Việc tích hợp công nghệ VR đã giúp trải nghiệm của khách tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã gây ấn tượng với quy mô hoành tráng, không gian đậm chất sử thi, nơi lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Ngoài trưng bày 150.000 hiện vật, bảo tàng còn thu hút du khách khi đem tới những trải nghiệm khác biệt khi tích hợp công nghệ 3D, thực tế ảo (VR).
Thực tế việc tích hợp công nghệ vào các bảo tàng tại Việt Nam là điều không còn mấy xa lạ nhưng cách Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tạo nên các không gian tương tác có phần sinh động và khác biệt hơn.
Thay vì chỉ nhìn thấy hình ảnh qua sách báo hoặc màn hình, việc được chạm vào, sờ vào một số hiện vật giúp du khách cảm nhận được rõ và dễ dàng hình dung ra cách người xưa sử dụng các vật dụng này.
Thêm vào đó các công nghệ sa bàn 3D mapping, màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật; cùng với hơn 60 video clip sẽ giúp giới thiệu các chiến dịch, trận đánh và nhân vật lịch sử một cách chân thực nhất có thể.
Không chỉ vậy, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng gây sốt khi là bảo tàng đầu tiên lắp đặt một booth trải nghiệm chơi game. Khách tham quan sẽ ngồi trong một cái khoang chỉ huy xe tăng giả lập và trải nghiệm ngồi xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Điều này đặc biệt hữu ích cho các thế hệ trẻ khi họ có thể khám phá quá khứ một cách thực tế, từ đó xây dựng lòng tự hào dân tộc và sự biết ơn đối với những hy sinh của thế hệ đi trước. Thêm vào đó, với cách tiếp cận tương tác và thú vị, bảo tàng thu hút thêm nhiều người tham quan, khiến lịch sử trở nên gần gũi và dễ tiếp nhận.
Có thể thấy, cái thành công của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là kết hợp hài hòa giữa công nghệ và nội dung để hai yếu tố này luôn đi song song hỗ trợ nhau, điều nghe chừng rất dễ nhưng nhiều bảo tàng hiện vẫn chưa thực hiện được.
Bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, là nơi lưu giữ các tư liệu hiện vật có giá trị, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc. Thế nhưng, một thời gian dài, hệ thống bảo tàng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khách tham quan, đặc biệt là sau giai đoạn dịch Covid-19. Thời gian gần đây, nhiều bảo tàng đang tìm hướng đi mới thông qua nhiều phương thức, trong đó nổi bật nhất là chuyển đổi số.
Tuy nhiên, hiện không ít bảo tàng vẫn còn chậm thay đổi, không phải là ở vấn đề chuyển đổi số hay áp dụng công nghệ mà là ở lối tư duy, đại diện một bảo tàng tại Hà Nội chia sẻ với Sở Thông tin và Truyền thông: “Có bảo tàng xây dựng đủ loại hình số hóa, từ bảo tàng ảo trên website, đến hệ thống hướng dẫn điện tử tại chỗ… Tuy nhiên, bản chất nội dung thông tin về sản phẩm của bảo tàng vẫn lấy nguyên như trước đây. Kết quả là dù ở môi trường ảo hay tham quan thực tế, lượng thông tin khách tham quan tiếp nhận vẫn nghèo nàn, kém đa dạng như lâu nay”.
Công nghệ là yếu tố không thể thiếu khi nói về chuyển đổi số trong bất kỳ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, nếu chỉ có công nghệ vẫn chưa đủ để phát huy hết khả năng của bảo tàng và giá trị của di sản…
Việc ứng dụng công nghệ và tìm mô hình thích hợp với nội dung của bảo tàng là bài toán không dễ, bởi công nghệ sẽ phát triển không ngừng nhưng nội dung đưa vào đó vẫn giậm chân tại chỗ thì không thể tạo được sức bật để bảo tàng phát huy thế mạnh. Đối với bảo tàng, bản sắc và sức hấp dẫn tự thân là yếu tố chủ đạo, nội dung không có thì dẫu là công nghệ hiện đại hay truyền thông hàng đầu cũng khó lòng hỗ trợ đường dài.
Với việc sở hữu một kho tàng dữ liệu lịch sử “khổng lồ” cùng sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ nâng cao khả năng giáo dục mà còn tạo ra một không gian sống động, giúp người tham quan cảm nhận được tinh thần và ý nghĩa lịch sử sâu sắc của đất nước.
Tuy nhiên thì nơi đây vẫn còn những khuyết điểm như một số bốt thông tin điện tử cung cấp thông tin chi tiết về lịch sử, nguồn gốc của các hiện vật thỉnh thoảng gặp trục trặc về kỹ thuật, khiến du khách gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin nhưng việc xuất hiện những hạn chế trong thời gian đầu mở cửa là không thể tránh khỏi và nơi đây hoàn toàn có thể cải thiện trong thời gian tới để trải nghiệm của khách tham quan trở nên tốt hơn.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ mở cửa đón khách cả tuần kể cả các ngày nghỉ lễ, trừ thứ 2 và thứ 6. Buổi sáng từ 8h đến 11h30, buổi chiều từ 13h đến 16h30.
Backstage News