Việc các nghệ sĩ đột ngột hủy tour diễn của mình đã không còn là điều quá xa lạ nhưng sau khi hủy thì họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách.
Vào cuối tháng 5, nhóm nhạc The Black Keys thông báo rằng họ sẽ tạm dừng chuyến lưu diễn Bắc Mỹ sắp tới và lên kế hoạch mang đến cho người hâm mộ một “trải nghiệm thân mật” hơn những sân vận động mà họ đã lên kế hoạch trước đó. Sau đó vài ngày, Jennifer Lopez cũng tuyên bố hủy chuyến lưu diễn This Is Me…Live với lý do dành thời gian bên gia đình nhiều hơn.
Hiện tượng hủy tour không phải là mới, trong vài năm qua, các tên tuổi lớn như Madonna hay Jonas Brothers cũng hủy show diễn hay ít nhất là lên lịch lại.
Khi một buổi biểu diễn bị hủy, các nghệ sĩ và nhà quảng bá của họ (bao gồm cả “những gã khổng lồ” trong ngành giải trí như Live Nation Entertainment và AEG Presents) thường nói với người hâm mộ rằng số tiền họ đã mua vé sẽ tự động được hoàn trả nhưng số tiền còn lại trong việc làm tour sẽ ra sao?
Theo Paul Bassman, giám đốc điều hành của Higginbotham Insurance, các nghệ sĩ và ekip của họ đã mua hợp đồng bảo hiểm hủy các chuyến lưu diễn lớn trước để bảo vệ nghệ sĩ khỏi tổn hại tài chính nếu chuyến lưu diễn bị hủy.
Các chính sách này thường được coi là chính sách “tất cả rủi ro” (all risk), nghĩa là chúng bao gồm việc hủy vì bất kỳ lý do nào, ngoại trừ những lý do hủy không có trong điều khoản.
“Nói chung, việc hủy bỏ tour diễn sẽ được bảo hiểm,” anh giải thích với PEOPLE. “Các lý do cá nhân thường không phải là nguyên nhân gây ra tổn thất được cấp bảo hiểm, trừ khi lý do cá nhân đó bị ốm đau, bệnh tật hoặc một thành viên thân thiết trong gia đình có tên trong hợp đồng đã mất”.
Các lý do y tế và trường hợp khẩn cấp trong gia đình thường được bảo hiểm nhưng việc hủy buổi biểu diễn do lượng vé bán ra thấp thì không. Tuy nhiên, đối với các buổi hòa nhạc, bảo hiểm thường sẽ chi trả từ 75 đến 80% khoản phí đảm bảo mà nhà quảng bá đã trả cho nghệ sĩ.
Ông nói: “Họ thường giới hạn số tiền mà bạn có thể chi trả theo chính sách của họ để nghệ sĩ không đặt mình vào vị trí tốt hơn so với trước đây. Họ đảm bảo một tỷ lệ phần trăm cho bệnh tật, cái chết hoặc bất kỳ lý do nào sẽ không bị loại trừ theo chính sách. Số tiền bảo hiểm là số tiền trả cho các vũ công, dàn dựng và những chiếc xe buýt mà bạn đã thuê, những chiếc máy bay bạn đã thuê, hoặc bất cứ thứ gì có thể. Tất cả đều xuất phát từ số tiền mà các hãng bảo hiểm đưa cho bạn”.
Nhưng những gì bảo hiểm không chi trả không nhất thiết là do nghệ sĩ tự bỏ ra. Live Nation hoặc một nhà quảng bá khác thường sẽ là người chịu một số chi phí.
Anh ấy nói: “Phần lớn, nếu buổi biểu diễn bị hủy, thì bạn sẽ tự trang trải các chi phí của mình. Có thể có một điều khoản trong đó nói rằng nếu tour bị hủy trong vòng 30 ngày kể từ buổi biểu diễn thì bạn phải trang trải chi phí cho chúng tôi. Nhưng nó còn tùy thuộc vào thỏa thuận với nhà quảng bá nữa”.
Bassman nói, đôi khi, những người quảng bá sẽ cắt lỗ nếu một buổi biểu diễn không bán chạy thì việc chọn tính phí tiêu diệt (a free kill) để tiết kiệm tiền về lâu dài.
“Ví dụ, nếu tôi có 50 triệu đô bảo lãnh cho một nghệ sĩ nhưng chuyến lưu diễn không bán được vé và tôi không muốn tiếp tục nữa nên tôi sẽ nộp “phí tiêu diệt” tour với giá từ 10 đến 15 triệu đô la. Sẽ rất đau đớn khi phải hủy tour diễn nhưng còn đỡ hơn mất 50 triệu”.
Mặc dù việc hủy bỏ vào phút cuối có thể gây khó khăn cho một địa điểm, nhưng đó không phải lúc nào cũng là “ngày tận thế”. Đôi khi, địa điểm và người tổ chức đồng ý hợp tác, trong đó mỗi người sẽ chịu thiệt và được lợi như nhau, còn những lúc khác, họ sẽ chỉ thuê địa điểm với một khoản phí cố định, không hoàn lại.
Bassman giải thích: “Kiểu như, bạn đang trả cho chúng tôi 100.000 đô la, 200.000 đô la hoặc bất kỳ khoản phí thuê nào, bạn bắt buộc phải trả cho chúng tôi số tiền này và không hoàn lại. Nên dù có mưa to gió lớn ra sao thì họ cũng không cảm thấy ái ngại lắm vì họ đã nhận được tiền rồi”.
Tuy nhiên, địa điểm sẽ mất đi các tiện ích phụ trợ như bãi đậu xe và nhượng quyền. Một báo cáo của Wall Street Journal vào tháng 10 năm ngoái ước tính rằng việc hủy bỏ đột ngột có thể khiến nhà thi đấu thiệt hại doanh thu khoảng 500.000 USD, trong khi một buổi biểu diễn ở sân vận động bị hủy có thể tiêu tốn 1 triệu USD trở lên.
Về cách quyết định nơi nghệ sĩ sẽ biểu diễn trong chuyến lưu diễn, cho dù đó là rạp hát nhỏ hay đấu trường lớn hơn, đó là sự hợp tác giữa người quản lý nghệ sĩ, đại lý đặt vé và nhà quảng bá.
“Họ cùng nhau quyết định xem họ sẽ tổ chức ở địa điểm với quy mô như nào, giá vé sẽ là bao nhiêu. Nó giống như việc ném phi tiêu may rủi, đôi khi đó là lựa chọn đúng, đôi khi đó là lựa chọn sai ảnh hưởng đến chất lượng của cả tour diễn”.
Backstage News