Những buổi hòa nhạc, sự kiện nghệ thuật hạ cánh tại Hà Nội sẽ tiếp tục giúp Thủ đô mở ra nhiều kỳ vọng về phát triển văn hóa, nghệ thuật, du lịch và có cơ hội phát triển lên thành phố âm nhạc.
Ngày 21 và 22/4 tới, Four Season Concert – Hòa nhạc bốn mùa do Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles, Pháp sẽ diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Đây là hoà nhạc mở màn cho chuỗi chương trình nghệ thuật quốc tế “Musical Seasons” 2024-2025 mang âm nhạc đỉnh cao đến gần hơn với công chúng Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung, thông qua các nghệ sĩ quốc tế danh tiếng trên thế giới.
Ngoài việc Four Season Concert – Hòa nhạc bốn mùa là một trong những sự kiện quốc tế đầu tiên đến Việt Nam, công chúng sẽ còn tiếp tục được thưởng thức và tiếp xúc với nhiều sự kiện quốc tế khác bởi hiện nay vẫn chưa là thời điểm mùa lễ hội bùng nổ. Theo đó, Việt Nam sẽ hứa hẹn đón tiếp nhiều nghệ sĩ, sự kiện – lễ hội quốc tế khác với đa thể loại từ giải trí, âm nhạc cho tới nghệ thuật đổ bộ trong năm nay.
Từ những sự kiện quốc tế gây tiếng vang tại Hà Nội, thu hút rất đông khán giả Việt Nam và các du khách quốc tế, tổng thể việc này đã phần nào khẳng định năng lực tổ chức sự kiện quốc tế của Hà Nội.
Kỳ vọng trong việc phát triển thành phố sáng tạo cả về chất lẫn lượng
Nhìn lại có thể thấy năm 2023 là một năm có nhiều biến động và thách thức nhưng cũng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của các sự kiện giải trí, văn hóa, nghệ thuật. Những đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink đem lại hiệu quả quảng bá hình ảnh Hà Nội đến bạn bè, du khách toàn thế giới. Doanh thu khổng lồ thu được từ lượng khách du lịch nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… tăng mạnh là một “cú hích” cần thiết cho thị trường âm nhạc Việt Nam. Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính chung trong hai ngày 29 – 30/7/2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 170.000 lượt người. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt hơn 30.000 lượt, các thị trường khách hàng đầu kể đến như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp,… Tổng thu từ khách du lịch đạt 630 tỷ đồng.
Những năm gần đây, Hà Nội dù chưa chính thức là thành phố âm nhạc nhưng đã và đang trở thành điểm đến của nhiều chương trình nghệ thuật cũng như lễ hội âm nhạc quốc tế. Trước đó, Hà Nội từng là điểm đến biểu diễn của những ban nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Vào năm 2019, nhờ vào sự kết nối của Đại sứ Đức – Christian Berger, Boney M và Modern Talking đã biểu diễn tại Hà Nội, khiến hàng nghìn khán giả “đứng ngồi không yên”, khi ấy, phe vé đẩy một cặp vé sự kiện liên tục lên tới giá vài triệu đồng một cặp.
Bên cạnh đó, năm 2011, nhóm nhạc Backstreet Boys tổ chức thành công đêm diễn tại sân vận động Mỹ Đình, theo ghi nhận, có tới 30.000 khán giả lấp kín toàn bộ hàng vé VIP mong muốn được chứng kiến thần tượng và có được trải nghiệm một cách trọn vẹn nhất. Cùng năm, nhóm nhạc đình đám Westlife chọn Hà Nội là điểm đến của mình.
Tiếp đó, năm 2012, chương trình âm nhạc Music Bank lựa chọn Hà Nội là một trong những điểm đến tại khu vực Đông Nam Á. Music Bank in Hanoi 2012 quy tụ nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc như Super Junior, SNSD, Davichi, B2ST, IU, Sistar, MBLAQ… thành công rực rỡ, năm đó, giá vé các bạn trẻ phải bỏ ra cho một cặp vé lên tới 3 – 4 triệu đồng, chứng minh cho sức mua và độ “chịu chi” không thua kém so với các nước trong khu vực. Music Bank in Hanoi 2015 thu hút hàng trăm nghìn khán giả tham dự với sự có mặt của dàn sao hàng đầu xứ sở kim chi như EXO, SHINee, GOT7, Sistar, Apink,…
Dĩ nhiên, ngoài các sự kiện quốc tế, Hà Nội cũng không chịu lép vế khi hàng năm đều trực tiếp đứng ra hỗ trợ và tổ chức Lễ hội “Âm nhạc quốc tế Gió mùa” – Monsoon Music Festival. Lễ hội “Âm nhạc quốc tế Gió mùa” của nhạc sĩ Quốc Trung giờ đây dường như được coi là thương hiệu của văn hóa Hà Nội, gây ấn tượng không chỉ với khán giả Thủ đô mà còn quốc tế bằng những phong cách âm nhạc mới. Hàng trăm nghệ sĩ nổi tiếng, không khí sôi động của một lễ hội âm nhạc với chất lượng chuyên môn cao, kỹ thuật và kỹ năng tổ chức chuyên nghiệp ở tầm cấp quốc tế đã đem đến cho cư dân Thủ đô cùng nhiều du khách trong nước và nước ngoài những bữa tiệc âm nhạc không hồi kết.
Ngoài chất lượng nghệ thuật mang tầm quốc tế, Lễ hội cũng xây dựng được một nét văn hóa đẹp cho Thủ đô, khi kết thúc sự kiện, người tham dự đều cùng tự ý thức việc nhặt rác, dọn dẹp khu vực đứng của mình. Trong năm vừa qua, Monsoon Music Festival còn thực hiện quỹ Inspire Your Next – quỹ bảo trợ nghệ thuật được đồng sáng lập cùng Techcombank Inspire (nhãn hiệu tài chính của ngân hàng Techcombank) giúp tìm kiếm và hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ trên thế giới.
Hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert cũng trở thành điểm hẹn của du khách quốc tế tại Hà Nội. Chỉ riêng Hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert năm 2019 đã quy tụ gần 100 nghệ sĩ tài năng với những nhạc cụ hiếm trên 200 tuổi từ Dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng London. Chương trình có sự góp mặt của hàng nghìn khán giả, trong đó phần nửa là du khách quốc tế, theo dõi trực tiếp trong khu vực tượng đài, cùng hàng nghìn khán giả theo dõi qua màn hình LED 400 inch tại đường Đinh Tiên Hoàng và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Năm 2022 và 2023, “HAY Glamping Music Festival” cũng trở thành sự kiện âm nhạc gây chú ý tại Hà Nội khi quy tụ được nhiều nghệ sĩ, ban nhạc huyền thoại quốc tế. Xuyên suốt nhiều giờ đồng hồ diễn ra lễ hội âm nhạc và hàng nghìn khán giả hát hò, nhảy múa, hòa vang tiếng hát cùng các nghệ sĩ trên sân khấu đã đủ chứng minh cho sức hút của một lễ hội âm nhạc nghệ thuật tiệm cận với xu hướng lễ hội âm nhạc trên thế giới – không phân biệt quốc tịch, màu da, ngôn ngữ, dòng nhạc,… và đa dạng khán giả ở nhiều độ tuổi.
Phát huy và đẩy mạnh sáng tạo tiến tới thành phố âm nhạc
Công nghiệp âm nhạc là một trong những cột trụ chính của ngành công nghiệp văn hóa mỗi quốc gia. Nếu có thể tạo ra môi trường để vận hành một nền công nghiệp âm nhạc bài bản với đầy đủ các thành tố thì sẽ tạo ra doanh thu lớn, đem đến nhiều việc làm, đóng góp tích cực cho GDP.
Sự phát triển nhanh của những không gian, dự án, sự kiện âm nhạc thời gian gần đây khiến Hà Nội mang dáng dấp mới của một thành phố âm nhạc. Đồng thời đây là một trong những yếu tố để truyền giữ, kết nối giữa các thế hệ, quảng bá âm nhạc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Đây cũng được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô, thu hẹp dần khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố.
Để thu hút và hỗ trợ đầu tư, thành phố đặt mục tiêu quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và ngoài Nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao. Trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố – không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, không thể thiếu việc thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí, du lịch văn hóa, ẩm thực… Cuối cùng, đồng bộ hỗ trợ lẫn nhau về phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa. Hà Nội cần có một hệ thống phối hợp nhịp nhàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, xây dựng và đẩy mạnh động lực từ phía các cơ quan Nhà nước, đơn vị quản lý bản quyền, đơn vị tổ chức, thương hiệu,… để tránh những lùm xùm đáng tiếc trước và sau mỗi chương trình âm nhạc quốc tế.
Backstage News
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật