Những di tích, bảo tàng lịch sử đang có những bước đi đúng đắn để thu hút khách tham quan, đặc biệt là với những bạn trẻ.
Thời đại công nghệ số đã ăn sâu vào đời sống của chúng ta và để đáp ứng những nhu cầu thưởng lãm ngày càng cao nhất thì những bảo tàng đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động của mình, ứng dụng thêm nhiều công nghệ để thu hút khách tham quan.
Thêm nhiều trải nghiệm mới
Các bảo tàng thu hút giới trẻ bởi kiến trúc độc đáo, ấn tượng, mang đậm dấu ấn thời đại. Không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, bảo tàng còn trở thành không gian nghệ thuật sáng tạo với các triển lãm được thiết kế bắt mắt, sử dụng công nghệ đa phương tiện và sắp đặt nghệ thuật ấn tượng. Điều này giúp việc tham quan bảo tàng không còn nhàm chán mà trở thành trải nghiệm thú vị, khơi gợi tò mò và ham học hỏi cho giới trẻ.
Nắm bắt xu hướng “sống ảo” của giới trẻ, nhiều bảo tàng đã khéo léo tạo dựng những góc check-in độc đáo, phù hợp với sở thích chụp ảnh của giới trẻ.
Từ đó, bảo tàng trở thành “phim trường” lý tưởng để giới trẻ có được những bức ảnh đẹp và thu hút hàng nghìn lượt thích trên mạng xã hội. Điều này không chỉ giúp bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt giới trẻ, mà còn mang lại những lợi ích thiết thực khác như lượng khách tham quan tăng lên đáng kể, mang đến nguồn doanh thu quan trọng cho bảo tàng. Đồng thời, sự tương tác trên mạng xã hội cũng góp phần nâng cao nhận diện thương hiệu và thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Tái hiện lịch sử sống động
Bên cạnh việc “sống ảo”, giới trẻ còn đến bảo tàng để tìm hiểu lịch sử, trải nghiệm thực tế những gì được thấy trên mạng xã hội. Các bảo tàng ngày nay chú trọng vào việc xây dựng nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi và đối tượng tham quan. Thay vì những bảng chú thích dài dòng, khô khan, các bảo tàng sử dụng hình ảnh, video, âm thanh,… kết hợp với công nghệ 3D Mapping, AI… hiện đại để tái hiện lịch sử một cách sinh động và chân thực, thu hút giới trẻ khám phá.
Tống Thành Văn – Diễn viên đảm nhận vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dự án phim 3D – “Điện Biên Phủ – Huyền thoại 56 ngày đêm” chia sẻ: “Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, giới trẻ ngày nay đã phần nào có được sự tiếp cận đa dạng và phong phú hơn với những thông tin và dữ kiện lịch sử. Internet giúp cho các bạn trẻ có được một cách nhìn mới mẻ và thú vị hơn về lịch sử. Từ đó tạo ra một nguồn động lực lớn thúc đẩy họ chủ động tìm hiểu, nghiền ngẫm và tự hào hơn về những ‘mảnh ký ức’ đã qua của đất nước. Chúng ta vẫn thường được nghe, được đọc về những câu chuyện, những di tích, những địa danh lịch sử trong đời sống thường ngày”.
Ngoài ra, các bảo tàng còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như: tham gia các trò chơi tương tác, tái hiện các sự kiện lịch sử, tham gia các lớp học thủ công truyền thống… Những hoạt động này giúp giới trẻ học hỏi lịch sử một cách trực quan, sinh động và ghi nhớ kiến thức hiệu quả hơn.
Tống Văn khẳng định: “Bên cạnh áp dụng công nghệ vào phục dựng các di tích lịch sử, việc đẩy mạnh các thông tin, câu chuyện truyền thông có tính chính xác cao về những địa điểm, địa danh lịch sử trên các nền tảng số sẽ là một phương án thú vị. Kết hợp với các xu hướng hiện đại sẽ thu hút được sự quan tâm đối với đông đảo công chúng, nhất là với các bạn trẻ”.
Sức hút của bảo tàng lịch sử trong thời đại 4.0 là minh chứng cho thấy giá trị trường tồn của lịch sử và văn hóa. Việc kết hợp hài hòa giữa công nghệ, mạng xã hội và thông tin lịch sử đã biến các bảo tàng lịch sử tưởng như khô khan trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ, góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc đến thế hệ tương lai.
Backstage News
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch