Cùng với các hạng mục đầu tư như hạ tầng, nhân lực, việc xây dựng thương hiệu cho các sự kiện nghệ thuật cũng sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa tại Hà Nội.
Năm 2022, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm dịch vụ và thị trường, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thủ đô. Sau hơn 1 năm Nghị quyết đi vào đời sống, thành phố đang nỗ lực chuyển hóa sức mạnh mềm văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của thủ đô.
Hướng đi và tầm nhìn dài hạn biến Hà Nội thành điểm đến văn hóa
Song song với việc huy động nguồn lực cho việc phát triển các cơ sở hạ tầng mới, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, trong hơn 1 năm qua Hà Nội cũng nỗ lực giữ gìn danh hiệu thành phố di sản, nhằm định vị thương hiệu trong thu hút khách du lịch. Tính từ đầu năm 2023 tới nay, Bộ VHTT-DL đã thẩm định 260 dự án bảo tồn di tích cho Hà Nội. Đây là con số bảo tồn di tích lớn nhất của một địa phương từ trước tới nay.
Với vị trí, vai trò đặc biệt, Hà Nội có nền tảng văn hóa với tiềm năng. Có thể thấy, văn hóa Hà Nội là nguồn sức mạnh to lớn xét trên nhiều góc độ, tầng mức cả chiều sâu và quy mô. Tuy nhiên, đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa vào thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài chiến lược về chiều sâu, theo các chuyên gia Hà Nội cần đầu tư xứng tầm cho các sự kiện văn hóa nghệ thuật vươn tầm quốc tế.
Tiềm năng vượt trội của những sự kiện nghệ thuật tại Thủ đô
Thực tế, khoảng 10 năm trở lại đây, thủ đô Hà Nội là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm quốc tế như Lễ hội âm nhạc gió mùa, Hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airline Classic Concert, Lễ hội hoa anh đào…, trở thành điểm hẹn của nhiều du khách quốc tế. Tuy nhiên, sự kiện văn hóa nghệ thuật thường niên lại bị trì hoãn trong ba năm dịch COVID-19…
Cùng với các hạng mục đầu tư như hạ tầng, nhân lực, việc xây dựng thương hiệu cho các sự kiện nghệ thuật cũng sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Học hỏi kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác với nhiều quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản…, Hà Nội đang nỗ lực hiện thực hóa các thế mạnh về văn hóa lịch sử làng nghề, đặc biệt thu hút sức sáng tạo của giới văn nghệ sĩ trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, những các đơn vị tổ chức sự kiện cũng ngày một tăng cường nội lực, tích cực học hỏi, đổi thay và hoàn chỉnh về mặt nội dung, liên tục ứng dụng và mang về nhiều công nghệ mới. Từ đó, các sự kiện chất lượng không ngừng được nhân rộng, không chỉ có tại 2 thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh.
Những sự kiện hay, câu chuyện ý nghĩa, hình ảnh đẹp dần được xuất hiện tại những tỉnh thành lớn và các vùng miền khắp dải đất hình chữ S, giúp lan tỏa và thu hút công chúng quan tâm, tham gia. Tất cả những điều trên đã tạo nên một ngành công nghiệp sự kiện nước nhà với đầy triển vọng vươn xa trên thị trường quốc tế.
Nguồn: VTV.vn