Mạng 5G đã đóng một phần quan trọng trong việc quản lý, vận hành, livestream, phát sóng tại nhiều sự kiện trên thế giới.
Mạng 5G đang trở thành một từ khóa hot hiện nay khi các nhà mạng tại Việt Nam hiện đang cố gắng triển khai mạng 5G trên toàn quốc.
Tại concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai vừa qua, khán giả đã phải trầm trồ phấn khích khi biết Ban tổ chức chương trình lắp trạm 5G để cung cấp mạng chất lượng cao. Điều này có thể mở ra một bước ngoặt mới cho ngành sự kiện tại Việt Nam.
Những tính năng vượt trội của 5G trong sự kiện
Mạng 5G có tốc độ nhanh hơn nhiều so với 4G, cho phép người tham dự truy cập Internet, livestream hoặc chia sẻ hình ảnh, video một cách nhanh chóng và mượt mà mà không bị gián đoạn.
Thực tế, tại các sự kiện trên thế giới, mạng 5G đã xuất hiện từ rất lâu. Vào năm 2019, trước thềm Super Bowl tại Atlanta, Sprint đã nâng cấp các tháp di động của mình bằng công nghệ tạo chùm tia Massive MIMO và AT&T với bản nâng cấp mạng lưới trị giá 43 triệu đô la, trở thành nhà mạng đầu tiên cung cấp 5G di động theo tiêu chuẩn tại Atlanta. Điều này giúp quản lý lưu lượng truy cập lớn trong các sự kiện trực tiếp như Superbowl.
Trong trận Super Bowl giữa năm ngoái, Verizon đã giới thiệu giải pháp 5G Multi-View, cho phép người hâm mộ xem bảy luồng video HD trên một smartphone, dễ dàng chuyển đổi giữa các góc máy hoặc tua lại để xem theo thời gian thực.
Một sự kiện lớn khác cũng sử dụng công nghệ này là Olympic Paris 2024, nhờ hệ thống 5G hiệu suất mạng của sân vận động tăng gấp 10 lần, trong khi mức tiêu thụ điện năng giảm khoảng 87% và yêu cầu làm mát giảm tới 75%, từ đó cũng góp phần bảo vệ môi trường.
Mạng 5G cũng giúp ích rất nhiều cho những màn trình diễn drone. Tại Trung Quốc vào đầu tháng 10 đã xác lập kỷ lục drone show lớn nhất thế giới với hơn 10.0000 drone.
Màn trình diễn này không thể thiếu sự hỗ trợ từ công nghệ 5G hiện đại, giúp điều khiển số lượng lớn drone với độ chính xác và ổn định cao. Nhờ 5G với độ trễ thấp và băng thông rộng, tất cả drone đều hoạt động đồng bộ và không gặp sự cố, tạo nên những hình ảnh đẹp mắt trên bầu trời.
Với tốc độ truyền tải dữ liệu cao, độ trễ thấp và kết nối ổn định ở nơi đông người, 5G đang giúp ích rất nhiều cho các sự kiện.
Mạng 5G liệu sẽ được sử dụng nhiều tại các sự kiện ở Việt Nam?
Một vấn đề mà rất nhiều gặp phải khi tham gia sự kiện đó là tình trạng mạng chậm hoặc thậm chí là mất sóng. Điều này chắc chắn sẽ gây rất nhiều phiền hà khó chịu cho khán giả mỗi khi muốn gọi điện cho ai đó hoặc đăng tải những video, bức ảnh.
Giải thích cho vấn đề này, Tim Pozar – phó chủ tịch của San Francisco Metropolitan Internet Exchange, có hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong việc lắp Wifi tại các sự kiện cho biết mặc dù công nghệ đã có những tiến bộ trong những năm qua nhưng những vấn đề như dịch vụ không ổn định và tốc độ chậm vẫn xảy ra.
Ông cho biết điều này là do cách Wi-Fi được thiết lập vào những năm 1990. Wifi dựa trên công nghệ mạng gọi là Ethernet, dễ xảy ra xung đột khi có nhiều thiết bị khác nhau, chẳng hạn như máy tính xách tay, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, sử dụng mạng di động để truyền dữ liệu. Tất cả các thiết bị khác nhau đều gửi dữ liệu theo ý muốn, không có sự phối hợp và thường không thể nhìn thấy nhau, nghĩa là chúng xung đột khá thường xuyên. Điều này khiến mạng chậm lại hoặc bị lỗi.
Thêm vào đó, một sự kiện lớn thường thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người, tất cả đều cố gắng kết nối mạng cùng một lúc. Điều này làm cho hạ tầng mạng bị quá tải, khiến tốc độ truy cập giảm hoặc không thể kết nối được.
Tại concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, dù lắp mạng 5G nhưng tốc độ truy cập vẫn không khá hơn là bao, hiện tượng mạng chập chờn, không sử dụng được vẫn diễn ra.
Thực tế, dù không ở sự kiện thì mạng 5G vẫn tương đối chậm, nhiều người dùng cho biết, sau khi đăng ký gói mạng, trên màn hình điện thoại đã hiển thị biểu tượng 5G nhưng khi truy cập vào các trang mạng xã hội như Facebook, Messenger hay tải email cũng chưa thực sự được mượt mà, không có nhiều khác biệt so với sử dụng 4G.
Đồng thời, qua ứng dụng SpeedTest chỉ ghi nhận tốc độ chiều tải xuống dao động từ 65-70 Mbps và chiều tải lên là 33 Mbps, con số tương đương mạng 4G. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng Internet có hiện tượng mạng 5G và 4G chập chờn xen kẽ.
Ngoài ra, giá cước của 5G cũng gần gấp đôi giá cước 4G.
Được biết, Viettel đã chính thức tung ra 19 gói cước 5G cho người dùng cá nhân, trong đó có 11 gói trả trước và 8 gói trả sau. Cước phí tháng có giá khởi điểm từ 135.000 đồng với 4GB dữ liệu/ngày đến 480.000 đồng cho người dùng trả trước và từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng cho trả sau.
Mỗi gói cước bao gồm các quyền lợi khác nhau: ngoài dung lượng Internet còn có ưu đãi khi gọi điện nội và ngoại mạng, chơi game, truy cập mạng xã hội hoặc xem truyền hình, lưu trữ.
Xét về dung lượng truy cập cũng như quyền lợi người dùng ở hầu hết các gói 5G đều cao hơn 4G. Tuy nhiên mức giá của gói 5G cao gần gấp đôi gói 4G (mức thấp nhất 5G là 135.000 đồng trong khi 4G chỉ là 70.000 đồng). Như vậy để trải nghiệm 5G người dân cần chi nhiều tiền hơn mà tốc độ truy cập chưa chắc sẽ tốt hơn.
Nhưng cần nhấn mạnh lại rằng, mạng 5G cũng mới ra mắt tại Việt Nam, cần nhiều thời gian để cải thiện và phủ sóng khắp nơi để giúp nâng cao trải nghiệm người dùng.
Mạng 5G vẫn có thể là một “trợ thủ” đắc lực cho các sự kiện tại Việt Nam trong tương lai. Với tốc độ nhanh hơn gấp nhiều lần so với 4G và độ trễ thấp, mạng 5G mở ra cánh cửa cho các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Tại các sự kiện âm nhạc, thể thao, hoặc triển lãm, người tham gia có thể trải nghiệm các màn trình diễn qua góc nhìn 360 độ hoặc thậm chí tham gia vào môi trường thực tế ảo mà không cần thiết bị phức tạp. Điều này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm tại chỗ mà còn cho phép những người không thể trực tiếp tham dự cũng có thể tham gia từ xa một cách chân thực nhất.
Thêm vào đó, mạng 5G không chỉ cải thiện trải nghiệm của khán giả mà còn hỗ trợ công tác tổ chức. Các thiết bị IoT (Internet of Things) có thể được kết nối với tốc độ cao và độ tin cậy lớn hơn, giúp ban tổ chức giám sát hiệu quả an ninh, quản lý đám đông và điều phối hoạt động trong sự kiện. Từ việc quản lý ánh sáng, âm thanh, cho đến điều khiển nhiệt độ, tất cả đều có thể được tích hợp và điều chỉnh tự động, giúp tiết kiệm chi phí và nguồn lực.
Backstage News