Sự việc từ Mây Lang Thang nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nhạy cảm và tinh tế của các nhà tổ chức khi thực hiện các sự kiện nghệ thuật, đặc biệt trong những thời điểm đặc biệt.
Khi nói về tổ chức sự kiện, nhiều người thường nghĩ ngay đến những yếu tố như sân khấu hoành tráng, âm thanh sống động, ánh sáng lung linh và sự hiện diện của các nghệ sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, có một khía cạnh quan trọng không kém nhưng lại thường bị lãng quên, chính là sự tinh tế và nhạy cảm trong cách tổ chức và xử lý tình huống sự kiện.
Vụ việc hoãn show gần đây của Mây Lang Thang là một minh chứng rõ ràng rằng, dù tổ chức sự kiện có hoàn hảo về mặt kỹ thuật đến đâu, nếu thiếu sự tinh tế và nhạy cảm, tất cả nỗ lực đó có thể trở nên vô nghĩa.
Nội dung
Câu chuyện của Mây Lang Thang
Mây Lang Thang là một đơn vị tổ chức sự kiện âm nhạc bắt đầu được đông đảo khán giả nhớ đến với những “đêm nhạc trên mây” tại Đà Lạt. Sau nhiều năm hoạt động, Mây Lang Thang dần xây dựng được tên tuổi trên thị trường âm nhạc trong nước, mở rộng quy mô các sự kiện đến một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Vừa qua, đơn vị này đã lên kế hoạch kỷ niệm 5 năm thành lập với một đêm nhạc đặc biệt vào ngày 20/7 với tên gọi Mây Concert. Tuy nhiên, do trùng với khoảng thời gian thực hiện Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự kiện này đã phải hoãn lại đến ngày 27/7. Nhưng vào buổi trưa cùng ngày, khi ekip tổ chức đang thực hiện tổng duyệt, một chỉ thị từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu dừng sự kiện.
Trước yêu cầu hoãn đột ngột từ phía Sở VH&TT Hà Nội, Mây Lang Thang đã đăng bài trên fanpage chính thức kêu gọi sự giúp đỡ từ khán giả để có thể tiếp tục tổ chức đêm nhạc. Tuy nhiên, bài viết này lại nhận về chỉ trích dữ dội từ phía cộng đồng. Công chúng cho rằng việc tổ chức sự kiện ngay sau Quốc tang là không tôn trọng vị lãnh đạo đất nước vừa qua đời.
Đứng trước sức ép của dư luận, Mây Lang Thang đã phải xóa bỏ bài viết kêu gọi sự “cầu cứu” và đăng tải bài đăng xin lỗi, thông báo chính thức hoãn sự kiện một lần nữa. Tuy nhiên, bài đăng của đơn vị này vẫn nhận về phần lớn tương tác “phẫn nộ” từ phía cộng đồng mạng.
Bài học về sự tinh tế và nhạy cảm trong tổ chức sự kiện
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội từng viết: “Chúng ta biết rằng, nghệ thuật là một trong những lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, chính vì thế, cách thức chúng ta ứng xử với nghệ thuật cũng cần đặc biệt tinh tế.”.
Tuy nhiên, trước những áp lực về kinh phí tổ chức, quyền lợi khán giả, tên tuổi chương trình,… nhiều nhà tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lại vô tình bỏ quên những “ứng xử tinh tế” cần phải có. Đến khi sự thiếu tinh tế xảy ra trong một hoàn cảnh đặc biệt nhạy cảm, cho thấy một hậu quá khó lường, khi ấy họ mới nhìn thấy được sự quan trọng của điều này.
Sự việc của đơn vị tổ chức Mây Lang Thang chính là một bài học điển hình như thế.
1. Cần hiểu rõ bối cảnh và tình hình xã hội trước khi ấn định ngày sự kiện
Khi tổ chức bất kỳ sự kiện nào, việc nắm bắt rõ bối cảnh và tình hình xã hội là vô cùng quan trọng. Bởi vì, tổ chức sự kiện không chỉ là việc tạo ra một chương trình nghệ thuật hoàn hảo mà còn là việc đảm bảo sự tôn trọng và nhạy cảm đối với bối cảnh xã hội xung quanh. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, xã hội và tâm lý của công chúng.
Tuy nhiên, ban tổ chức Mây Lang Thang dường như đã chưa đủ nhạy cảm để nhìn nhận vấn đề này khi quyết định dời ngày diễn ra concert chỉ ngay sau Quốc tang 1 ngày, thời điểm mà cảm xúc của người dân vẫn còn rất nặng nề.
Điều này dẫn đến phản ứng tiêu cực từ công chúng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của đơn vị tổ chức.
2. Lắng nghe & phản ứng kịp thời
Sau khi gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ công chúng, Mây Lang Thang đã nhanh chóng xóa bỏ bài viết “cầu cứu” và đăng tải lời xin lỗi cùng thông báo hoãn show. Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu, họ đã lắng nghe và hiểu được tâm lý công chúng, có lẽ sự việc đã không trở nên nghiêm trọng như vậy.
Nếu đơn vị Mây Lang Thang nhanh chóng xử lý việc hoãn show ngày 27/7 như phía ca sĩ Trung Quân ngay sau khi nhận được công văn từ Sở VH&TT Hà Nội, có thể BTC sẽ không rơi vào khủng hoảng truyền thông như sự việc vừa rồi, đồng thời nhận được sự cảm thông tương tự từ công chúng.
Đọc thêm: Trung Quân tiếp tục dời lịch Live Concert 1689 tại Hà Nội lần 2
3. Đặt mình vào vị trí của khán giả
Đáng nói, dù cuối cùng, Mây Lang Thang đã chính thức lên tiếng xin lỗi và thông báo hoãn show, nhưng bài đăng vẫn chưa thể xoa dịu sự giận dữ công chúng, bởi quyền lợi của khán giả không hề được đề cập. Ngày tổ chức lại là khi nào? Vé đã mua của khán giả được xử lý ra sao? Rõ ràng đây là những quan tâm lớn từ khán giả khi một show diễn bị hoãn/ hủy, nhưng lại không hề được BTC nhắc đến.
Trong khi đó, việc hiểu rõ nhu cầu, mong muốn và cảm xúc của khán giả là một yếu tố quan trọng giúp tạo ra những sự kiện đáng nhớ và có ý nghĩa. Nhìn ra thị trường quốc tế, không ít nghệ sĩ lớn được toàn cầu ngợi ca bởi sự tinh tế trong cách ứng xử với khán giả tại những sự kiện của mình. Ví dụ như IU tự chi tiền mua đệm ngồi tặng khán giả trong concert, hay Taylor Swift tặng cả nước mát cho khán giả ngồi “xem chùa” từ trên đồi ngoài sân vận động.
4. Xử lý truyền thông khéo léo
Rõ ràng, truyền thông là một công cụ mạnh mẽ trong việc quản lý khủng hoảng. Tuy nhiên, một chiến lược truyền thông sự kiện hiệu quả cần phải có sự tinh tế trong từng thông điệp, dựa trên sự hiểu biết và nhạy cảm đối với cảm xúc của công chúng.
Ngược lại, nếu sử dụng truyền thông không đúng cách, nó sẽ trở thành một “con dao hai lưỡi” gây ra những hậu quả khó lường. Minh chứng chính là những bài đăng “kêu cứu” liên tục đi kèm những câu chữ chưa được “gọt dũa” cẩn thận của Mây Lang Thang trong sự việc vừa qua, đã trực tiếp khiến đơn vị này nhận về sự phẫn nộ từ công chúng.
Trong khi đó, dù cũng gặp phải tình huống phải tiếp tục hoãn show ngày 27/7 tương tự Mây Lang Thang, nhưng Trung Quân và ekip concert “1689” lại có hướng đi khéo léo hơn rất nhiều. Thay vì thông báo rằng chương trình đang bị yêu cầu hoãn lại, Trung Quân cho biết chính bản thân anh cũng mong muốn dời lại show để cùng cả nước chia sẻ nỗi mất mát to lớn.
Hay tinh tế như ca sĩ Noo Phước Thịnh, nam ca sĩ đã dành một khoảnh khắc để tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với bài hát “Tự nguyện” trong sự kiện cá nhân ngày 29/7. Đây rõ ràng là một cách xử lý truyền thông vô cùng khéo léo của giọng ca “Mãi mãi bên nhau” khi đêm nhạc của anh được tổ chức chỉ 2 ngày sau Quốc tang.
5. Không thể thiếu một kế hoạch dự phòng
Việc hoãn sự kiện là điều không ai mong muốn, nhưng trong một số trường hợp, đây lại là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là nhà tổ chức cần có những kế hoạch dự phòng để xử lý tình huống sự kiện một cách suôn sẻ, tinh tế nhận được sự thiếu hiểu từ công chúng và khán giả.
Với những ồn ào vừa qua, dễ dàng nhận thấy Mây Lang Thang đã chưa có kế hoạch cụ thể cho tình huống phải hoãn sự kiện lần thứ hai, dẫn đến những bối rối trong cách xử lý truyền thông và vé cho khán giả.Đây cũng là một bài học lớn đối với những nhà tổ chức sự kiện văn hóa – nghệ thuật – giải trí nói chung.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có kế hoạch dự phòng chặt chẽ trong tổ chức là điều cần thiết để các nhà tổ chức sự kiện đảm bảo rằng mọi tình huống bất ngờ đều có thể được “gỡ rối” một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Backstage News