Những ngày qua, phát ngôn về chuyện bỏ học của rapper Negav liên tiếp nhận về nhiều tranh cãi và trở thành chuỗi khủng hoảng truyền thông lan rộng, khi ấy chủ đề về trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng lại được đặt lên bàn cân.
Kết thúc đêm nhạc Anh Trai “Say Hi” Concert 2024 ngày 28/9 vừa qua, Negav là cái tên phủ sóng mạng xã hội bởi có phát ngôn lệch chuẩn về chuyện học hành. Cụ thể, vì quá phấn khích, nam rapper sinh năm 2001 đã hào hứng nói với mẹ đang xem chương trình rằng: “Mẹ có thấy đúng chưa? Mẹ thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa?”.
Phát ngôn đầy tự hào của Negav về chuyện nghỉ học của mình ngay sau đó đã làm bùng nổ “bão phẫn nộ” từ phía cộng đồng mạng. Phần đông khán giả đều chỉ trích rằng anh đang cổ xúy cho việc nghỉ học. Chưa kể, nam rapper sở hữu lượng người hâm mộ phần lớn vẫn đang ở độ tuổi đi học. Do đó, công chúng cho rằng ngụ ý “nhờ nghỉ học mới thành công” trong câu nói của anh sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của khán giả trẻ tuổi.
Dù ngay sau đó, Negav đã lên tiếng xin lỗi vì phát ngôn thiếu suy nghĩ của mình, nhưng làn sóng chỉ trích và “gạch đá” dành cho anh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nội dung
Những ồn ào về phát ngôn học hành của người nổi tiếng được “đào” lại
Trước Negav, không ít những nghệ sĩ, người nổi tiếng trẻ tuổi đã phải nhận về bài học lớn vì những lần vạ miệng của mình khi xem nhẹ chuyện học hành hay trình độ học vấn.
Điển hình là ‘hot girl’ Trang Phạm (Xoài Non) với phát ngôn gây sốc vào năm 2020 khi nói rằng: “Học dốt mà kiếm nhiều tiền còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền. Xã hội bây giờ chỉ cần tiền thôi, các bạn hiểu không?”.
Hay phát ngôn nhận về vô vàn “gạch đá” của ‘hot girl’ Linh Ka khi nêu quan điểm về điểm thi rằng: “Bây giờ có thể mua được điểm cấp 3 và đại học mà!”. Công chúng cho rằng suy nghĩ của cô nàng có phần nông cạn và nông nổi. Đến hiện tại, dù đã đạt được một số thành công nhất định nhưng câu nói mất điểm năm xưa của Linh Ka vẫn được cư dân mạng “đào lại” mỗi khi có sự việc tương tự xảy ra.
Cách đây không lâu, nam rapper trẻ Wean Lê cũng gây tranh cãi khi phản hồi về chuyện chưa có bằng đại học tại một talk show rằng: “Quan sát từ các mối quan hệ xung quanh, tôi thấy bạn bè, người quen học đại học phần lớn chỉ “học đại”. Họ tùy tiện chọn một trường nào đó để đi học thôi. Theo tôi thấy việc học đại học không bổ trợ nhiều bằng một người học hết lớp 12 rồi bươn ra đời như tôi.”
Câu nói này của Wean Lê ngay sau khi được đăng tải đã gây bức xúc trong cộng đồng mạng về suy nghĩ được cho là thiếu chín chắn, sai lệch về chuyện học vấn, có thể ảnh hưởng đến đông đảo giới trẻ.
Hệ lụy đằng sau tư duy “nghỉ học mới thành công”
Trước làn sóng chỉ trích dữ dội về phát ngôn “bỏ học” của Negav hay những quan điểm sai lệch về chuyện học của những người nổi tiếng ở độ tuổi còn trẻ trong quá khứ, nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng.
Trao đổi với Dân Trí, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng phát ngôn về chuyện “nghỉ học” của Negav sẽ tác động rất xấu đến khán giả, bởi vì người hâm mộ luôn nhìn vào thần tượng để học theo. Chuyên gia nhận định, khán giả trẻ hoặc đang ở độ tuổi đi học thì vẫn chưa đủ chín chắn, nên các bạn có thể nhầm lẫn là không cần đi học, không cần đến trường mà vẫn thành công theo cách nói “ăn mừng” của Negav.
Cùng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận xét phát ngôn trong concert Anh Trai “Say Hi” không chỉ cho thấy Negav không coi trọng việc học, giáo dục nhà trường mà còn bộc lộ ứng xử văn hóa có vấn đề. Theo chuyên gia, nhiều nghệ sĩ trẻ giống như Negav, chưa hiểu đầy đủ về giáo dục, giá trị của việc học.
“Họ chỉ nghĩ đơn giản học để có bằng, đi xin việc. Nhận thức như vậy về việc học rất lệch lạc. Việc học trước hết là học làm người, nghĩa là học cách ứng xử, cách sống có tôn ti trật tự, biết yêu thương, trân trọng những điều tốt đẹp xung quanh, sau mới đến học kiến thức. Bằng tốt nghiệp hay công việc chỉ là thử thách cuối cùng của việc học, không thể thay thế cả quá trình học nơi trường quy. Vì không coi trọng việc học nên chúng ta đang hàng ngày phải chứng kiến một lớp những người trẻ thiếu biết ơn với gia đình, xã hội và đất nước. Trở thành một vấn nạn của giáo dục”, chuyên gia nhận định.
Chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm rằng phát ngôn của Negav có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả trẻ, cổ xúy việc bỏ học. “Sẽ ra sao nếu những fan cuồng của Negav học, làm theo phát ngôn của thần tượng chống đối việc học, chống đối thầy cô, chống đối cha mẹ? Đó sẽ là một hệ lụy rất lớn cho xã hội”, ông Ngô Hương Giang cho hay.
Theo chuyên gia, phát ngôn của người nổi tiếng hay người có ảnh hưởng (KOLs), bản thân họ chẳng khác nào một kênh truyền thông di động. Bất cứ hành động hay phát ngôn nào cũng có sức lan truyền mạnh, tức thời. Nếu là những hành vi hay phát ngôn tích cực sẽ giúp xã hội tốt đẹp lên. Ngược lại, nếu là những hành động và phát ngôn tiêu cực, đi ngược lại các giá trị văn hóa dân tộc, ngay lập tức gây xáo trộn.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Ban tổ chức Anh Trai “Say Hi” trong việc giải trình và đưa ra quan điểm của sự vụ với cơ quan chức năng quản lý văn hóa.
Trách nhiệm xã hội quan trọng của người nổi tiếng
Sau hàng loạt vụ “vạ miệng” xảy ra, có thể thấy nhiều nghệ sĩ hay người nổi tiếng dường như chưa ý thức được hết trách nhiệm xã hội cần có khi tên tuổi của họ đang có có sức ảnh hưởng rộng rãi đến số đông khán giả nhiều độ tuổi.
Theo chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn chia sẻ với PV Lao Động, người nổi tiếng phải ý thức được về trách nhiệm xã hội của mình. Khi có danh tiếng, khi tham gia showbiz, mỗi nghệ sĩ đều có lực lượng fan đông đảo, thu hút rất đông khán giả yêu mến mình, thậm chí còn học theo mình, bởi vậy, mỗi phát ngôn, mỗi hành vi đều cần cân nhắc, cần nâng cao tính tích cực, truyền đi những thông điệp tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.
“Người nổi tiếng không thể so sánh mình với người bình thường. Họ có sức ảnh hưởng lớn, họ được hưởng rất nhiều đặc quyền, đặc lợi từ tình yêu thương của khán giả. Việc giữ hình ảnh, việc cẩn trọng trong phát ngôn cần phải được đặt lên cao hơn, được coi là trách nhiệm xã hội, thay vì “hồn nhiên”, và chỉ biết “cá nhân hóa” cái tôi nghệ sĩ”, chuyên gia bày tỏ.
Một góc nhìn khác, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng những người nổi tiếng cần phải được trang bị thêm kỹ năng và kiến thức về trách nhiệm xã hội. Cùng với đó, các bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ hay ứng xử trên không gian mạng cần phải được thực thi một cách nghiêm túc. Đây cũng chính là cách thức tốt nhất để bảo vệ hình ảnh của chính họ.
Backstage News