ảo như thế, con người và ký ức gọi về đẫm tình như thế. Nhưng tôi đã xem VỞ CỦA TÚ, thì thứ tôi được xem lại chỉ là bản fake được xắp xếp để che dấu đi tính chất đạo nhái. “Tinh hoa Bắc Bộ “ được dựng trên chính hệ sinh thái sáng tạo, sử dụng lại chính những diễn viên nông dân, dùng lại đường tuyến, toàn bộ thiết kế sân khấu, thiết kế bối cảnh, trang phục, đạo cụ……của “Thuở ấy Xứ Đoài”.
Tiếc cho Việt Tú, vở diễn “Ngày xưa” bị thủ tiêu không còn dấu vết, chỉ còn hiện diện trên các link báo. Thậm chí một băng tư liệu quay đầy đủ vở cũng chỉ phía Tuần Châu có (họ không đồng ý cho Tú ghi hình lại khi còn đang là đồng hành của nhau). Nhiều người thấy kỳ lạ khi Tú lồng lộn vì vụ việc “Thuở ấy Xứ Đoài”, mất gần 2 năm tranh đấu vật vã. Tôi thì thấy như thế mới chính là Tú. Vì đã yêu đến đau đớn, đã Sống trọn vẹn, đã đi tìm căn cước của chính mình trong tác phẩm, như Tú dồn góp cho “Thuở ấy Xứ Đoài” – nếu không đi đến cùng để trả lại sự thật, thì Việt Tú đã phản bội chính anh.
Xem thêm: REVIEW NHẠC KỊCH – THE LION KING MUSICAL (VUA SƯ TỬ)
Trích dẫn bài viết:https://www.facebook.com/huongquynhtun/posts/10156278114121094