Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21/8, từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa đã có những đề cập đáng chú ý về việc phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Theo ông Phạm Văn Hòa, mô hình du lịch đêm đã được cho rắt mắt tại nhiều thành phố nhưng chất lượng vẫn chưa được tốt: “Thực tế các sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, chỉ là đi bộ, ẩm thực, bán nhu yếu phẩm sơ sài, hoặc hoạt động nghệ thuật giải trí, mà lại đêm có, đêm không, chủ yếu vào thứ Bảy, Chủ nhật”, ông Hòa nói.
Ông hỏi bộ trưởng về chính sách để du lịch đêm phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng, phong phú, và giải trí lạnh mạnh, giữ chân du khách qua đêm để kích cầu.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có đề án về sản phẩm du lịch đêm, trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu dựa trên các yếu tố quy hoạch, đánh giá thị trường để tính toán các dòng sản phẩm.
“Tôi đã nói, có nhiều địa phương không làm thì thiếu, mà làm thì thừa, làm thì du khách không đến. Nhưng trách nhiệm chính là chủ tịch UBND các tỉnh, HĐND các tỉnh chứ không phải Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch”, ông Hùng nói và nêu rõ, “bộ không thể làm sản phẩm du lịch cho TP nào được”, mà bộ chỉ gợi ý cho các địa phương.
Bộ trưởng Hùng lấy ví dụ Bộ gợi ý TP.HCM dựa trên tài nguyên sông nước và dòng sản phẩm chủ lưu là kết hợp sông Sài Gòn kết nối thương cảng để tạo ra dòng sản phẩm. Trên cơ sở như vậy, TP.HCM nghiên cứu và tạo ra tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ kết nối các sản phẩm trên dòng sông để có nơi cho du khách đến.
“Tôi nghĩ mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo, như tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị 08 của Chính phủ và Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc, buộc địa phương phải suy nghĩ. Còn hỏi Bộ trưởng đi làm du lịch đêm thì chúng tôi có đề án, có khung rồi, gợi ý cách làm rồi, còn chúng tôi không làm thay cho địa phương được”, ông Hùng trả lời đại biểu.
Cũng liên quan đến phát triển du lịch đêm, tại báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Hùng cho biết, trên cơ sở Đề án phát triển du lịch đêm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, nhiều tỉnh/thành phố đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, trong đó trọng tâm là hoạt động du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Một số sản phẩm du lịch đêm được đưa vào khai thác, như tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học”, “Đêm Hà Nội – Điểm chạm của những xúc cảm”, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (Hà Nội); “Phố đêm du thuyền Hạ Long” (Quảng Ninh); tour đêm phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình), “Quận 1 – Sắc màu đêm” (TP.HCM)…
Các sản phẩm trên cùng với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại, các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố… đã tạo ấn tượng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, theo Bộ trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ nếu không có nhiều giải pháp quyết liệt thì một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ bắt đầu “khép lại”, bởi đầu vào không có.
“Muốn đào tạo phải có đầu vào, có nhu cầu các cơ sở mới tuyển sinh được”, theo lời Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ông cho hay, Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường của bộ.
Về giải pháp lâu dài, căn cơ, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải giữ, lưu truyền.
Liên quan đến mối quan hệ giữa du lịch với văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng “du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa”. Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa.
“Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa, chúng tôi mong muốn tập trung khai thác giá trị văn hóa truyền thống, bản địa để thu hút du lịch. Cách làm này nhiều địa phương làm tốt”, ông Hùng nói và dẫn chứng một số điểm du lịch ở Hòa Bình, Điện Biên đã dựa trên văn hóa ẩm thực, văn hóa bản địa để thu hút khách.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, phải kết hợp hài hòa giữa du lịch và văn hóa chứ không phải khai thác tối ưu lợi thế văn hóa, phát huy tài nguyên văn hóa thành tài nguyên du lịch.
Backstage News