Đêm nhạc Mây Lang Thang Concert quy tụ 5 nam nghệ sĩ: Tuấn Ngọc - Bằng Kiều - Lê Hiếu - Phan Mạnh Quỳnh và Vũ. đã liên tục vấp phải phản ứng chỉ trích của khán giả và công chúng.
Ngày 27/7, BTC Mây Lang Thang liên tục lên bài “cầu cứu” vì chương trình Concert kỷ niệm 5 năm bị yêu cầu dừng lại ngay chỉ trước vài tiếng diễn ra chương trình. Mặc dù trước đó đã xin được giấy phép tổ chức, nhưng buổi trưa cùng ngày, đơn vị này đã nhận được công văn từ Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội cùng đơn vị cho thuê địa điểm về việc tạm dừng chương trình Mây Concert. Đêm nhạc dự kiến diễn ra tối 27/7 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Nội dung
Mây Lang Thang bị yêu cầu dừng gấp đêm nhạc Hà Nội
Cụ thể, công văn số 3139 của Sở VH&TT Hà Nội đề nghị Trung tâm Hội nghị quốc gia hướng dẫn Công ty CP Mây Lang Thang tạm dừng tổ chức chương trình Mây Concert vào 19h30 tối 27/7. Ngoài ra, Sở VH&TT Hà Nội cũng đề nghị đơn vị địa điểm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để chương trình được tổ chức thành công vào lần kế tiếp (nếu có).
Về lý do phải yêu cầu dừng đêm nhạc nghệ thuật, phía Trung tâm Hội nghị quốc gia khẳng định theo quy định trong thời gian tổ chức Lễ Quốc tang, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
“Trong điều kiện tình hình thực tế, trước sự đau thương, mất mát to lớn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và thực hiện yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về việc hạn chế tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí tại Trung tâm Hội nghị quốc gia trước và sau Lễ Quốc tang”, đơn vị cho thuê địa điểm khẳng định.
Cách xử lý gây phẫn nộ công chúng
Sau khi nhận được công văn yêu cầu tạm dừng đêm nhạc Mây Concert, thay vì thông báo tạm dừng đêm nhạc theo công văn, BTC Mây Lang Thang lại có cách xử lý khiến công chúng phẫn nộ. Cụ thể, trên fanpage chính thức, Mây Lang Thang đăng bài “cầu cứu” công chúng vì đang tổng duyệt thì nhận “tin dữ” rằng phải dừng chương trình.
Tuy nhiên, bài viết này đã gây ra sự phẫn nộ lớn trong dư luận bởi đất nước vừa mới trải qua đau thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Thất vọng về Mây quá Mây ơi”; ” Không hiểu nổi BTC suy nghĩ gì mà lên kêu cứu, nhà có tang hôm qua hôm nay đã mở hội hát hò tự soi xem có được không?”; “Giữa lúc cả nước đau buồn vì mất mát lớn, một chương trình nghệ thuật lại kêu cứu vì phải dừng tổ chức. Hành động này của BTC quá thiếu suy nghĩ”;…
Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng BTC đã đổ lỗi cho đơn vị cấp phép và cho thuê địa điểm, thay vì tự nhìn nhận hành động chưa phù hợp của mình.

Sau nhiều chỉ trích mạnh mẽ từ công chúng và khán giả, đến chiều ngày 27/7, fanpage của Mây Lang Thang chính thức đăng thông báo tạm dừng đêm nhạc Mây Concert lần hai.
Đồng thời, BTC gửi xin lỗi đến khán giả: “Chúng tôi xin lỗi khán giả và dư luận về những thông tin không thống nhất về việc hoãn đêm diễn tại Hà Nội hôm nay, 27/7. Đây là bài học lớn cho Mây Lang Thang trong việc xử lý thông tin và ứng xử với khán giả, công chúng trong những thời điểm nhạy cảm của đất nước.
Mây Lang Thang mong nhận được sự tha thứ của các khán giả và cộng đồng sau sự cố rất đáng tiếc này của chúng tôi. Chúng tôi xin được rút kinh nghiệm sâu sắc và cố gắng khắc phục hậu quả”.
Tuy vậy, bài đăng của BTC vẫn nhận về nhiều tương tác phẫn nộ từ cộng đồng mạng, khiến quản trị fanpage phải khóa bình luận để tránh những ý kiến tiêu cực từ công chúng.

Bài học từ cách xử lý của Mây Lang Thang
Mặc dù không sai về mặt quy định tổ chức, nhưng có lẽ là một đơn vị tổ chức nghệ thuật, BTC Mây Lang Thang nên tinh tế hơn trong cách xử lý truyền thông và kế hoạch tổ chức của mình. Đơn vị nên hiểu rằng người dân cả nước vừa trải qua nỗi đau mất mát rất lớn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hơn nữa, ngày 27/7 chính là ngày Thương binh liệt sĩ, việc tổ chức một chương trình âm nhạc trong ngày này có thể thấy đều không phủ hợp. Lẽ ra, BTC Mây Lang Thang nên chủ động đưa ra phương án tạm dừng Mây Concert sâu hơn mà chưa cần đến việc cơ quan chức năng phải ra công văn yêu cầu lùi, hoãn.
Sự việc từ Mây Lang Thang nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nhạy cảm và tinh tế của các nhà tổ chức khi thực hiện các sự kiện nghệ thuật, đặc biệt trong những thời điểm đặc biệt. Một sự kiện không chỉ cần sự hoành tráng về mặt kỹ thuật, mà còn phải đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh và tôn trọng cảm xúc của công chúng. Chỉ khi đó, sự kiện mới thực sự thành công và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, từng bày tỏ quan điểm, muốn tổ chức thành công một sự kiện nghệ thuật, trước hết cần tìm thấy tiếng nói chung của các bên liên quan, từ cơ quan quản lý tới các đơn vị phối hợp để họ có thể hiểu, chia sẻ những khó khăn, từ đó hình thành “hệ sinh thái” bổ trợ lẫn nhau giữa các bên để tiến tới sự chuyên nghiệp.
Backstage News