Chiều 14/11, tại TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra hội thảo "Bản quyền âm nhạc VCPMC 2023", do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức.
Đây là lần thứ 2, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) phối hợp với Công ty Meta thực hiện chương trình, nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, bản quyền tác giả – quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng, đặc biệt là trên nền tảng kỹ thuật số.
Theo Ban Tổ chức, tại Hội thảo, các đại biểu đại diện cho các tổ chức, cá nhân sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhằm làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến tác phẩm và bản quyền tác giả âm nhạc; đặc biệt là việc bán đứt tác phẩm – ý nghĩa của việc bán đứt tác phẩm và những rủi ro tiềm ẩn từ việc bán đứt tác phẩm đến quyền lợi của nhạc sĩ, chủ sở hữu quyền tác giả. Bởi hoạt động bán đứt tác phẩm không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam mà còn là một vấn đề nhức nhối hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Ý kiến của các chuyên gia, những người đứng đầu trong lĩnh vực bản quyền tác giả âm nhạc sẽ là những ý kiến vô cùng quan trọng để các đối tác, các nhạc sĩ – thành viên VCPMC có cái nhìn thấu đáo về vấn đề bán đứt tác phẩm để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng cung cấp cho các đối tác, nhạc sĩ thành viên VCPMC những công cụ hữu ích để có thể quảng bá, giới thiệu và khai tác quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng, cụ thể là trên các nền tảng của công ty Meta như: việc xây dựng trang (kênh) cá nhân/xây dựng hình ảnh với người hâm mộ như thế nào để tối đa hóa nguồn thu…
Những thảo luận từ các vị khách mời đại diện cho các tổ chức, cá nhân là những thông tin hữu ích để các đơn vị/ cá nhân cùng nhìn nhận rõ hơn về sự phát triển của âm nhạc trên không gian mạng, những cơ hội để tối ưu hóa nguồn thu qua các phương tiện kỹ thuật số.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC cho biết: “Trong xu hướng phát triển công nghệ số hiện nay, Âm nhạc đã chiếm lĩnh một vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong đời sống, xã hội ở mỗi quốc gia, mà còn phát triển rất mạnh mẽ và nhanh chóng trong môi trường kỹ thuật số và trên không mạng toàn cầu. Điều này đã có tác động lan tỏa đến sự phát triển ngành công nghiệp âm nhạc.
Đồng thời sự ra đời và hoạt động của nhiều nền tảng ứng dụng, mạng xã hội (trong đó có Facebook) đã thực sự mang tới một sự cộng hưởng không thể thiếu để Âm nhạc được lan tỏa hơn, thúc đẩy sức sáng tạo dồi dào hơn. Quyền thụ hưởng của công chúng cũng đạt được hiệu quả hơn bao giờ hết do ưu thế tương tác và kết nối của mạng xã hội.”
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tin rằng Hội thảo sẽ đem lại những thông tin và trao đổi hữu ích để tối ưu hóa hiệu quả khai thác bản quyền và nội dung Âm nhạc, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đem lại lợi ích kinh tế cho các bên liên quan trong mối quan hệ cộng hưởng này. Đồng thời, thông qua các phương tiện truyền thông cũng sẽ truyền tải thông tin và những thông điệp nhiều ý nghĩa đến với các đối tác, nhạc sĩ, tác giả thành viên của VCPMC trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Theo VCPMC