Một buổi biểu diễn ca nhạc mới đây tại Đức có thể là chìa khóa cho câu hỏi: Liệu châu Âu đã sẵn sàng trở lại cuộc sống bình thường hậu COVID-19?
Tại nước Đức, lệnh đóng cửa với các sự kiện đông người vẫn đang được duy trì, ít nhất tới tháng 11. Và trong khi số ca lây nhiễm COVID-19 mới có dấu hiệu gia tăng ở nhiều nước châu Âu, cơ hội được thưởng thức một buổi biểu diễn ca nhạc trực tiếp lại càng xa vời.
Tuy nhiên, với một số người hâm mộ tại Leipzig, họ đã có cơ hội được thể hiện niềm đam mê trong một ngày. Có tới 1.500 người xếp hàng tham dự buổi biểu diễn của ngôi sao Tim Bendzko, với 3 suất diễn tại một sân khấu trong nhà. Và quan trọng hơn, họ làm điều này nhằm trợ giúp các nhà khoa học.
Buổi biểu diễn là một phần trong nghiên cứu có tên Restart19 của các nhà nghiên cứu từ Đại học Halle nhằm nghiên cứu khả năng lây nhiễm COVID-19 tại các sự kiện đông người và làm sao để ngăn chặn điều này.
Các khán giả đều là tình nguyện viên, chủ yếu là người trẻ, không thuộc nhóm có nguy cơ cao, đã có kết quả xét nghiệm âm tính trước buổi biểu diễn. Họ cũng được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang bảo hộ chuyên dụng và được yêu cầu rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn thường xuyên.
Ông Stefan Moritz, trưởng nhóm nghiên cứu, tỏ ra hài lòng về mức độ kỷ luật của những người tham gia: “Tôi cảm thấy khá ngạc nhiên khi mọi người chấp hành tốt yêu cầu đeo khẩu trang trong chương trình như vậy”.
Nhóm nghiên cứu cho các tình nguyện viên sử dụng nước sát khuẩn tay có chứa chất huỳnh quang, cho phép theo dõi những bề mặt nào thường xuyên chạm vào. Tình nguyện viên cũng phải đeo một thiết bị theo dõi để đo lường mức độ tiếp xúc và khoảng cách giữa họ với các khán giả khác.
Nghiên cứu mới và triển vọng thực hiện các sự kiện trong tương lai
3 kịch bản đã được các nhà khoa học thực hiện tại buổi biểu diễn “thí nghiệm” này. Một là tổ chức sự kiện “tự do” như giai đoạn trước dịch bệnh; hai là sự kiện với một số biện pháp và hướng dẫn an toàn cho khán giả và kịch bản cuối là sự kiện được giảm bớt người xem, yêu cầu giãn cách tối thiểu 1,5 m.
Tất cả các dữ liệu sẽ được đưa vào mô hình toán học, và dự kiến có thể đưa ra kết quả trong vòng 4 – 6 tuần tới. Bằng cách này, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra các tư vấn và khuyến nghị giúp tổ chức sự kiện đông người một cách an toàn, nhất là khi giai đoạn mùa thu và mùa đông, vốn thường có nhiều lễ hội diễn ra.
“Chúng tôi khó có thể chấp nhận thêm một đợt đóng cửa nữa và thu thập dữ liệu để đưa ra các dự đoán khoa học là cần thiết” – Giáo sư Michael Gekle, Trưởng khoa Y học tại Đại học Halle nhận định – “Chúng ta không thể trở lại cuộc sống bình thường mà không có rủi ro nào. Qua các nghiên cứu, giới chức sẽ có được công cụ để đánh giá xem liệu một sự kiện nào đó có thể tổ chức được hay không”.
Trong giai đoạn đầu dịch tại Anh, những giải thể thao như trận đấu Liverpool – Atletico Madrid thuộc giải Champions League hay giải đua ngựa Cheltenham bị cho là đã góp phần phát tán rộng virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Còn tại Đức, mới đây, việc cấp phép cho buổi biểu diễn của ca sĩ Sarah Connor hôm 4/9, với khoảng 13.000 khán giả tại Duesseldorf, cũng đang vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt.
Việc tiến hành các thử nghiệm về tập trung đông người cho thấy, vẫn có thể tìm ra lối thoát giúp khôi phục các sự kiện văn hóa và thể thao trong tương lai, dù hiện nay đang vấp phải nhiều sự hoài nghi tại châu Âu.
Nguồn: VTV