Ồn ào nhạc sĩ Đỗ Hiếu cấm Noo Phước Thịnh diễn 8 ca khúc do anh sáng tác gây xôn xao dư luận, nhiều chuyên gia lên tiếng nêu quan điểm.
Những ngày qua, câu chuyện nhạc sĩ Đỗ Hiếu tố ca sĩ Noo Phước Thịnh “hát nhạc đã hết hạn bản quyền” trở thành tâm điểm gây xôn xao mạng xã hội. Cụ thể, nam nhạc sĩ yêu cầu phía Noo Phước Thịnh không được biểu diễn thu lợi nhuận từ 8 ca khúc mà anh từng sáng tác cho Noo Phước Thịnh trong gần 10 năm qua, gồm “Mãi mãi bên nhau”, “Gạt đi nước mắt”, “Hold me tonight”, “Đừng nhìn lại”, “Đến với nhau là sai”, “Cause I love you”, “Xin đừng buông tay” và “Như phút ban đầu”.
Theo nhạc sĩ, hai bên đã ngồi xuống nói chuyện nhưng không tìm được tiếng nói chung về chi phí tác quyền. Phía Noo Phước Thịnh không tiến hành gia hạn hợp đồng.
Sau những ồn ào “hát không xin phép”, phía Noo Phước Thịnh cũng đã lên tiếng khẳng định không “hát chùa” vì đã trả tác quyền cho nhạc sĩ thông qua Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mỗi lần biểu diễn.
Xoay quanh những lùm xùm về câu chuyện trả phí tác quyền/độc quyền giữa nhạc sĩ Đỗ Hiếu và nam ca sĩ Noo Phước Thịnh, nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực âm nhạc, luật pháp đã bày tỏ quan điểm của mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: “Cần thỏa thuận tác quyền rõ ràng và tôn trọng nhau như đối tác”
Chia sẻ với báo Tiền Phong về vấn đề tác quyền/độc quyền sản phẩm âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết quy trình này đa phần sẽ dựa trên các thỏa thuận giữa tác giả và ca sĩ.
Nhạc sĩ khẳng định mỗi bài hát viết ra là tài sản của nhạc sĩ. Bởi vậy, họ có quyền làm bất cứ điều gì với tài sản đó.
“Có những tác giả chỉ thích bán tác quyền, nghĩa là trong cùng khoảng thời gian, nhiều ca sĩ có thể hát một bài hát. Nhưng cũng có nhiều tác giả bán độc quyền từ 2-3 năm hoặc 5 năm cho một ca sĩ nào đó. Trong khoảng thời gian này, chỉ có cá nhân ca sĩ đó được biểu diễn, phát hành đĩa DVD, CD, diễn trên các đài truyền hình, sự kiện… Hết thời gian độc quyền, nhạc sĩ mới có quyền bán tác quyền cho các ca sĩ hát khác, hay còn gọi là cover (hát lại)”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Tác giả bản hit “Nhật ký của mẹ” cho biết thêm, trong trường hợp ca sĩ biểu diễn kiểu ‘chạy show’, thường đơn vị tổ chức sẽ đứng ra xin tác quyền. Việc xin tác quyền giữa ban tổ chức chương trình và cá nhân ca sĩ cũng cần rạch ròi.
Nếu đơn vị tổ chức là người đứng ra xin tác quyền sử dụng tác phẩm, bất cứ ca sĩ nào trong chương trình cũng có thể trình diễn, nhưng chỉ một lần duy nhất. Đối với trường hợp ca sĩ mua tác quyền tức là họ không chỉ hát cho riêng chương trình đó mà còn hát ở nhiều show khác nhau, và không phải show nào cũng xin tác quyền.
“Có những sân khấu tổ chức diễn chui, ca sĩ muốn dùng bài hát diễn ở nhiều nơi, hoặc quay clip đăng tải lên các nền tảng nhạc số, mạng xã hội… họ phải đóng tác quyền cho nhạc sĩ, không thể lấy lý do là có đơn vị tổ chức trả tiền, tôi không trả nữa”, nhạc sĩ bày tỏ quan điểm.
Nói về việc đóng tiền tác quyền sau khi hết hạn hợp đồng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết đó là điều đương nhiên. Tuy nhiên, việc trả tác quyền cho nhạc sĩ tùy thuộc vào mối quan hệ thân thiết và thỏa thuận giữa hai bên, nghĩa là nhạc sĩ có quyền yêu cầu hoặc không yêu cầu, đòi hay không đòi nhưng khi muốn, nhạc sĩ có thể yêu cầu ca sĩ trả tiền tác quyền.
Theo nhạc sĩ, sẽ có nhiều trường hợp tranh cãi về vấn đề tác quyền/độc quyền nếu giữa tác giả và ca sĩ không rõ ràng trong hợp đồng. Để hạn chế tình trạng này, Nguyễn Văn Chung cho rằng cần có những thỏa thuận rõ ràng, liệt kê rõ những thông tin, những thỏa thuận hai bên phải đảm bảo trong thời gian gia hạn sẽ càng tốt.
“Tôi cho rằng nên hạn chế làm việc theo cảm tính giống như trước giờ vẫn làm. Ai cũng nói tình đồng nghiệp thân thiết, nhưng tôi nghĩ tốt nhất chúng ta nên tôn trọng nhau như hai đối tác. Đối tác thì nên công bằng và đúng luật”, nhạc sĩ “Nhật ký của mẹ” khẳng định.
Luật sư bày tỏ: “Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là việc làm cần thiết”
Về những lùm xùm chi phí tác quyền giữa nhạc sĩ Đỗ Hiếu và ca sĩ Noo Phước Thịnh, luật sư Phan Vũ Tuấn (Đoàn luật sư TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM) và luật sư Trần Văn Giới (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng chia sẻ quan điểm với báo Dân trí xoay quanh quy định của pháp luật hiện hành.
Theo luật sư Trần Văn Giới, nếu không có điều kiện khác ràng buộc, chỉ đơn thuần là hợp đồng đã hết hạn bản quyền thì việc nhạc sĩ Đỗ Hiếu tố cáo và yêu cầu ca sĩ Noo Phước Thịnh không được biểu diễn ca khúc thu lợi nhuận khi đã hết hạn hợp đồng mà không gia hạn hoặc không xin phép tác giả là hành động “tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình”, phù hợp với quy định pháp luật.
Theo luật sư, khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm thì việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp quy định pháp luật là việc làm cần thiết.
Luật sư Trần Văn Giới phân tích trong trường hợp phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhạc sĩ Đỗ Hiếu – với tư cách chủ thể quyền sở hữu trí tuệ – có thể áp dụng các biện pháp theo quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cụ thể là yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet, khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình…
Về phía luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết do chưa tiếp cận được hợp đồng giữa nhạc sĩ (Đỗ Hiếu) và nghệ sĩ (Noo Phước Thịnh) và hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa được rõ ràng, nên anh chỉ có thể trả lời xoay quanh quy định của pháp luật hiện hành mà không có bất kỳ đánh giá nào về hành vi của các bên.
Luật sư nhấn mạnh căn cứ theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu quyền tác giả có thể ký hợp đồng độc quyền cho người khác biểu diễn tác phẩm của mình hoặc có thể thỏa thuận sử dụng từng lần một.
Các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng do các bên thỏa thuận trên tinh thần thiện chí, tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật. Trong đó các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng trong một thời hạn nhất định hoặc tự động gia hạn hợp đồng…
Backstage News
Nguồn: Báo Dân trí, Tiền phong