Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) là sự kiện thể thao lớn nhất mà nước chủ nhà Campuchia lần đầu đăng cai tổ chức. Ngày 5/5, lễ khai mạc SEA Games 32 đã chính thức diễn ra tại sân vận động Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Ngày 4/6/2015, Campuchia đã chính thức được quyết định trở thành nước chủ nhà đăng cai SEA Games 32. SEA Games 32 được hứa hẹn trở thành một kỳ đại hội thể thao với những bước tiến mang “tiêu chuẩn Olympic”. Vậy nước chủ nhà Campuchia đã chuẩn bị những gì trong lần đầu đăng cai sự kiện thể thao lớn như này?
Nội dung
Địa điểm tổ chức trị giá hàng trăm triệu đô
SEA Games 32 diễn ra từ ngày 5/5 đến 17/5 tại các các địa điểm tại quốc gia Campuchia gồm:
- Thủ đô Phnom Penh: Trong đó có sân vận động quốc gia Morodok Techo, sân vận động quốc gia Olympic và Trung tâm Hội nghị và triển lãm quốc tế Chroy Changvar.
- 04 tỉnh/ thành phố khác của Campuchia gồm: Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot và Kep.
Sân vận động quốc gia Morodok Techo là công trình trọng điểm cho SEA Games 32, là nơi diễn ra Lễ khai mạc và Bế mạc với “tiêu chuẩn Olympic”. Morodok Techo nhìn xa như một “du thuyền” với 2 mũi thuyền có độ cao 99m. Sân vận động này có sức chứa lên tới 60.000 chỗ ngồi. Chi phí xây dựng Morodok Techo được biết khoảng 168 triệu USD (gần 4.000 tỷ đồng).
>> Đọc thêm: Sân vận động SEA Games 32 trị giá 160 triệu đô
Logo SEA Games 32: Tự hào lịch sử & Đoàn kết khu vực
Logo SEA Games Campuchia 2023 lấy cảm hứng từ lịch sử và di sản nổi bật của Vương quốc này – đền Angkor Wat. Di sản thế giới được UNESCO công nhận không chỉ là biểu tượng của quốc gia mà còn là niềm tự hào của người dân Campuchia.
Màu vàng kim làm màu chủ đạo tượng trưng cho sự giàu có, sức khỏe và hạnh phúc tiến bộ không ngừng.
Những con rồng (naga) phía dưới đại diện cho người bảo vệ và mang lại sự ổn định cho Campuchia. Bốn naga với 4 màu cuốn vào nhau đại diện cho sự đa dạng và đoàn kết của cộng đồng Đông Nam Á.
Linh vật Thỏ trắng: Bình đẳng giới trong thể thao
Linh vật của kỳ SEA Games 32 là hai chú thỏ trắng, lần lượt là Borey (Thỏ đực) và Romdoul (Thỏ cái) trong trang phục võ thuật truyền thống Bokator. Trong văn hóa tín ngưỡng Campuchia, Borey tượng trưng cho sự gắn kết, còn Romdoul đại diện cho quốc hoa – vẻ đẹp của “Xứ sở Chùa Tháp”.
Trong văn hóa Khmer, thỏ trắng vừa là biểu tượng tôn giáo vừa tượng trưng cho công lý, hạnh phúc và may mắn, vừa đại diện cho tố chất lanh lợi và mưu trí cùng khả năng ứng phó vượt qua hoàn cảnh.
Còn Bokator là một môn võ thuật cổ xưa của người Khmer, đại diện cho sự thông minh, nhanh nhẹn và chính trực, cũng là tôn chỉ trong lần đại hội này của Campuchia.
Khẩu hiệu “Sports – Live in peace”
“Sports – Live in peace” (Thể thao – Sống trong hòa bình) là khẩu hiệu chính thức được nước chủ nhà Campuchia lựa chọn cho kỳ đại hội lần đầu tổ chức. Thông điệp được lấy cảm hứng từ những người Campuchia hiện đang tận hưởng hòa bình và ổn định vương quốc. Thể thao sẽ là chất xúc tác cho sự chuyển đổi kinh tế và xã hội cho quốc gia này.
Tea Banh – Chủ tịch Ủy ban tổ chức SEA Games (CAMSOC) chia sẻ:
Với tư cách là nước chủ nhà, Campuchia luôn kiên định trên các nguyên tắc hợp tác, hòa bình và bình đẳng. Chúng tôi sẽ sử dụng thiện chí của mình để xây dựng một vận mệnh chung nhằm duy trì hòa bình và phát triển trong khu vực.
Bài hát chủ đề phá kỷ lục về lượt xem trên Youtube
“Cambodian Pride” (Niềm tự hào Campuchia) là bài hát chính thức của SEA Games 32. MV ca khúc giới thiệu tới khán giả Đông Nam Á những địa điểm nổi tiếng của đất nước và những môn thể thao của giải đấu, nổi bật là Kun Khmer – môn võ truyền thống của Campuchia.
Kể từ khi được phát hành vào ngày 10/4, bài hát đã nhanh chóng gây “sốt” trên Youtube. Chỉ sau 10 ngày, MV ca khúc đã đạt hơn 50 triệu lượt xem. Trong lịch sử SEA Games, chưa bài hát chủ đề nào đạt được số lượt xem nhiều như vậy trên YouTube.
Xuất hiện môn thi đấu mới với quy định “lạ”
Kỳ SEA Games năm nay diễn ra tổng 37 bộ môn với 586 nội dung (trong đó có Teqball là môn trình diễn và không tranh huy chương). Năm nay, Campuchia đã quyết định gạch tên một số môn như bắn súng, đấu kiếm, bắn cung, rowing, canoeing. Thay vào đó, những môn thi đấu địa phương như Kun Bokator, võ Khmer,… được đưa vào nhằm quảng bá văn hoá truyền thống Campuchia.
Một điều rất đặc biệt là Campuchia đưa ra quy định rất lạ lùng: Chỉ các VĐV chủ nhà mới được tham gia 100% vào các môn thể thao đối kháng hoặc võ thuật, còn các nước khác phải cân nhắc phân chia lực lượng thi đấu tối đa 70% nội dung. Đây được xem là quy định chưa từng có của bất kỳ mùa SEA Games nào.
Ban tổ chức đã chuẩn bị 5151 huy chương các loại để trao cho các vận động viên đạt thành tích cao ở các nội dung của từng môn thể thao tại SEA Games 32.
Toàn bộ 11 quốc gia tham dự SEA Games 32
SEA Games 32 năm nay thu hút tất cả các nước thành viên Đông Nam Á tham gia. Cụ thể gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Timor Leste và Việt Nam.
Đột phá trong công tác tổ chức SEA Games 32
SEA Games 32 là sự kiện thể thao lịch sử sau 64 năm chờ đợi của người dân Campuchia. Đó cũng là lý do quốc gia này đã và đang nỗ lực tạo nên một kỳ SEA Games ấn tượng trong lần đầu tiên đăng cai của mình.
– Nước chủ nhà Campuchia đã quyết định miễn phí vé vào xem toàn bộ các môn thi đấu và bản quyền truyền hình của sự kiện này; miễn phí ăn uống, dịch vụ, chỗ ở, di chuyển với 11 đoàn thể thao và miễn phí dịch vụ y tế và cấp cứu tại kỳ đại hội thể thao lần này.
Phó Chủ tịch kiêm thành viên Ủy ban Olympic Campuchia, ông Vath Chamroeun nói:
Đấy là những quyết định mang tính đột phá, lịch sử của SEA Games.
– BTC Campuchia khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm báo chí mới dưới sự chủ trì của ông Khieu Kanharith – Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia. Trung tâm này được mở ra chỉ phục vụ cho việc đưa tin về SEA Games 32.
– Trong đại hội có sự tham gia hỗ trợ của khoảng 5.000 tình nguyện viên. Tất cả đều được Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia (UYFC) tuyển chọn và đào tạo.
– Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra với nhiều điểm nhấn cùng sự góp mặt của khoảng 1.000 nghệ sĩ, 2.000 vận động viên và binh sĩ các đoàn tham dự. Buổi lễ mang tới những màn trình diễn nghệ thuật đỉnh cao với bữa tiệc âm thanh, ánh sáng, dưới sự hỗ trợ từ các công nghệ biểu diễn nghệ thuật hiện đại. Màn rước đuốc và châm đuốc được xem là quy mô và ấn tượng chưa từng có ở bất kỳ đại hội SEA Games nào.
Tổng Thư ký Ban tổ chức SEA Games 32 (CAMSOC) Vath Chamroeun nhấn mạnh:
Bên cạnh lễ khai mạc và bế mạc hứa hẹn đầy ấn tượng, Ban tổ chức tin tưởng nước chủ nhà Campuchia sẽ đảm bảo tốt khâu kỹ thuật và các địa điểm thi đấu để các vận động viên có thể tham gia tranh tài suôn sẻ.
Backstage VN