Lễ cưới là một sự kiện vui vẻ, có ý nghĩa và không ai mong muốn sự kiện đặc biệt này trở thành một “cơn ác mộng” vì sự cố cháy nổ. Đáng tiếc, thực tế đã xảy ra nhiều sự cố dẫn đến tình huống nguy hiểm này.
Khoảng 12h30 ngày 22/10 vừa qua, cộng đồng mạng “dậy sóng” trước một vụ cháy lớn xảy ra tại một đám cưới được tổ chức trong hội trường tại huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu). Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn tài sản trong tiệc cưới, khiến khoảng 500 thực khách hoảng loạn bỏ chạy, một người bị thương nhẹ. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập điện từ khu vực dàn âm thanh trên sân khấu.
Ngay ngày hôm sau 23/10, UBND huyện Châu Đứcđã chỉ đạo khẩn về việc phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu vực tổ chức sự kiện đông người, trong đó, lãnh đạo các cơ quan đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hỏa hoạn.
Trước đó vào đầu tháng 10, nguyên nhân gây ra vụ cháy đám cưới thảm khốc khiến hơn 100 người thiệt mạng, hơn 150 người bị thương ở thị trấn Hamdaniya (Iraq) đã được Bộ trưởng Nội vụ Iraq công bố, theo Hãng thông tấn nhà nước Iraq (INA).
Theo đó, pháo hoa là nguyên nhân chính gây ra vụ cháy và các đồ trang trí dễ cháy trên trần nhà giúp ngọn lửa lan nhanh. Người đứng đầu ủy ban điều tra cho biết 4 thiết bị pháo hoa đã bắn ra những tia lửa cao 4m vào không trung. Đây là khoảng cách cho phép chúng chạm tới trần của hội trường được bao phủ bằng các tấm composite kim loại giá rẻ, rất dễ cháy, dẫn đến hỏa hoạn lớn.
Ngoài ra, “sơ suất nghiêm trọng” của chủ sở hữu hội trường đám cưới là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng lớn người tử vong và bị thương. Bộ trưởng Nội vụ Iraq cho biết hội trường có sức chứa 500 người, nhưng số lượng người tham dự đám cưới là “gấp đôi” khi ngọn lửa bắt đầu. Nơi xảy ra vụ cháy cũng “không có cửa thoát hiểm, gây ra sự hỗn loạn, hoảng loạn và giẫm đạp”, dẫn đến thương vong.
Sau hỏa hoạn nghiêm trọng này, Thủ tướng Iraq đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra tòa nhà và xác minh các quy trình an toàn tại các nhà hàng, phòng tổ chức sự kiện và khách sạn.
Phòng tránh cháy nổ trong đám cưới & các biện pháp an toàn
Từ những sự việc như trên, dễ thấy lễ cưới cũng có thể gây ra nguy hiểm cháy nổ nếu không được tổ chức và quản lý đúng cách bởi nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của cháy nổ trong đám cưới là do việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện cùng một lúc. Các thiết bị điện như đèn chiếu sáng, loa, máy quay phim, máy chiếu, vv… luôn được sử dụng rộng rãi trong các lễ cưới. Tuy nhiên, các thiết bị này có thể dẫn đến chập điện hoặc ngắn mạch, dẫn đến cháy nổ không đáng có nếu không được sử dụng đúng cách.
Bởi vậy, việc kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống và thiết bị điện trước và trong buổi tiệc là điều bắt buộc. Đặc biệt không nối điện, sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện vượt công suất cho phép để tránh phát sinh chạm, chập dẫn đến cháy nổ.
Đơn vị tổ chức cũng cần dành sự quan tâm đặc biệt đối với khu vực nhà bếp, nơi sử dụng các bình ga, bếp điện, lửa,… đều là nguy cơ lớn dẫn đến những sự cố hỏa hoạn.
Nến, đèn trang trí, pháo hoa điện,… hay các vật dụng trang trí dễ cháy cũng tiềm ẩn những nguyên nhân có thể gây cháy nổ trong tiệc cưới. Một tia lửa từ nến có thể dễ dàng lan ra các đồ trang trí dễ cháy khác, gây ra đám cháy lớn khó kiểm soát.
Để tránh tình huống này, nên sử dụng các loại nến an toàn hoặc thay thế bằng các đèn LED không cần sử dụng lửa. Đèn LED không chỉ giảm thiểu nguy cơ gây ra cháy nổ mà còn giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu trang trí không cháy hoặc hạn chế sử dụng vật liệu dễ cháy nổ cũng gia tăng sự an toàn về PCCC trong quá trình tổ chức đám cưới.
Bên cạnh đó, việc đảm hệ thống báo cháy hoạt động bình thường, hiệu quả và có những phương án đảm bảo an toàn cháy, nổ trong địa điểm tổ chức đám cưới cũng vô cùng cần thiết. Trong mọi trường hợp phải luôn đảm bảo điều kiện an toàn lối thoát nạn, có phương án và bố trí lực lượng sẵn sàng hướng dẫn, trợ giúp đám đông thoát hiểm an toàn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Ngoài công tác tổ chức và phòng chống cháy nổ nghiêm ngặt của các cơ sở kinh doanh dịch vụ hay các địa điểm tổ chức, chính cô dâu chú rể – chủ nhân của sự kiện đặc biệt này – cũng cần cân nhắc, hạn chế một số yêu cầu có thể gây mất an toàn phòng chống cháy nổ trong ngày vui trọng đại của mình. Đồng thời, có quy định yêu cầu quan khách hạn chế hút thuốc, không mang theo các chất dễ cháy nổ vào không gian tổ chức tiệc cưới.
Tất cả đều đóng vai trò quan trọng nhằm phòng ngừa cháy nổ và mang đến một buổi tiệc cưới an toàn và đáng nhớ.
Đọc thêm: Lưu ý và HDSD bình cứu hỏa, thiết bị PCCC trong sự kiện
Backstage News