Sau hơn hai thập kỷ, Backstreet Boys vẫn tiếp tục thách thức thời gian, mang đến giọng hát, vũ đạo và năng lượng sánh ngang với thời kỳ đỉnh cao của họ trong tour diễn “Into The Millennium”, củng cố thêm vị thế là những biểu tượng nhạc pop với di sản không ngừng phát triển.
Backstreet Boys – nhóm nhạc từng bán hơn 100 triệu bản thu âm, là biểu tượng không thể thay thế của văn hóa đại chúng cuối thập niên 1990, đầu 2000 – đã thông minh tận dụng làn sóng hoài niệm mạnh mẽ trong ngành công nghiệp giải trí để tạo nên tour diễn đáng nhớ. Trong thời đại mà concert âm nhạc không đơn thuần chỉ là nơi biểu diễn mà còn là nơi tạo ra trải nghiệm, việc hồi sinh một tour diễn cũ tưởng chừng là lựa chọn an toàn lại trở thành đòn bẩy sáng tạo cho nhóm nhạc huyền thoại một thời.
Với “Into The Millennium” tại Sphere Las Vegas, Backstreet Boys không chỉ tái hiện tour diễn lừng danh từng đưa họ lên đỉnh cao hai thập niên trước. Họ tái sinh nó bằng tư duy tổ chức concert mới, công nghệ trình diễn đột phá và sự kết hợp tài ba với một công trình biểu diễn hiện đại nhất thế giới như Sphere Las Vegas.
Nội dung
Tư duy tổ chức sáng tạo để không lặp lại bản cũ
Chuyến lưu diễn “Into The Millennium” của Backstreet Boys tại Las Vegas khởi động cùng thời điểm với việc phát hành Millennium 2.0. Đây là một phiên bản tái bản cao cấp kỷ niệm 25 năm ra mắt album “Millennium” – sản phẩm đã họ đến với danh tiếng lẫy lừng và củng cố nền tảng cho sự nghiệp kéo dài 32 năm, chứng kiến họ lưu diễn khắp thế giới, phát hành 10 album, được đề cử giải Grammy, phát hành 01 bộ phim tài liệu và xây dựng sự nghiệp solo.
Cũng bởi vậy, tour concert “Into The Millennium” được Backstreet Boys thực hiện với chủ đề về chuyến du hành không gian, lấy cảm hứng từ tour lưu diễn “Millennium” năm 1999 trước đó, như một sự tri ân tới album triệu bản cùng tên của nhóm. Chia sẻ với The Hollywood Reporter, Carter cho biết ban nhạc đã nảy ra ý tưởng này cách đây 8 năm với hy vọng đưa người hâm mộ trở về thời kỳ thập niên 90s, thời kỳ mà chưa có mạng xã hội và công nghệ cũng chưa phát triển như ngày nay.
Tuy nhiên, họ không làm lại “Millennium”. Họ tạo ra một bản chuyển thể đẳng cấp hơn từ chuyến lưu diễn gốc, xứng tầm với địa điểm tổ chức là Sphere. Nhóm nhạc từng khẳng định: “Nếu ai chưa từng đến “Millennium” trong quá khứ, thì đây là cơ hội để họ được tận hưởng một bản chuyển thể “Millennium” nhưng theo phong cách Sphere.”

Đáng nói, quyết định biểu diễn cố định tại một địa điểm thay vì chọn cách lưu diễn truyền thống, cho thấy sự thông minh mang tính chiến lược về mặt vận hành và chi phí của Backstreet Boys. Nhưng chưa đủ, việc họ lựa chọn một địa điểm biểu diễn tối tân nhất trên thế giới như nhà hát Sphere Las Vegas còn giúp họ mở ra không gian sáng tạo không giới hạn để làm mới tour diễn huyền thoại của mình.
Với mức vốn 2,3 tỷ đô (khoảng 60 nghìn tỷ đồng), chưa từng có một địa điểm biểu diễn nào trên thế giới sở hữu mức độ tích hợp công nghệ cao và toàn diện như Sphere. Trước Backstreet Boys, công trình biểu diễn hiện đại này đã liên tục chào đón nhiều siêu sao huyền thoại đến tổ chức biểu diễn như U2, Dead & Company, Kenny Chesney, The Eagles, Phish và Afterlife Presents Anyma. Trong khi ấy, những khán giả từng đến trải nghiệm tại Sphere đều không khỏi ngỡ ngàng khi được chìm đắm trong không gian đa chiều, phát huy tối đa công suất của các giác quan trong nhà hát này.
Backstreet Boys tái sinh tour diễn bằng công nghệ đột phá tại Sphere
Việc lựa chọn Sphere Las Vegas là bước ngoặt định hình toàn bộ show diễn. Đây không chỉ là một nhà hát mà là một công trình biểu tượng của sân khấu tương lai. Hệ thống 160.000 loa định hướng âm thanh đến từng vị trí được lắp đặt ẩn khuất sau màn hình LED, mang đến trải nghiệm âm thanh vòm gần như tuyệt đối, như thể đang nghe trực tiếp ngay bên cạnh ban nhạc. Cùng với đó là công nghệ vật lý 4D với hệ thống ghế tăng trải nghiệm xúc giác (haptic seating), mang đến một trải nghiệm nhập vai đích thực cho toàn bộ khán giả có mặt. Tất cả tạo nên một không gian trải nghiệm trọn vẹn đầy sống động, mà ở đó, mỗi màn trình diễn của Backstreet Boys đều trở nên mới lạ nhưng cũng rất gần gũi và chân thực.
Có thể nói, Backstreet Boys đã tận dụng tối đa công nghệ tại Sphere để thổi hồn mới vào các bản hit kinh điển. Thay vì chiếu hình ảnh minh họa đơn thuần, từng ca khúc là một visual khác nhau tạo thế giới riêng biệt: từ hình ảnh sa mạc cổ đại trong “Show Me The Meaning Of Being Lonely” cho đến thành phố tương lai hiện đại trong “Larger Than Life”, hay thậm chí đời sống hậu trường của nhóm đều được hiển thị đa chiều trong không gian 360 độ của Sphere. Mái vòm LED độ phân giải 16K bao phủ diện tích hơn 15.000 m² với 171 triệu điểm ảnh cho phép câu chuyện thị giác được đồng bộ sống động với âm nhạc, mở ra chiều sâu cảm xúc chưa từng có cho khán giả.

Điểm đột phá tại chuỗi đêm nhạc “Into The Millennium” chính là hệ thống sân khấu trung tâm được lắp đặt phần sàn nổi, có thể nâng lên với độ cao 21 mét. Trong đó, sân khấu “bay” được nâng đỡ chắc chắn trong không trung bằng hệ thống nâng hạ vô hình gồm 4 sợi dây cáp. Công nghệ sân khấu ấn tượng này được Backstreet Boys phô bày ngay tại tiết mục mở màn: “I Want It That Way”. Khi ấy, Backstreet Boys đứng trên sân khấu lơ lửng dần dần được nâng lên giữa màn LED “khổng lồ” với vòng xoáy ánh sáng bao quanh, tạo hiệu ứng như thể nhóm đang ở trên tàu không gian UFO bay lên đến nhiều năm ánh sáng. Màn biểu diễn mang đến hình ảnh vô cùng ấn tượng giống như trong một bộ phim về chủ đề không gian như WALL-E hay Guardians of the Galaxy.
Đây cũng là sân khấu tái hiện màn trình diễn “bay lượn” huyền thoại của nhóm trong tour diễn gốc “Millennium” trước đó được thực hiện bằng ván trượt. Trong một số video lan truyền trên mạng xã hội về công nghệ trình diễn đột phá này, một số fan đã gọi đây là “ảo giác sân khấu đỉnh nhất từng thấy”.

Bên cạnh đó, thiết kế sân khấu trong “Into The Millennium” của Backstreet Boys khác biệt hoàn toàn so với bất kỳ sân khấu nào mà Sphere từng tổ chức cho đến nay. Ngoài sân khấu trung tâm, Backstreet Boys sở hữu hai sàn catwalk vươn ra 2 bên, kéo dài đến giữa khu vực khán giả, tăng kết nối và tương tác trực tiếp. Backstreet Boys cho biết nhóm nhạc luôn đặt sự gần gũi vốn có của các buổi biểu diễn lên hàng đầu. Khả năng tiếp cận giao lưu với khán giả luôn là điều đầu tiên được nhóm cân nhắc trong quá trình lên kế hoạch thiết kế sân khấu.
Kết hợp cùng với đó là hệ thống lối ra/vào bí mật cùng hệ thống thang máy dùng để thay trang phục và biểu diễn solo, đảm bảo nhịp độ liền mạch thay vì những đoạn chuyển tiếp ngắt mạch bằng video nhàm chán. Đây là yếu tố then chốt giúp dòng chảy đêm nhạc không bị gián đoạn, làm tăng chiều sâu cảm xúc và giữ chân khán giả.

Ngoài ứng dụng những công nghệ và thiết kế hiện đại, yếu tố “hoài niệm” vẫn được phát huy tối đa trong chuỗi đêm nhạc. Backstreet Boys đưa người hâm mộ vào một cuộc hành trình xuyên thời gian từ những ca khúc huyền thoại của “Millennium” đến những âm thanh mới của “Millennium 2.0”, tạo nên một trải nghiệm cảm xúc trọn vẹn cho tour diễn “tái sinh” của mình.
Đội ngũ sản xuất tài ba đứng phía sau
Để tạo nên một tour diễn “Into The Millennium” mang tính bước ngoặt như vậy tại Sphere, Backstreet Boys đã mang đến một đội ngũ sáng tạo hàng đầu. Họ làm việc với một tư duy sáng tạo mới, khi kịch bản chương trình không chỉ là danh sách bài hát, mà là từng không gian nghệ thuật được được đồng bộ hóa với mỗi bước nhảy, mỗi hiệu ứng thị giác và từng đoạn nhạc cụ, âm thanh biểu diễn.
Trong đó, đạo diễn kiêm nhà sản xuất tour diễn là Baz Halpin – một chuyên gia về Sphere Las Vegas. Trước đó, Halpin đã từng đồng hành sản xuất cho tour diễn của Eagles cùng nhiều nghệ sĩ khác, đồng thời cũng là nhà sản xuất điều hành cho bộ phim The Eras Tour của Taylor Swift.
Biên đạo múa sân khấu là Rich và Tone Talauega (hay còn gọi là Rich + Tone). Rich+Tone bắt đầu là vũ công với Backstreet Boys tại Lễ trao giải âm nhạc Billboard năm 1998. Kể từ đó, họ trở thành một trong những nhóm biên đạo múa thương mại được săn đón nhất trong làng nhạc pop, đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm biểu diễn cùng Michael Jackson cũng như các đêm nhạc lưu diễn với Backstreet Boys.

Mô tả về chuỗi “đêm nhạc thế ký” của Backstreet Boys tại Sphere, Rich + Tone khẳng định: “50% là trải nghiệm điện ảnh, 50% là trải nghiệm concert, và sự kết hợp giữa hai yếu tố đó là chìa khóa”. Còn Halpin cho biết, chuyến lưu diễn của Backstreet Boys có lẽ là “tham vọng lớn nhất” anh từng thực hiện tại Sphere.
Việc biểu diễn tại một địa điểm cố định như Sphere cũng cho phép đội ngũ sáng tạo đầu tư sâu vào từng chi tiết, thử nghiệm các hiệu ứng thị giác phức tạp và thiết kế hệ thống tương tác khán giả. Dường như, đây là điều không thể thực hiện trong mô hình lưu diễn truyền thống. Điều này chứng minh một sản phẩm giải trí thành công ngày nay không thể chỉ đến từ âm nhạc hay nghệ sĩ, mà là kết quả của một hệ sinh thái sáng tạo liên ngành.

Hiệu ứng truyền thông bùng nổ sau các đêm diễn đầu tiên của tour concert “Into The Millennium” tại Sphere đã chứng minh Backstreet Boys đã đúng. Họ đã thành công cách mạng lại tour diễn “Millennium” năm 1999, để đến năm 2025, “Into The Millennium” trở thành chuỗi đêm nhạc mang tính biểu tượng. Đêm nhạc đã tái sinh thời kỳ hoàng kim một ban nhạc huyền thoại bằng cách phục dựng lại ký ức nhờ công nghệ và tư duy hiện đại. Đó không chỉ là âm nhạc, mà là nghệ thuật kể chuyện không gian, là sự cộng tác giữa cảm xúc và công nghệ, giữa nghệ sĩ và nền tảng tổ chức.
Backstage News