Để đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện những biện pháp hiệu quả ở các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Covid-19 đột ngột xuất hiện đã chứng minh rằng cho dù con người ngày càng có nhiều tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong việc phục vụ đời sống, nhưng chúng ta vẫn luôn phải đối mặt với những biến đổi, thách thức khó có thể lường trước và cũng không hề dễ dàng vượt qua. Điều đó đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi tổ chức hay cá nhân luôn phải trang bị cho mình tâm lý ứng xử với thiên nhiên, môi trường và xã hội một cách chủ động và có trách nhiệm, luôn sẵn sàng đương đầu và vượt qua những khó khăn, thử thách có thể đến bất cứ lúc nào như trường hợp đại dịch Covid-19 vậy.
Cũng như 214 quốc gia khác, Covid-19 đã và đang tạo ra những biến động lớn, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội Hàn Quốc. Cụ thể tại nước này đã có tổng 13,938 người dương tính với loại virus này, tỷ lệ tử vong là 2.13% (theo số liệu kênh https://coronaboard.kr/, ngày 23/07/2020), thời gian phát hiện ca mắc đầu tiên bắt đầu từ 20/1/2020 đến nay, số ca mắc mới vẫn chưa thực sự dừng lại. Đại dịch đã khiến cho mọi mặt đời sống bị ảnh hưởng.
Trong đó, lĩnh vực Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng không bị loại trừ. Trong đỉnh dịch từ Tháng hai đến tháng tư, đa số các bảo tàng, nhà hát bị đóng cửa, các buổi biểu diễn, lễ hội bị huỷ bỏ và nhiều tác động tiêu cực khác. Kết quả là, ngành công nghiệp làm phim có tỷ lệ doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu từ nghệ thuật biểu diễn cũng giảm tới 87.9% trong vòng 4 tháng.
Mặc dù Việt Nam là quốc gia chống dịch hiệu quả, các hoạt động đời sống kinh tế đã và đang bắt nhịp trở lại, song theo tạp chí tài chính kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 1,81% – là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Và với dự báo có cơ sở của các nhà nghiên cứu, thì đến cuối năm, ngành Du lịch tăng trưởng giảm -68% , và các dịch vụ khác là -9%.
Chúng ta chưa thể biết trước được khi nào Covid-19 này mới đi đến hồi kết thúc, cũng như trong tương lai sẽ có những đại dịch nào tương tự. Vì thế nên, việc học hỏi những bài học từ các quốc gia đã thực hiện hiệu quả khi ứng phó, khắc phục hậu quả từ đại dịch là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện tại.
Trong bài viết này, hãy cùng xem xét và học hỏi Hàn Quốc về phương án ứng phó với Covid-19 trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch qua tóm lược của tác giả về những biện pháp mà Hàn Quốc đã triển khai để khắc phục, vượt qua tác động của đại dịch và đón chào những thiết lập mới hậu đại dịch. Nội dung tóm lược được tìm hiểu trong một bản báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc mang tên “Korea’s policy responses to COVID-19: Building resilience for culture, sports and tourism” (Tạm dịch: Chính sách ứng phó với Covid-19: Xây dựng sự phục hồi cho văn hoá, thể thao và du lịch).
Với 2 nội dung chủ chốt là tiếp tục đảm bảo sự tiếp diễn của sáng tạo nghệ thuật và giảm thiểu những tổn thất về kinh tế trong các lĩnh vực cụ thể thì các giải pháp cơ bản được triển khai bao gồm:
1. Tăng cường khả năng tiếp cận văn hoá: Để khuyến khích công dân tăng cường giãn cách xã hội, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (viết tắt là MCST) đã có nhiều nỗ lực, thực thi nhiều hoạt động thực tế, bao gồm: cung cấp nền tảng cho nội dung văn hoá online (Tiếng Anh: One-stop platform for online cultural content), tăng cường quảng bá các kênh chứa nội dung văn hoá, đặc biệt là xây dựng trang web (www.culture.go.kr/home) chứa các nội dung số phục vụ khách truy cập.
Buổi hòa nhạc trực tuyến do chính quyền thành phố Seoul lên kế hoạch và tổ chức
Chính phủ cũng tăng cường sự hỗ trợ đối với các sản phẩm số cũng như tái sản xuất các nội dung văn hoá trực tuyến. Quảng bá đa dạng nội dung văn hoá dành cho nhiều đối tượng khán giả với nhiều nội dung và loại hình khác nhau, như: các tour triển lãm ảo, lớp học trực tuyến, biểu diễn nghệ thuật và tổ chức concert online qua video…; học trực tuyến với 234 nội dung về văn hoá, nghệ thuật, được triển khai trên 11.972 trường học trong nước. Tăng cường khả năng tiếp cận cho người dùng: MCST có kế hoạch hỗ trợ tăng cường tiếp cận cho nhóm còn thiếu thốn về kỹ thuật số cũng như phát triển các trang web lấy người dùng làm trung tâm.
2. Đảm bảo thu nhập cho nghệ sĩ và các chuyên gia văn hoá bằng các khoản vay khẩn cấp, lãi suất thấp, lập quỹ hỗ trợ nghệ sĩ, quan tâm và giúp đỡ các nghệ sĩ trẻ.
3. Hỗ trợ những doanh nghiệp, tổ chức vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đặc biệt là sự quan tâm dành cho các tổ chức độc lập, hỗ trợ lĩnh vực quảng bá, đưa ra những tư vấn hợp lý nhằm hỗ trợ các tổ chức vừa và nhỏ cũng như các nghệ sĩ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch.
4. Tiếp cận đến từng lĩnh vực cụ thể để hỗ trợ tốt hơn và hiệu quả hơn. Các lĩnh vực được tiếp cận gồm: Nghệ thuật biểu diễn (Performing Arts), Visual Arts, Công nghiệp làm phim, Các tổ chức Văn hoá. Riêng trong lĩnh vực du lịch: Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp du lịch, hỗ trợ việc làm đào tạo kỹ năng trong ngành du lịch, thúc đẩy du lịch nội địa. Đối với lĩnh vực thể thao: Hỗ trợ tài chính hoặc các khoản vay đặc biệt giúp xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh những giải pháp chính thì việc kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh gia tăng đột biến của việc học online cũng được chú ý hơn. Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục nỗ lực kiểm soát và cùng toàn thế giới tìm cách chiến thắng dịch bệnh nên những hướng đi hiệu quả từ thực tế như giãn cách xã hội, biện pháp đối phó với những thay đổi sau đại dịch là cần thiết để chuẩn bị đón chào sự quay trở lại của cuộc sống đời thường sau một biến động lớn do cú hích mạnh mẽ của Covid-19.
Bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc cùng với các bài học kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác là tài liệu cần thiết và quý báu để các tổ chức, cá nhân có những hiểu biết nhằm chủ động ứng phó và vượt qua Covid-19 cũng như các biến động luôn có thể xảy ra một cách không lường trước được trong tương lai. Hy vọng với sự nỗ lực của chính phủ các nước cũng như công dân tất cả quốc gia đã và đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ sớm vượt qua được những khó khăn và sớm trở lại những ngày bình yên, cùng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
Tham khảo: korea.net