Mọi cuộc đổ vỡ, tố tụng giữa nghệ sĩ và công ty quản lý đều bắt nguồn từ những ảnh hưởng về lợi ích mà mỗi bên đều cho rằng bản thân mình xứng đáng được hưởng.
Mạng xã hội bùng nổ dẫn đến ngành công nghiệp giải trí cũng phát triển mạnh mẽ. Từ đây, nhiều bạn trẻ đã tìm cơ hội hợp tác với các công ty “lò luyện” để trở thành ca sĩ, ngôi sao. Nhưng… mọi việc lại không hề dễ dàng. Vì những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình hợp tác, nhiều ca sĩ đã chọn cách rời bỏ đơn vị quản lý hoặc tố cáo, thậm chí khởi kiện công ty ra tòa.
Ca sĩ tố công ty quản lý
Mới đây, 33 tấm ảnh tố cáo gây “chấn động” từ ca sĩ Sofia (tên thật Đan Trang) đến nhạc sĩ Châu Đăng Khoa và Công ty quản lý nghệ sĩ Superbrothers đã nhanh chóng gây xôn xao dư luận với những thông tin chưa từng được tiết lộ. Sofia cho biết cô đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa. Song, đến nay, phía Công ty Superbrothers đã liên tiếp có các hành động mà theo Sofia là “chèn ép con đường sống, cản trở con đường âm nhạc sắp tới” của cô.
“Mình không thể chịu nổi nữa. Mình cũng chỉ là con người thôi và cũng có giới hạn của mình. Sofia quyết định sẽ đứng lên đấu tranh cho chính mình và nói rõ hết tất cả sự việc cho mọi người nghe, dù là chuyện Sofia làm đúng hay làm sai. Sofia cũng sẽ đối mặt với hậu quả của mình và chia sẻ thật tâm nhất” – ca sĩ Sofia lên tiếng.
Sofia tiết lộ người quản lý V.Q liên tục quấy nhiễu các bầu show tại Úc khi họ có lời mời cô biểu diễn. Cô đã chỉ ra những lỗi sai trong cách làm việc của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa và người quản lý. Sofia cũng nói về việc bị Châu Đăng Khoa tặng “hàng fake” cùng rất nhiều thông tin thiếu minh bạch về tài chính, lương bổng, cát-xê. Sofia cho biết suốt 3 năm đi hát, cô chưa bao giờ chạm tay vào hợp đồng.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa và Công ty SuperBrothers của anh gặp tình huống tố cáo. Trước đó, ca sĩ Orange với Châu Đăng Khoa từng có những ồn ào kéo dài với tình huống tương tự trường hợp Sofia.
“Cuộc chiến” giữa nghệ sĩ và công ty quản lý như trường hợp của Châu Đăng Khoa cũng không phải là mới. Ca sĩ Miko Lan Trinh từng kiện Công ty Amigo của ông bầu Hoàng Vũ vì cho rằng Amigo đã không thực hiện đúng cam kết như bản chiến lược trị giá 35.000 USD. Theo nữ ca sĩ, album mà công ty thực hiện cho cô đều dùng “nhạc lậu”, vi phạm quyền tác giả. Tuy nhiên, phía Amigo phản tố, kiện nữ ca sĩ này và đòi bồi thường 450 triệu đồng.
Hay cuộc chiến pháp lý của Jack và K-ICM với công ty quản lý cũng từng hao tốn không ít giấy mực của truyền thông. Đến nay, cả hai đều có công ty quản lý mới hoặc tự quản lý chính mình.
Từ đâu mà dẫn đến đổ vỡ, tố tụng?
Dù người trong cuộc đều tránh nói về những bất đồng, mâu thuẫn trong quá trình hợp tác nhưng những nguồn tin hậu trường cho rằng mọi việc đều xuất phát từ kinh tế. Orange tố cáo công ty quản lý do Châu Đăng Khoa làm giám đốc thiếu minh bạch trong vấn đề thu nhập. Khi cô yêu cầu giải thích rõ ràng thì chỉ nhận được sự im lặng.
Trước đó vào năm 2017, nam ca sĩ Erik và công ty ST.319 cũng vướng vào mâu thuẫn xung quanh hợp đồng giữa ca sĩ và công ty quản lý. Theo chia sẻ của Erik, Công ty ST.319 nói chung và ông bầu Aiden nói riêng đã đưa cho nghệ sĩ bản hợp đồng với tỉ lệ ăn chia lợi nhuận là 9:1 (9 phần thuộc về công ty, ca sĩ chỉ được hưởng 1 phần). Sau thời gian dài tranh cãi và tố nhau qua lại, vụ ồn ào khép lại với việc Erik rời khỏi công ty quản lý để phát triển sự nghiệp riêng.
Trong khi đó, Văn Production từng tố Sơn Tùng vi phạm điều khoản hợp đồng. Ca sĩ Sơn Tùng đã “phản pháo” rằng công ty không có kế hoạch để nghệ sĩ phát triển sự nghiệp, thậm chí “cấm” anh lưu diễn trong 6 tháng…
Có thể thấy, “không có tiếng nói chung”, “vi phạm hợp đồng”, “bóc lột”, “bồi thường thiệt hại” hay “không minh bạch chuyện thu nhập” là những cụm từ thường xuyên được nhắc đến trong những vụ chia tay, tố tụng giữa công ty quản lý với nghệ sĩ.
Những người trong cuộc cho rằng ngành công nghiệp giải trí phát triển theo nhu cầu, các công ty và các bạn trẻ tìm cho nhau một cơ hội cộng tác. Khi mọi thứ công nghiệp hóa, bắt buộc sẽ có sự ràng buộc quyền lợi lẫn nhau nên vấn đề tình cảm ít nhiều mất đi. Nghệ sĩ muốn nhanh “hot”, công ty cũng muốn nghệ sĩ thành công để kiếm tiền và đó là áp lực của đôi bên.
“Liên quan đến đầu tư và quản trị con người luôn rất nhạy cảm. Đó là lý do công ty nào cũng đôi lần trải qua những biến cố”, một công ty quản lý nghệ sĩ có tiếng hiện tại (giấu tên) khẳng định.
Bày tỏ về vấn đề này, anh Đặng Nhật Trường thuộc NTT Entertainment, người từng quản lý nam ca sĩ/ rapper Rhyder, nhận định: “Tư duy của một nghệ sĩ chưa thành tựu, chưa tên tuổi và chưa biết mình có thể làm ra tiền với một nghệ sĩ nổi tiếng sẽ rất khác nhau. Những đòi hỏi quyền lợi cao hơn hoặc được công ty khác mời chào với hợp đồng béo bở hơn. Ngược lại, công ty đôi khi cũng có thể quá nôn nóng trong việc kiếm tiền, thiếu minh bạch tiền nong dẫn đến hai bên xích mích.”
Giới chuyên môn nhận định một thực trạng ở Vpop là ít công ty chịu nhìn nhận và thay đổi điều khoản theo từng mốc thành công của nghệ sĩ. Khi đích thân công ty bỏ tiền đào tạo các ngôi sao, ban đầu có thể họ chỉ chi trả tiền lương thực tập sinh. Nhưng về sau khi nghệ sĩ đã phát triển và thành công hơn, các công ty cũng cần thay đổi chính sách về quyền lợi đôi bên. Thậm chí khi nghệ sĩ lên tầm sao lớn và là “con gà đẻ trứng vàng”, công ty cần có chế độ tốt để giữ chân.
Nói về vấn đề hợp tác, ăn chia giữa nghệ sĩ và công ty quản lý, anh Cường Chu (công ty quản lý ca – nhạc sĩ Tăng Duy Tân) cho rằng: “Mấu chốt đã là công việc thì ta nên thẳng thắn chia sẻ, nói chuyện cùng nhau và hiểu nhau. Nghệ thuật lại là việc khá nhạy cảm khi nhận được sự quan tâm từ nhiều người và người làm nghệ thuật khá cảm xúc. Do đó, sự minh bạch, rõ ràng càng cần thiết.”
Backstage News
Theo Báo Người Lao Động