Theo thống kê, trong năm 2022 Việt Nam có khoảng 30 cuộc thi hoa hậu được tổ chức. Như vậy sẽ có gần 100 danh hiệu mỗi năm. Liệu danh xưng “hoa hậu” còn giữ được giá trị trước con số không hề nhỏ như vậy?
Vấn đề “lạm phát” các cuộc thi hoa hậu những năm gần đây đang được dư luận quan tâm sôi nổi. Mỗi năm lại có thêm các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp,… mới với quy mô quốc gia được tổ chức, chưa kể các cuộc thi cấp tỉnh, thành phố. Điều này khiến nhiều khán giả không khỏi ngao ngán và bày tỏ lo ngại cho danh hiệu “Hoa hậu” vốn rất danh giá.
“Lạm phát Hoa hậu”, “loạn Hoa hậu”, “bội thực Hoa hậu”,…
Đây là những thuật ngữ xuất hiện khá phổ biến trên các trang mạng xã hội hay các kênh truyền thông, báo chí vài năm trở lại đây.
Mới đây, NTK Võ Việt Chung và là nhà sáng lập cuộc thi “Hoa hậu Đại dương Việt Nam” cũng đã gây bất ngờ khi công bố bản quyền 03 cuộc thi nhan sắc mới gồm: “Hoa hậu Hành tinh xanh Việt Nam”, “Hoa hậu Ngọc trai Việt Nam” và “Hoa hậu Lụa – Di sản Việt Nam”.
Tháng 2 đầu năm, Công ty Sen Vàng – đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam, cũng đã tổ chức Lễ công bố lịch trình Các cuộc thi Hoa hậu năm 2023 do công ty này tổ chức. Trong đó, có một cuộc thi mới toanh lần đầu diễn ra có tên gọi “Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2023”.
Có thể nói, Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ là một trong nhiều lý do khiến các cuộc thi nhan sắc “bung nở” ồ ạt. Nghị định này quy định về việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp do UBND tỉnh, thành phố chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Ngoài ra, không thể phủ nhận những giá trị về văn hóa, tinh thần và cả món lợi kinh tế khổng lồ mà một cuộc thi sắc đẹp mang lại.
Rõ ràng, ngành công nghiệp sắc đẹp có cầu, có cung. Chẳng quá ngạc nhiên khi diễn ra tình trạng “lạm phát” hoa hậu. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam đang nhiều tới mức… không bình thường.
Chất lượng bỏ ngỏ, hàng loạt lùm xùm xuất hiện
Hoa hậu nhiều để làm gì? Việt Nam cần bao nhiêu hoa hậu để thực hiện sứ mệnh truyền cảm hứng? Cần bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp để quảng bá nét đẹp phụ nữ Á Đông?… Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Số lượng cuộc thi hoa hậu thì nhiều nhưng dấu ấn để lại thì không lớn. Tệ hơn, một số cuộc thi sau đêm chung kết lại mất hút, khán giả thậm chí còn không nhớ rõ tên người đăng quang.
Đã vậy, những lùm xùm xung quanh các cuộc thi xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là sự việc cơ quan chức năng nhiều lần phải xử phạt những cuộc thi “chui”. Mới đây nhất, đơn vị tổ chức “Hoa hậu doanh nhân thành đạt hoàn cầu” đã bị phạt 55 triệu đồng vì thi chui. Trước đó hồi tháng 5/2023, công ty của hoa hậu Hương Giang cũng bị phạt vì tổ chức cuộc thi nhan sắc chuyển giới không xin phép.
Hàng loạt vấn đề tranh chấp tên gọi cuộc thi cũng xảy ra. Điển hình có thể kể đến cuộc thi ‘Hoa hậu Sinh thái Thiếu niên Việt Nam 2023’ bị dừng tổ chức vì vấn đề này. Tranh chấp tên cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” giữa hai công ty Sen Vàng và Minh Khang từ năm 2022 đến nay vẫn chưa chấm dứt. Tháng 2 vừa rồi, câu chuyện bản quyền thương hiệu cuộc thi “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” giữa công ty Unicorp và đơn vị chủ quản Miss Universe – JKN Global Group cũng gây xôn xao dư luận.
Ngoài ra còn là những tranh cãi và tai tiếng về việc thí sinh và ban tổ chức mua bán giải thưởng, câu chuyện “đại gia – chân dài”,… Hay không ít lần khán giả phải lắc đầu trước những phát biểu, hành động ngô nghê, thiếu tiết chế của thí sinh trên sân khấu sắc đẹp.
Nhìn nhận lại giá trị danh hiệu “Hoa hậu”
Nhìn nhận một cách khách quan, “lạm phát” cuộc thi hoa hậu không hẳn là xấu, nếu tất cả các cuộc thi đều đem lại những giá trị tích cực cho cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế nhiều cuộc thi hiện nay lại được tổ chức một cách đại trà, lợi dụng để thực hiện các hành vi xấu, khiến danh xưng “hoa hậu” mất dần giá trị trong mắt công chúng.
Dễ thấy, có rất nhiều hoa hậu đăng quang mỗi năm. Nhưng điểm lại, liệu mấy ai còn giữ được danh tiếng, hình ảnh và giá trị theo đúng danh xưng “Hoa hậu”, ngoại trừ con số ít ỏi như H’Hen Niê, Nguyễn Thúc Thùy Tiên,… Nhiều hoa hậu sau đăng quang nếu không vướng lùm xùm cá nhân tình ái thì thì cũng là độ giàu sang. Thậm chí, nhiều hoa hậu còn sa ngã vào những cám dỗ và trượt dài.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đơn vị tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cần có những quy chế riêng để danh xưng “hoa hậu” thực sự mang đúng giá trị, chứ không đơn thuần là các sự kiện mang tính giải trí. Chất lượng cuộc thi cũng cần được kiểm duyệt kỹ càng, chất lượng thí sinh cần được đảm bảo. Còn nếu cuộc thi quá tập trung vào lợi nhuận kinh tế và hình ảnh, thì sẽ đánh mất bản chất vốn có của một cuộc thi sắc đẹp. Đồng thời, những người đẹp cần hiểu đúng và làm đúng về danh hiệu “Hoa hậu”. Vương miện hoa hậu sẽ chỉ thật sự tỏa sáng khi người sở hữu nhìn nhận đúng vai trò và sứ mệnh của nó.
Bà Phạm Kim Dung, Trưởng BTC cuộc thi “Hoa hậu Thế giới Việt Nam” và nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn khác, cho rằng việc có quá nhiều hoa hậu sẽ khiến dễ bị loạn danh xưng và mất dần giá trị của danh hiệu cao quý này. Song, cũng không nên quá lo ngại. Theo bà Dung, hãy để thị trường và khán giả quyết định sự tồn tại của các cuộc thi. Cuộc thi nào chất lượng, mang giá trị thực cho xã hội sẽ phát triển. Cuộc thi nào kém chất lượng thì sẽ tự bị đào thải.
Backstage News
Nguồn: Tổng hợp