Trong thời đại 4.0, điện thoại có thể coi là vật “bất ly thân” đối với nhiều người nhưng ở trong một vài trường hợp, cụ thể là đi xem concert thì nó sẽ ảnh hưởng tương đối nhiều.
Trong thời đại mà mạng xã hội đang phổ biến rộng rãi thì việc khán giả quay chụp tại sự kiện cũng trở nên nhiều hơn. Không thể phủ nhận được rằng những nền tảng như Tiktok và Instagram đã giúp cho các buổi hòa nhạc trở nên nổi tiếng hơn, các video review của khán giả cũng góp phần quảng bá và thu hút khán giả đến với concert nhưng dường như các nghệ sĩ lại cảm thấy không được thoải mái với điều này.
Có thể lấy dẫn chứng từ Beyoncé, Bruno Mars hay Coldplay, những nghệ sĩ này đã phải rất cố gắng khuyến khích khán giả hãy bỏ điện thoại xuống để không khí concert có thể trở nên bùng nổ hơn. Điều này là hoàn toàn có cơ sở, theo nghiên cứu của Study Breaks Magazine, phần lớn người hâm mộ thay vì nhảy theo nhạc hoặc hát theo, họ sẽ cố gắng để tìm được “view đẹp” để có thể quay video, từ đó tình trạng xô đẩy cũng diễn ra nhiều hơn. Thêm vào đó, việc khán giả đăng video cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tính bất ngờ của sự kiện, đặc biệt là những sự kiện diễn ra trong nhiều ngày.
Giáo sư Christine Van Winkle của Đại học Manitoba, người đang nghiên cứu hành vi sử dụng điện thoại tại concert chia sẻ trên CTV News: “Nó thực sự có tác động bất lợi đến trải nghiệm mà bạn có được khi tham dự một sự kiện” cô khẳng định.
Trong 5 năm nghiên cứu của Van Winkle, cô phát hiện ra rằng thói quen sử dụng điện thoại di động phổ biến đến mức mọi người sử dụng chúng ngay cả khi họ không có ý định sử dụng.
Cô giải thích: ”Chúng tôi đã thử trải nghiệm làm người đi tham dự buổi hòa nhạc và nhận thấy rằng mọi người bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng điện thoại di động của người khác. Vì vậy, nếu một người nhấc điện thoại lên để đăng lên mạng xã hội, thì những người xung quanh cũng sẽ sử dụng điện thoại của họ ngay cả khi họ không có nhu cầu. Chỉ hành vi để mọi người xung quanh sử dụng điện thoại đã khiến họ bắt đầu sử dụng điện thoại của mình vì vậy lượng người sử dụng điện thoại cứ thế mà nhân lên”.
“Làn sóng điện thoại” tại concert không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc của nghệ sĩ mà còn với những khán giả không sử dụng điện thoại. Vụ việc nổi tiếng nhất là trong concert của BLACKPINK tại Singapore, một khán giả có tên là Joey đã tỏ ra phẫn nộ trên mạng xã hội khi đã cất công bỏ tiền đi xem nhưng khi đến thì cô phải bất đắc dĩ…xem qua điện thoại, khi đã nhắc nhở những người dùng điện thoại thì cô nhận lại câu trả lời khá thờ ờ: “Bọn tôi đã bỏ tiền xem concert nên có quyền”.
Thậm chí chính Jennie cũng thấy bất lực, nữ ca sĩ nói trong buổi diễn: “Hôm nay tôi nhìn thấy nhiều điện thoại di động hơn là khuôn mặt. Tôi không biết mình có thích điều đó không”.
Việc chăm chú quay chụp video chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc xem concert vì khi hét hay nhảy thì khung hình bị rung dẫn đến không đẹp vì vậy một số khán giả chấp nhận đứng im trong một tiết mục hoặc thậm chí cả concert để quay, vì vậy khi xem xong thì họ sẽ dễ cảm thấy chương trình bị nhạt.
Theo một khảo sát do Eventbrite ủy quyền vào năm 2018, một nửa khán giả tham dự sự kiện thừa nhận họ đã dùng điện thoại khi tham gia các buổi hòa nhạc. Cứ tưởng sau dịch Covid-19, mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn bởi mọi người đã phải ở nhà và sử dụng điện thoại quá lâu, nhưng thực tế không phải như vậy.
Thực tế việc sử dụng điện thoại tại sự kiện là không cấm, thậm chí các nghệ sĩ cũng cố để làm quen điều này khi mang điện thoại ra selfie cùng khán giả nhưng tựu chung lại, thì việc trải nghiệm bằng những giác quan thật vẫn tốt hơn nhiều so với việc xem concert trực tiếp qua màn hình điện thoại.
Backstage News
Nguồn tổng hợp