Trong bối cảnh mưa bão, thiên tai ngày càng bất thường những năm gần đây, bảo hiểm sự kiện trở thành “tấm khiên” cần thiết, giúp các nhà tổ chức giảm thiệt hại tài chính và giữ vững uy tín.
Các gói bảo hiểm sự kiện có thể giúp doanh nghiệp và đơn vị tổ chức ứng phó hiệu quả với nhiều rủi ro, từ việc hủy bỏ sự kiện vào phút chót, sự cố gây thương tích cho khách tham dự cho đến những thiệt hại về tài sản. Tùy theo từng tình huống cụ thể, đơn vị tổ chức sẽ được chi trả dựa trên loại bảo hiểm đã tham gia, qua đó giảm thiểu đáng kể tổn thất tài chính và rủi ro kinh doanh.
Nội dung
Bảo hiểm sự kiện là gì?
Theo Hội đồng Bảo hiểm Tổng hợp (GIC), bảo hiểm sự kiện (event insurance) là một loại hình bảo hiểm chuyên biệt, được thiết kế nhằm bảo vệ các đơn vị tổ chức trước những rủi ro phát sinh trong quá trình tổ chức và đăng cai sự kiện. Những rủi ro ngoài tầm kiểm soát có thể kể đến như thiên tai (bão, mưa lũ), dịch bệnh, sự cố địa điểm, tai nạn hoặc vấn đề an ninh.
Các hợp đồng bảo hiểm sự kiện thường phát huy hiệu quả nhất khi được mua từ sớm, thậm chí dưới dạng hợp đồng chung cho chuỗi sự kiện hoặc lễ hội nhiều giai đoạn để tối ưu chi phí. Trang blog TicketFairy cho biết, theo kinh nghiệm từ các nhà tổ chức chuyên nghiệp thời điểm “vàng” để mua bảo hiểm bao gồm:
- 12–18 tháng trước đối với các sự kiện quy mô lớn như concert, lễ hội hoặc hội nghị quốc tế.
- Ngay sau khi ký hợp đồng địa điểm hoặc đặt cọc, để tránh rủi ro hủy bỏ từ giai đoạn chuẩn bị.
- Trước khi khởi động các chiến dịch truyền thông hoặc bán vé, nhằm bảo vệ ngân sách tiếp thị.
- Trước mùa cao điểm mưa bão với những sự kiện ngoài trời, giúp giảm thiểu thiệt hại do thời tiết.
- Ngay khi chốt lịch với nghệ sĩ hoặc diễn giả chính, đảm bảo quyền lợi nếu có tình huống bất khả kháng.
Các loại bảo hiểm sự kiện phổ biến trên thế giới
Một trong những loại bảo hiểm được nhà tổ chức sự kiện trên thế giới ưu tiên nhất là Bảo hiểm hủy/hoãn sự kiện (Event Cancellation Insurance). Đây là chính sách giúp bồi thường thiệt hại phát sinh khi sự kiện bị hủy, hoãn hoặc dời địa điểm do các rủi ro ngoài tầm kiểm soát như thời tiết khắc nghiệt (mưa bão, động đất,…), thiên tai, dịch bệnh, quốc tang hoặc khủng bố…
Thông thường, bảo hiểm hủy/hoãn sự kiện sẽ giúp giảm thiểu tổn thất tài chính cho ban tổ chức bằng cách hoàn trả toàn bộ/ một phần các chi phí không thể hoàn lại như phí địa điểm, thuê trang thiết bị hoặc chi phí tiếp thị phát sinh. Theo TicketFairy (2024), phí bảo hiểm hủy sự kiện thường vào khoảng 1–3% của tổng giá trị sự kiện (total insured value)
Một loại bảo hiểm phổ biến khác là Bảo hiểm Trách nhiệm công cộng (Public Liability Insurance). Giống như các loại bảo hiểm trách nhiệm khác, bảo hiểm trách nhiệm giúp bảo vệ nhà tổ chức và doanh nghiệp khỏi các khiếu nại trách nhiệm pháp lý từ bên thứ ba về thương tích cá nhân hoặc thiệt hại tài sản trong suốt sự kiện.
Ngoài ra, với những sự kiện âm nhạc, lễ hội ngoài trời sử dụng lượng lớn hệ thống âm thanh ánh sáng như Tomorrowland, EDC, Glastonbury,…, nhà tổ chức thường mua thêm Bảo hiểm tài sản và thiết bị (Property & Equipment Insurance). Gói bảo hiểm này nhằm bảo vệ các thiết bị như hệ thống âm thanh, ánh sáng, sân khấu nếu bị hư hại bởi thiên tai, cháy nổ, sự cố kỹ thuật trong suốt quá trình tổ chức.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm nghệ sĩ/người quan trọng không xuất hiện (Non‑Appearance Insurance) cũng cần thiết cho các loại hình sự kiện như concert, lễ hội âm nhạc,… Khoản bảo hiểm này chi trả khi một nghệ sĩ, diễn giả hoặc nhân vật quan trọng không thể tham dự do ốm đau, tai nạn hoặc sự cố di chuyển, dẫn đến hủy hoặc trì hoãn sự kiện.
Bảo hiểm toàn diện (Comprehensive Event Insurance) là gói tích hợp nhiều loại bảo hiểm kể trên, thường áp dụng cho các sự kiện quy mô lớn như lễ hội âm nhạc, giải đấu thể thao hay hội nghị quốc tế. Chính sách này đảm bảo doanh nghiệp tổ chức có thể an tâm về mọi rủi ro tiềm tàng.
Khoảng trống của bảo hiểm sự kiện tại Việt Nam
Trên thế giới, bảo hiểm sự kiện từ lâu đã được xem như “tấm lá chắn” không thể thiếu, giúp các nhà tổ chức giảm thiểu tổn thất trước rủi ro khó lường. Nhiều lễ hội âm nhạc lớn như Tomorrowland (Bỉ) hay Coachella (Mỹ) đều mua bảo hiểm hủy sự kiện để bảo đảm an toàn tài chính và uy tín thương hiệu. Theo Paul Bassman, Giám đốc điều hành Higginbotham Insurance, nhiều nghệ sĩ và ekip tour diễn quốc tế luôn mua bảo hiểm từ sớm để tránh thiệt hại hàng triệu USD nếu buộc phải hủy show.
Tuy nhiên, bảo hiểm sự kiện vẫn còn khá mới mẻ và chưa phổ biến tại Việt Nam, trong khi rủi ro ngày càng hiện hữu. Chỉ trong vài năm gần đây, nhiều sự kiện ngoài trời liên tục gặp sự cố vì thời tiết khắc nghiệt: Superfest 2025 ở Hạ Long hoãn vì giông lốc, mưa đá làm sập sân khấu; Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và K-Star Spark đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lớn, gây gián đoạn và giảm chất lượng trải nghiệm khán giả. Đêm nhạc mùa hè của Những Thành Phố Mơ Màng 2024 còn bị chỉ trích vì hủy show do mưa bão nhưng thiếu chính sách đền bù hợp lý. Những sự cố này cho thấy khoảng trống về cơ chế bảo vệ tài chính và uy tín cho ban tổ chức – điều mà bảo hiểm sự kiện có thể đáp ứng.

Trước bối cảnh khán giả ngày càng yêu thích không gian mở và trải nghiệm tại các sự kiện ngoài trời, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh hay sự cố bất ngờ đều có thể khiến cả một chiến dịch rơi vào thế bị động. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc ngành sự kiện Việt Nam cần nghiêm túc xem xét bảo hiểm sự kiện như một khoản đầu tư chiến lược. Đây không chỉ là công cụ quản trị rủi ro, bảo vệ tài chính và uy tín ban tổ chức, mà còn là lời cam kết mạnh mẽ về chất lượng và an toàn dành cho khán giả.
Backstage News