Concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai không đơn thuần chỉ mà một đêm nhạc biểu diễn trực tiếp, mà chính là một “bữa tiệc” sâu sắc về văn hóa dân tộc, "truyền lửa" thêm về tình yêu dân tộc Việt Nam.
Ngày 19/10 vừa qua, TP.HCM đã bùng nổ với concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai – một sự kiện kết hợp giữa âm nhạc và văn hóa truyền thống, khiến nhiều người phải “nổi da gà”. 20.000 khán giả trẻ đã cùng hòa nhịp, hát vang những giai điệu vọng cổ, chèo, cải lương, biến buổi concert này thành một lễ hội văn hóa thực thụ, xứng đáng với danh xưng “Festival Văn Hóa”.
Nghệ sĩ tôn vinh và truyền tải văn hóa qua âm nhạc
Thực tế, chương trình truyền hình về âm nhạc Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã tạo những dấu ấn mạnh mẽ với khán giả ngay khi phát sóng những tập đầu tiên với những tiết mục trình diễn được khéo léo lồng ghép các yếu tố văn hóa Việt Nam. Ngay từ Công diễn 1, sân khấu Trống Cơm (nhà Sao Sáng) đã tạo nên một hiệu ứng bùng nổ, mở đầu cho một hành trình khám phá và tôn vinh văn hóa dân tộc xuyên suốt chương trình.
Tiếp theo đó, các màn trình diễn như Dạ Cổ Hoài Lang (nhà Mứt Gừng), Đào Liễu (nhà Trẻ), Mưa trên Phố Huế (nhà Chín Muồi) hay Chiếc Khăn Piêu (nhà Cá Lớn) trong Công diễn 4 đã thực sự tạo nên một “Festival Văn hóa” đích thực, nhận được “cơn mưa” lời khen từ khán giả.
Tại concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, sự đỉnh cao giữa kết hợp giữa giải trí và văn hóa truyền thống tiếp tục được các Anh tài “trình làng” ngay trên sân khấu lớn, mang đến những thanh âm, cảm xúc và không khí chân thực, sôi động chưa từng có. Các màn trình diễn đại diện cho các thể loại âm nhạc truyền thống khác nhau của nhiều vùng miền trên dải đất hình chữ “S”, thực sự tạo nên một hành trình văn hóa kỳ vĩ và choáng ngợp.
Một trong những khoảnh khắc “gây bão” nhất là màn kết hợp giữa NSND Tự Long và ca sĩ Thanh Duy. Tự Long hát tặng khán giả bài chầu văn, còn Thanh Duy gây sốt khi thể hiện trích đoạn cải lương Chuyện tình Lan và Điệp. Sự hòa quyện giữa những câu hát văn của Tự Long và giai điệu cải lương ngọt ngào của Thanh Duy đã khiến khán giả không ngừng cổ vũ, thậm chí NSND Tự Long còn quỳ gối trước màn trình diễn ấn tượng của người bạn diễn trẻ.
Ngoài ra, sự xuất hiện đặc biệt của Ca Nương Kiều Anh – truyền nhân thế hệ thứ 7 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc lâu đời về ca trù – trong tiết mục Đào Liễu cũng cho thấy sự kỹ càng của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai trong việc tôn vinh những giá trị truyền thống.
Đấy cũng là một trong những điều mà NSND Tự Long vẫn luôn khẳng định xuyên suốt chương trình: “Văn hoá là bản chất, văn hoá là cội nguồn, văn hoá là dân tộc. Câu chuyện văn hoá mà chúng tôi muốn kể chính là tiếp nối giá trị truyền thống, muốn những người trẻ ngày hôm nay hiểu hơn, tiếp cận hơn, để thêm yêu vốn cổ của dân tộc”.
Bên cạnh thanh âm của trống cơm, đàn bầu, múa chén hay hình ảnh của cờ hội, áo bà ba, nón lá,… những hiệu ứng đầy bùng nổ của lửa, pháo hoa, pháo giấy cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng chục ngàn khán giả đã thực sự làm nên một “Festival Văn hóa” đích thực. Sự kết hợp sân khấu và âm nhạc dân tộc đã tạo nên một bức tranh đa sắc, đánh thức lòng tự hào dân tộc trong mỗi người xem.
Khán giả tận hưởng và lan tỏa niềm tự hào văn hóa
Không chỉ gây ấn tượng mạnh về mặt âm nhạc, concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai còn tạo nên một làn sóng “viral” mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội với những video khán giả trẻ hát theo các bài hát truyền thống.
Những màn trình diễn mang nhiều giá trị văn hóa như: Trống Cơm, Đào Liễu, Dạ Cổ Hoài Lang, Có Không Giữ Mất Đừng Tìm, Mưa Trên Phố Huế, Chiếc Khăn Piêu,… đều được khán giả góp giọng cùng. Từ điệu hò, câu lý, hát chèo, cải lương,…, các khán giả trẻ đều thuộc nằm lòng, cùng đồng thanh hát theo, reo hò như chính họ mới là người biểu diễn chính.
Trước những khoảnh khắc này, thậm chí có khán giả phải thốt lên: “Tìm đâu ra concert thứ 2 khiến 20.000 người già, người trẻ lẫn trai gái đều ca vọng cổ một lúc đây?”.
Không chỉ đón nhận các màn trình diễn mang đậm bản sắc văn hóa, cách các bạn trẻ diện những bộ Việt phục, áo dài và những trang phục văn hoá khác đến Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai Concert cũng đủ cho thấy tình yêu, niềm tự hào về dân tộc Việt Nam của các bạn lớn như nào. Rõ ràng, thế hệ trẻ luôn yêu nước mãnh liệt và có những cách khác nhau để ủng hộ, lan tỏa văn hoá truyền thống của nước nhà.
Giống như NSND Tự Long khẳng định ngay trên chính sân khấu concert:
“Giá trị truyền thống là giá trị của sự kết nối. Đừng nói người trẻ ngày nay không yêu dân tộc, không yêu truyền thống. Họ yêu nhiều lắm! Chỉ là họ có cách thể hiện khác với thế hệ trước. Họ tiếp nhận văn hóa quốc tế nhưng đồng thời cũng biết cách lan tỏa giá trị Việt Nam ra thế giới.”
Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều khán giả không khỏi bày bày tỏ sự bất ngờ, xúc động xen lẫn tự hào khi các giai điệu, những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt đến vậy.
Một số bình luận đầy xúc động và tự hào của cộng đồng mạng:
– “Chưa bao giờ nghĩ chèo với cải lương sẽ được đưa ra trình diễn trước 20.000 khán giả trên sân khấu hoành tráng. Cũng chưa nghĩ tới khán giả trẻ sẽ tiếp nhận, yêu thích và đồng loạt hát theo đến vậy. Xem video nào là sởn gai ốc video đó!”.
– “Những người yêu văn hóa truyền thống xem mà thấy mừng quá. Một sân chơi chất lượng nhất từ trước tới giờ.”
– “Concert ATVNCG hội tụ đủ văn hoá của 3 miền, được tận mắt chiêm ngưỡng xem mà nước mắt cứ rưng rưng luôn á!”
– “Chưa bao giờ chúng ta nghĩ các làn điệu dân gian lại có thể kết hợp cùng EDM, vậy mà giờ chúng ta lại được chứng kiến thức âm nhạc đó. Trân trọng BTC chương trình đã tạo ra những giá trị tốt đẹp và mang những bạn trẻ đu idol ngoại trở về với âm nhạc Việt Nam.”
– “Thử hỏi đã được bao nhiêu concert mang giá trị văn hoá lên sân khấu và được cả 20 nghìn người hát theo như Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai?”.
Backstage News