Do sự lây lan nguy hiểm từ dịch Covid-19 mà rất nhiều các sự kiện lớn bị hủy bỏ trong đó có MWC 2020. Đây là 1 ví dụ điển hình nhất từ trước đến này về việc dịch họa ảnh hưởng thế nào tới event.
Như Backstage đã đưa tin về việc MWC 2020 bị hủy bỏ. Đây là sự kiện công nghệ lớn nhất thế giới với hơn 100,000 người tham dự và 28,000 đơn vị triển lãm. Trong đó có 1 đơn vị đến từ Việt Nam và rất nhiều đơn vị đến từ Trung Quốc – nơi các chuyến bay đã bị chặn lại trong nỗ lực ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
GSMA – đơn vị tổ chức sự kiện đã đưa ra 1 danh sách về việc đảm bảo an toàn trong sự kiện. Nhưng các ông lớn vẫn lần lượt rút lui khỏi triển lãm tại Barcelona, bởi nỗi lo về khả năng lây nhiễm trong một sự kiện quy mô lớn như vậy. Cuối cùng, GSMA đã quyết định hủy bỏ sự kiện MWC 2020 với lý do các đơn vị triển lãm đã rút lui khiến sự kiện, không thể tiếp tục. Câu hỏi được đặt ra là sự kiện MWC sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc các sự kiện lớn của thế giới khác sẽ lấy MWC ra làm Case study?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét việc hạn chế tham dự và danh sách các biện pháp y tế mà GSMA đã đưa ra cũng như xem xét xem những sự kiện sắp tới có thể làm gì trong bối cảnh virus Corona như hiện nay.
Nội dung
TÌNH HÌNH HIỆN TẠI CỦA MWC 2020
Ban đầu, báo cáo cho rằng, đơn vị tổ chức sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có hủy bỏ sự kiện này hay không vào ngày 14/2. Tuy nhiên quyết định này đã được đưa ra sớm hơn vào ngày 12/2. Trước thông báo hủy bỏ, GSMA đã phát hành một loạt các hạn chế tham dự và các biện pháp an toàn để giảm bớt những lo ngại về mức độ rủi ro mà sự kiện mang lại.
Những nỗ lực kiểm soát thiệt hại bao gồm cấm du khách từ tỉnh Hồ Bắc và yêu cầu những người tham dự đã đến Trung Quốc phải chứng minh rằng họ đã rời khỏi đất nước trong ít nhất 14 ngày. Ngoài ra, GSMA cam kết tăng gấp đôi nhân viên y tế tại chỗ so với năm ngoái, thực hiện sàng lọc nhiệt độ và yêu cầu tất cả những người tham dự phải tự xác nhận rằng họ đã không tiếp xúc với bất kỳ ai bị nhiễm virus Covid-19. Thậm chí, họ còn đề xuất một chính sách KHÔNG BẮT TAY (đối với 1 sự kiện mang tính kết nối như thế này ư? Không thể tưởng tượng được!)
BÀI HỌC RÚT RA CHO CÁC ĐƠN VỊ TỔ CHỨC SỰ KIỆN KHÁC LÀ GÌ?
MWC 2020 đưa ra điều khoản về bảo hiểm triển lãm bao gồm, các thiệt hại về vật chất và tài sản trong trường hợp việc hủy bỏ “ngoài tầm kiểm soát của công ty hay tổ chức” có thể lên tới 10,000 Bảng Anh (tương đương khoảng hơn 300 triệu VND). Tất nhiên, trong bản in không hề đề cập đến việc hủy bỏ do bất kể bệnh truyền nhiễm nào. Điều này có nghĩa rằng, những đơn vị triển lãm rút lui khỏi sự kiện không có quyền đòi bất cứ sự bồi thường nào, nhưng điều này chắc có thể thay đổi khi cả sự kiện cũng đã bị hủy bỏ rồi. Đây thực sự là một điều không may cho các đơn vị triển lãm và người tham dự cũng như đơn vị tổ chức khi đứng trước những tiêu chuẩn của khoản tiền bảo hiểm và các điều khoản của việc hủy sự kiện.
1. Bảo hiểm cho sự kiện
Như vậy, việc thất bại của MWC 2020 cho thấy rõ tầm quan trọng của việc thỏa thuận các điều khoản về việc hủy bỏ và rút lui khỏi sự kiện là bài học đầu tiên cần phải lưu ý. Mặc dù tại Việt Nam hiện nay, chưa có nhiều sự kiện được bảo hiểm cũng như chưa có nhiều đơn vị bảo hiểm cho sự kiện. Tuy nhiên theo xu hướng sự kiện của toàn thế giới, chắc chắn ngành bảo hiểm sự kiện tại Việt Nam sẽ phát triển. Các đơn vị tổ chức cũng như các đơn vị triển lãm cần có sự hiểu biết vững chắc về các điều khoản, điều kiện cũng như quyền lợi bảo hiểm trong hợp đồng và chính sách của đơn vị bảo hiểm. Hiện nay, các đơn vị tổ chức sự kiện tại Việt Nam cũng đang tự bảo vệ mình bằng những điều khoản hợp đồng trong những trường hợp bất khả kháng, bao gồm: Thiên tai, dịch họa…
2. Giải pháp sáng tạo
Bên cạnh đó, trong bối cảnh này hiện nay chúng ta cần phải sáng tạo và đưa ra các giải pháp thay thế đặc biệt đối với các sự kiện mang tính toàn cầu hóa. Có thể là đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho giải pháp cuộc họp ảo. Sự phát triển mang tính đột phá của 5G cũng là cách để giảm thiểu rủi ro thiệt hại các sự kiện bị hủy bỏ và cũng là cách để các nhà tổ chức sự kiện bắt nhịp với công nghệ mới, qua đó khẳng định năng lực tổ chức. Những cuộc họp giả tưởng Hologram và AR mà bạn thấy trên phim sẽ không còn xa tương lai của chúng ta.
3. Bình tĩnh, đo lường và có phương án quản lý rủi ro
Hay cách mà GMSA phản ứng với sự kiện, xây dựng kế hoạch cho khủng hoảng cũng là các giúp cho thấy sự chủ động khi xảy ra tình huống. Ngay cả WHO cũng khuyến cáo rằng, bạn nên giữ bình tĩnh và hãy đo lường rủi ro, chuẩn bị các phương án quản lý rủi ro thay vì chuyển thẳng sang chế độ hoảng loạn.
Tạm kết:
Sắp tới đây vào tháng 4 năm nay, một sự kiện lớn mang tính đột phá và quan trọng đối với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, với mức đầu tư lên tới 60 triệu đô la Mỹ sẽ diễn ra. Giải đua F1 lần đầu tiên được xuất hiện tại Việt Nam dự kiến sẽ thu hút tới 350.000 lượt người tham dự trong đó có 50 nghìn lượt khách quốc tế trong 3 ngày đua chính của giải. Có một điều duy nhất mà chúng ta biết trong thời điểm này là giải đua F1 sẽ không bị dừng lại. Không biết Vietnam Granprix company – VGPC có kế hoạch gì trong bối cảnh này? Và theo bạn Corona Virus sẽ ảnh hưởng thế nào tới sự kiện này? Hãy cho Backstage biết ý kiến của bạn nhé!
Tham khảo: EventMB
Xem thêm: