Tình trạng các hộ dân làm rạp ngoài đường để tổ chức ma chay, cưới hỏi,... gây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới mất an toàn trật tự xã hội, an toàn giao thông.
Ma chay, cưới hỏi, tổ chức tiệc riêng là yếu tố, nhu cầu xã hội cơ bản của con người. Đáng nói, xu hướng tổ chức tiệc cưới, hiếu hỉ tại Việt Nam thường tổ chức và xuất hiện trong tình trạng các hộ dân làm rạp ngoài đường
Theo thông tin của Tạp chí Giao thông, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi ôtô đâm vào các đám tiệc, đám ma được tổ chức bên đường. Thế nhưng do thói quen, cuộc sống khó khăn, nhiều hộ dân vẫn dựng rạp tràn ra đường khi nhà có đám, tiệc.
Chính quyền chưa thể cấm việc các hộ dân làm rạp ngoài đường để tổ chức ma chay, cưới hỏi… bởi cuộc sống người dân còn khó khăn.
Nắm bắt được nhu cầu trên, luật pháp Việt Nam cũng như các tỉnh thành, địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân có cơ hội được thực hiện công việc riêng của mình.
Cụ thể, tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP quy định sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông quy định các hộ gia đình có thể dựng rạp cưới tạm thời ở vỉa hè không quá 48 giờ. Khi dựng rạp cưới phải lưu ý chừa phần vỉa hè còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5 mét và khi muốn dựng rạp cưới thì phải thông báo cho Ủy ban nhân dân phường, xã nơi người dân dựng rạp cưới.
Ngoài ra, để giải quyết tiếp câu hỏi “Dựng rạp cưới lấn ra lòng đường có được không?”, pháp luật cũng quy định căn cứ khoản 5 và điểm d khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không có quy định nào cho dựng rạp cưới ra phần lòng đường. Người dân chỉ có thể dựng rạp cưới trên vỉa hè và phải đáp ứng những điều kiện mà pháp luật đưa ra, nếu dựng rạp cưới lấn ra phần lòng đường sẽ bị xử phạt hành chính.
Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính hiện còn thấp hơn nhiều so với tiền thuê mặt bằng hoặc nhà hàng, vậy nên nhiều người không ngần ngại dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường. Khảo sát ý kiến nhiều người dân cũng đã đề xuất nâng mức xử phạt và có biện pháp chế tài mạnh hơn.
Chính vì những quy định trên, chính quyền và ngành giao thông của các thành phố, tỉnh thành cần nhất quán trong việc phổ biến thông tin tới người dân, bên cạnh đó cũng linh hoạt hỗ trợ song song với việc tăng cường công tác quản lý thường xuyên, giám sát và hướng dẫn sao cho việc cho phép sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè không làm ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị và bảo đảm an toàn cho người dân.