Lễ hội Noshiro Tanabata - “Lâu đài đèn lồng trên cao” tại Nhật Bản mang đến lâu đài đèn lồng khổng lồ "chạm trời", tạo nên một khung cảnh đáng chiêm ngưỡng.
Lễ hội “Lâu đài đèn lồng” – Noshiro Tanabata Tenku no Fuyajo là một lễ hội thường niên ở thành phố Noshiro, tỉnh Akita, Nhật Bản. Đây là sự kiện nhằm kỷ niệm lễ hội lớn “Tanabata 七夕” vào ngày lễ thất tịch của xứ sở hoa anh đào. Mang đến nhiều loại đèn lồng ấn tượng, đây là một lễ kỷ niệm đầy màu sắc về truyền thống và văn hóa dân gian Nhật Bản. Năm nay, lễ hội được tổ chức vào ngày 2 – 3 tháng 8 vừa qua.
Điểm nhấn trong lễ hội là cuộc diễu hành của hai lâu đài đèn lồng khổng lồ “độc nhất vô nhị” tại thành phố Noshiro, có tên Chikasue (cao 24,1m) và Karoku (cao 17,6m). Hai chiếc lồng đèn khổng lồ này có thiết kế như một tòa lâu đài tráng lệ, được làm cách đây hơn 100 trăm năm từ giai đoạn Edo đến thời Minh Trị.
Nội dung
Đèn lồng Chikasue
Với chiều cao 24,1 mét, đây là chiếc đèn lồng khổng lồ cao nhất Nhật Bản. Đèn lồng Chikasue được sản xuất năm 2014, đặt theo tên của Ando Chikasue – người cai trị Noshiro vào thời Trung Cổ.
Cấu trúc thiết kế của Chikasue mô phỏng lâu đài Azuchi lịch sử, gắn liền cùng câu chuyện về tình bạn giữa ông Ando và Nobunaga Oda. Tháp lâu đài chính trên cùng có kích thước cao 5 mét. Họa tiết xung quanh được lấy cảm hứng từ các linh vật gắn liền với truyền thống văn hóa của Nhật Bản như rồng xanh, chim đỏ son, hổ trắng, cá voi đen, hoa mẫu đơn. Cùng với đó là những hình vẽ “kể lại” chiến công của ông Ando Chikasue gắn liền với các địa danh lịch sử.
Chikasue từng được sử dụng trên bối cảnh sân khấu của chương trình Kohaku Uta Gassen được phát sóng vào đêm giao thừa năm 2022. Kohaku Uta Gassen là một chương trình ca nhạc truyền hình đặc biệt được chiếu vào đêm giao thừa hàng năm ở Nhật Bản.
Đèn lồng Karoku
Đèn lồng Karoku được sản xuất vào năm 2013, mô phỏng lâu đài Nagoya, được phục chế dựa trên bức ảnh của Noshiro Tanabata thời Minh Trị. Karoku được đặt theo tên của người thợ mộc Karoku Miyakoshi – người đã làm chiếc đèn lồng lâu đài đầu tiên mô phỏng theo lâu đài Nagoya vào thời Edo.
Tháp lâu đài có một cây shachi khổng lồ cao 3 mét, là nét đặc trưng của lâu đài Nagoya ở dạng mô hình. Các họa tiết trang trí đèn lồng được lấy cảm hứng từ những hình tượng đại diện cho sự tốt lành (theo văn hóa Nhật Bản) như sếu, tre, chim sẻ, cá chép, hoa anh đào, hoa mẫu đơn,… với nhiều màu sắc khác nhau.
Diễu hành lâu đài khổng lồ tại Noshiro Tanabata
Cuộc diễu hành của hai lâu đài đèn lồng được diễn ra trên khắp đường phố của Noshiro từ khi trời tối tới lúc bình minh. Nhịp trống và tiếng sáo kết hợp đầy thú vị trên mỗi chặng đi, hấp dẫn tất cả những ai sống ở đây hoặc đến thăm thành phố này. Đó là sự góp mặt của những ban nhạc gồm những người chơi trống taiko, thổi sáo và hát/ hô vang “wasshoi”.
Lễ hội truyền thống Noshiro Tanabata bắt nguồn từ thời Edo với những chiếc đèn lồng ban đầu có hình dạng như pháo đài. Sau Thế chiến II, do việc mở rộng các đường dây điện trên không, kích thước của chúng đã giảm đi. Tuy nhiên, việc di dời các đường dây điện này xuống lòng đất từ năm 2013 đã cho phép phục hồi lễ hội văn hóa truyền thống này.
Hàng năm diễn ra lễ hội, người dân tại đây ở mọi lứa tuổi đều hưởng ứng tham gia với tinh thần nhiệt huyết, nhằm tôn vinh nền văn hóa hấp dẫn của họ. Truyền thống này này được người dân Noshiro truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt thế hệ trẻ không chỉ tham gia vận hành những đèn lồng khổng lồ mà còn tự tay tạo ra những đèn lồng của riêng mình trong lễ hội.
Lễ hội Noshiro Tanabata được coi là một ví dụ nổi bật về cách Nhật Bản coi trọng các lễ hội truyền thống trong khu vực và tự hào trong việc kết hợp truyền thống lịch sử vào cuộc sống hiện đại.
Đọc thêm: Lễ hội Việt Nam “Xin chào Saitama”: Mang Tết Trung thu tới Nhật Bản
Backstage News
Nguồn: noshiro tanabata