Nghệ sĩ vẫn đam mê, muốn cống hiến lâu dài với nghề nhưng chế độ bồi dưỡng, thù lao chỉ đủ mua hai cốc nước, không đủ đảm bảo sức khỏe.
Hiện tại, còn nhiều hạn chế tồn tại trong cơ chế, chính sách, thù lao cho nghệ sĩ lao động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng vừa có báo cáo gửi Quốc hội, đề cập một số tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách và giải quyết việc làm cho người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật sau thời kỳ biểu diễn đỉnh cao.
Trăn trở thù lao nghệ sĩ quá thấp
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg quy định mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn theo mức tiền cụ thể.
Theo đó, chế độ bồi dưỡng luyện tập thấp nhất là 35.000 đồng/buổi tập và mức cao nhất là 80.000 đồng/buổi tập; chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đồng/buổi biểu diễn và cao nhất là 200.000 đồng/buổi biểu diễn.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, sau 6 lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng cụ thể như trên vẫn giữ nguyên, không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống. Vì vậy, thù lao bồi dưỡng không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, Nghệ sĩ múa Thanh Tú – Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Hà Nội – khẳng định mức bồi dưỡng quá thấp. Đôi lúc điều kiện luyện tập, biểu diễn rất khắc nghiệt, mức bồi dưỡng 80.000 đồng/buổi tập chỉ đủ cho nghệ sĩ uống hai cốc nước, không đảm bảo sức khỏe.
“Tôi được đào tạo 11 năm, nếu không làm diễn viên múa có thể tham gia khâu dàn dựng. Tuy nhiên mức bồi dưỡng không phù hợp với đặc thù công việc của diễn viên. Cụ thể với nghệ thuật múa, tuổi nghề của diễn viên nữ không dài, sức khỏe lại càng yếu đi sau khi sinh nở trong khi thời gian phục hồi rất lâu”, nghệ sĩ Thanh Tú bày tỏ.
Nghệ sĩ Quyền Linh cũng bày tỏ với PV Dân Việt rằng, tiền thù lao cho các bộ môn biểu diễn hiện nay vẫn là mấy chục ngàn thì thấp quá. Trong khi giá cả thị trường tăng thì thù lao cho việc họ tập luyện, biểu diễn lại không tăng. Với xiếc, múa, các nghệ sĩ phải vắt kiệt sức mình, tập ngày đêm miệt mài có khi từ sáng đến 2-3 giờ đêm, biểu diễn thì đến 23 giờ.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là nâng cao thu nhập cho họ”, nghệ sĩ Quyền Linh khẳng định.
Nói về những khó khăn bất cập của nghề xiếc, NSND Phi Vũ – người đã gắn bó với nghề hơn 40 năm – cũng không giấu nổi sự “chạnh lòng”. Hiện nay dù đơn vị nghệ thuật công lập có vượt định mức nhưng tiền bồi dưỡng cho diễn viên vẫn phải theo nghị định, không được vượt quá 200.000 đồng.
“Với mức chi này rõ ràng là quá thấp so với sự khổ luyện của nghệ sĩ xiếc. Công việc của chúng tôi luôn chịu nhiều thử thách thậm chí là nguy hiểm, khi tập luyện cũng như biểu diễn. Mong rằng chế độ tiền lương của người nghệ sĩ xiếc sẽ sớm được cải thiện” – NSND Phi Vũ tâm sự.
Trong khi đó, nghệ sĩ Thanh Hiền – diễn viên đóng vai bà Hai phim “Lật mặt 7” của Lý Hải – cho biết bản thân không hiếm lần bị các đoàn làm phim quỵt thù lao.
Chia sẻ câu chuyện với PV VnEpress, bà ngậm ngùi: “Vài năm trước, một êkíp phim truyền hình không chịu trả cát-xê 20 triệu đồng dù tôi đã xong vai. Nhắn tin dò hỏi vài lần, họ chỉ im lặng. Tôi tự nhủ thôi coi như là sự không may trong đời.”
Đề xuất nghệ sĩ thuộc ngành nghề nặng nhọc về hưu sớm
Cũng trong báo cáo tại kỳ họp, Bộ Văn hóa – Thể thao Du lịch đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội.
Đọc thêm: Diễn viên điện ảnh, chỉ huy âm nhạc… thuộc danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Trước đó, báo cáo đề cập trường hợp những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khi hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí việc làm, từ diễn viên sang vị trí việc làm công chức, viên chức quản lý, hành chính…
Nguyên nhân là họ không đáp ứng tiêu chuẩn thi, xét tuyển công chức, viên chức bởi đa số diễn viên chỉ có bằng trung cấp nghề.
Biên đạo múa Tuyết Minh – Phó chủ tịch thường trực Hội nghệ sĩ múa Việt Nam – cho rằng đề xuất của Bộ VHTTDL đúng với thực trạng một số ngành nghề nặng nhọc, mất nhiều thời gian đào tạo như xiếc, múa ballet, rối nước… Việc xác định ngành nghề độc hại, nguy hiểm cũng rất sát với thực tế.
Tuy nhiên, biên đạo Tuyết Minh khẳng định cơ chế nghỉ hưu sớm cần được đánh giá trên nhiều cơ sở, cần những chính sách tích cực hơn để quan tâm tới nghệ sĩ thuộc ngành nghề đặc thù.
“Để nghệ sĩ nghỉ hưu sớm không bị thiệt thòi, rất mong Bộ VHTTDL có thêm chính sách hỗ trợ họ tiếp tục cống hiến theo nguyện vọng, ví dụ như đi học cao hơn, tạo điều kiện đi nghiên cứu”, nghệ sĩ Tuyết Minh đề xuất.
Bày tỏ quan điểm về đề xuất này, Nghệ sĩ múa Thanh Tú – Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Hà Nội – cho rằng đây là một giải pháp hợp lý. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết nghệ sĩ biểu diễn rất yêu nghề, muốn gắn bó lâu dài với nghề. Nếu đến tuổi sức khỏe không cho phép thực hiện những động tác biểu diễn khó, nguy hiểm, họ có thể chuyển sang công tác giảng dạy, hoặc làm diễn viên phụ. Phần lớn, điều khiến nhiều nghệ sĩ trăn trở vẫn là mức thù lao, chế độ bồi dưỡng.
Backstage News
Theo Tiền Phong, Dân Việt