Tháng 7 này, người yêu nghệ thuật cả nước sẽ có cơ hội mãn nhãn với hàng loạt triển lãm, đặc biệt là tuần lễ nghệ thuật đương đại đặc sắc sẽ diễn ra tại cố đô Huế.
Nội dung
Triển lãm ánh sáng “Xem đêm – Càng đêm”
“Xem đêm – Càng đêm” lấy cảm hứng từ văn hoá truyền thống vùng Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, gồm 5 cụm sắp đặt với 150 tác phẩm đèn được tạo hình theo phom dáng những vật dụng bình dị trong đời sống nông thôn Việt Nam như giỏ tre, làn, lưỡi rìu, đầu rau, đá lửa; đồ tế lễ vùng núi Tây Bắc như thẻ tre, triện, mõ cá…
Không chỉ riêng phần tạo dáng đèn và tạo khối, việc sử dụng các chất liệu truyền thống như giấy dó, vải, tinh màu chàm, than, gò đồng, nhôm đúc… kết hợp với nguyên liệu công nghiệp hiện đại như composite, thép… mang đến sự bất ngờ về thị giác và công năng cho các tác phẩm trong triển lãm lần này.
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Đức Phương (tức Phương Giò) và kiến trúc sư Nguyễn Hà đã kết hợp kiến trúc và nghệ thuật thị giác trong việc tái tạo không gian và tạo hình. Triển lãm được chia làm 2 chương, “Xem đêm” và “Càng đêm”, mỗi chương là một cuộc trưng bày mới với cách tái tạo không gian mới.
- Triển lãm khai mạc vào lúc 18h30 ngày 5.7 tại Manzi (Hà Nội).
Tuần lễ nghệ thuật đương đại “Nổ cái bùm”
Trong một tuần, tác phẩm của 56 nghệ sĩ cả nước sẽ quy tụ về miền Trung Việt Nam, được trưng bày ở sáu không gian: Bảo tàng Mỹ thuật Huế (Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị), Mơ Đơ, NEST Studio, Then Cafe, Năm Mùa và đại học Nghệ thuật Huế. Bên cạnh đó, Nổ Cái Bùm cũng thực hiện chuỗi chương trình cộng đồng gồm các buổi trò chuyện của nghệ sĩ và giám tuyển, show trình diễn nghệ thuật, múa đương đại và thảo luận về điện ảnh.
Trong khi hầu hết các mô hình “đại triển lãm” trên thế giới đều được dẫn dắt bởi một (vài) giám tuyển, với ý niệm và chủ đề rõ ràng, được chuẩn bị sẵn, Nổ Cái Bùm tiếp cận mô hình này một cách tươi mới và thoải mái hơn. Hầu hết các tác phẩm tham gia triển lãm đều có sẵn trong xưởng nghệ sĩ, hoặc được sáng tác mới nhưng không phải theo đơn đặt hàng của nhà tổ chức. Nghệ sĩ cũng hoàn toàn làm chủ nội dung và cách trình bày tác phẩm của mình, cùng trao đổi và thỏa hiệp với các đồng nghiệp khác trong chương trình.
Lịch trình chi tiết của tuần nghệ thuật được cập nhật tại ĐÂY.
- Sự kiện diễn ra từ nay đến hết ngày 7.7 tại Huế.
Tour nghệ thuật “Khuất dạng” cùng Zoe Butt
Triển lãm “Khuất dạng” của Hương Ngô lấy cảm hứng và bàn luận về những tầng lớp đan xen trong trải nghiệm và đời sống của nữ giới. Là một nghệ sĩ thực hành theo xu hướng ‘ý niệm’ (conceptual), các tác phẩm của Hương Ngô sử dụng kỹ thuật và chất liệu nghệ thuật để truyền đạt một ý tứ, thay vì chỉ để thể hiện một hình ảnh giả định nào đó.
Lấy cảm hứng từ nữ anh hùng dân tộc Nguyễn Thị Minh Khai, Hương Ngô trưng bày không chỉ các tư liệu quý báu về cuộc đời bà mà còn chia sẻ những câu chuyện, cả huyễn tưởng lẫn có thật, về những người phụ nữ khác đến cả từ quá lẫn hiện tại.
Thế nào là phụ nữ? Những sự kiện lịch sử nào đã châm ngòi cho quá trình đấu tranh bình đẳng giới nam nữ? Những câu chữ và trần thuật nào đã giúp định hình nhu cầu bình đẳng giới trong xã hội? Đó là những câu hỏi người tham gia tour nghệ thuật sẽ tìm hiểu cùng bà Zoe Butt – giám đốc Nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory.
- Sự kiện diễn ra từ 16-18h ngày 11.7 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory (TP.HCM).
Ngược dòng lịch sử cùng “Nước xanh non biếc”
Đông Dương từng được biết đến như chốn rừng rậm bí hiểm, có khi lại như vùng đất phong cảnh hữu tình, tạo ra sự hấp dẫn kỳ lạ cho những kẻ chinh phục ham thích những miền xa nhiệt đới. Vùng đất Đông Dương không còn, nhưng đây vẫn là chốn ký ức tập hợp những biểu tượng, hình dung tồn tại đến ngày nay.
Dựa trên những hình ảnh của chuỗi triển lãm thuộc địa quốc tế diễn ra từ năm 1906-1931 tại Pháp, Lê Giang chọn tranh khắc nổi trên mặt giấy trắng để thể hiện phần lớn tác phẩm tại “Nước xanh non biếc” nhằm tái dựng, làm mờ và tìm kiếm những hình dung về Việt Nam thời thuộc địa trong văn hoá đại chúng Pháp. Đây là nỗ lực của nữ nghệ sĩ nhằm nhận diện những trở ngại trong việc thoả hiệp với chủ đề lịch sử đau thương này, đồng thời đặt ra sự cần thiết của việc nhìn lại lịch sử trong bối cảnh Việt Nam đương đại.
- Triển lãm kéo dài đến hết ngày 19.6 tại Vin Gallery (TP.HCM).
Nguồn: ForbesVietmam