Sân khấu của nghệ sĩ giờ đây đã vượt xa khỏi khuôn khổ của những màn biểu diễn âm nhạc. Họ không chỉ là những người biểu diễn, mà còn đứng lên với vai trò là những nhà hoạt động xã hội, những người truyền cảm hứng và dẫn dắt sự thay đổi.
Trong thời đại toàn cầu hóa, nghệ sĩ có cơ hội đưa âm nhạc của mình đến khắp nơi trên thế giới, phá vỡ ranh giới địa lý và văn hóa. Tuy nhiên, ngoài việc thỏa mãn nhu cầu giải trí của khán giả, nghệ sĩ ngày nay còn đối mặt với một kỳ vọng lớn hơn: trở thành những nhà hoạt động xã hội và có tiếng nói cho quyền lợi của cộng đồng. Người hâm mộ giờ đây không chỉ đòi hỏi nghệ sĩ có sản phẩm âm nhạc tốt hay các màn trình diễn ấn tượng, họ còn mong muốn thần tượng của mình có chính kiến, dám đứng lên đấu tranh vì hòa bình, vì lẽ phải.
Nội dung
Taylor Swift – Lên tiếng vì nghệ sĩ toàn cầu
Taylor Swift là một ví dụ điển hình cho việc nghệ sĩ sử dụng sức ảnh hưởng toàn cầu của mình để đấu tranh cho quyền lợi. Năm 2015, cô đã viết một lá thư yêu cầu Apple trả tiền bản quyền, đảm bảo công bằng cho các nghệ sĩ trong giai đoạn dùng thử miễn phí của Apple Music.
Cô cho biết mình làm điều này không phải vì bản thân, mà vì các nghệ sĩ trẻ – những người nghĩ rằng tiền bản quyền có thể giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Sau khi lá thư được công bố, Apple đã ngay lập tức thay đổi chính sách trả tiền bản quyền của mình.
Ngoài ra, nhiều năm liền Taylor Swift được vinh danh trên trang DoSomething.org. Cô đã hỗ trợ tài chính cho những bệnh nhân ung thư, những nạn nhân của quấy rối tình dục, các tổ chức cứu trợ thiên tai,… trên đường lưu diễn The Eras Tour.
Lady Gaga – Không ngừng vươn lên vì nữ quyền
Từng bị xâm hại tình dục và lên tiếng bảo vệ những người phụ nữ bị quấy rối, Lady Gaga là một trong những biểu tượng cho những người phụ nữ không ngừng vươn lên chống lại bất công trong xã hội. Chất nữ quyền của giọng ca “Telephone” nằm ở ca từ và phong cách thời trang của chính cô.
“Born this way”, “Alejandro” đều là những ca khúc ý nghĩa mà Lady Gaga muốn gửi đến cộng đồng LGBT đang chật vật với những ánh nhìn kỳ thị của xã hội. Ngoài ra, nữ ca sĩ đã sáng lập Born This Way Foundation, tập trung vào quyền LGBTQ+, nhận thức về sức khỏe tâm thần và trao quyền cho giới trẻ.
Beyoncé, Ariana Grande – Đại diện cho sự bình đẳng
Beyoncé không chỉ là một nghệ sĩ toàn cầu tài năng mà còn là một biểu tượng cho sự đa dạng và bình đẳng. Cô thường xuyên sử dụng nền tảng của mình để lên tiếng về các vấn đề xã hội như bình đẳng giới, quyền lợi của người da màu và nữ quyền. Các ca khúc như “Me”, “Myself and I”, “Irreplaceable”… đều tôn vinh người phụ nữ mạnh mẽ, quyền lực và gợi cảm.
Tương tự, Ariana Grande cũng sử dụng mạng xã hội của mình để vận động cho bình đẳng giới, bình đẳng chủng tộc và quyền của cộng đồng LGBT. MV “God Is A Woman” của cô từng trở thành tâm điểm của truyền thông với nội dung tôn vinh quyền lực của phụ nữ, là thông điệp mạnh mẽ nhất mà nữ ca sĩ gửi tới công chúng về sự bình đẳng và ngợi ca phụ nữ trong thời đại mới.
Bono (U2) – Đấu tranh cho quyền con người
Bono, giọng ca chính của ban nhạc U2, đồng thời được biết đến là một nhà hoạt động nổi tiếng trong cuộc chiến chống lại AIDS và tình trạng nghèo đói cùng cực ở Châu Phi. Ông là người đồng sáng lập ONE, một tổ chức 9 triệu thành viên luôn không ngừng vận động các nguyên thủ quốc gia và các thành viên của cơ quan lập pháp trên khắp thế giới nghiêm túc giải quyết thách thức của bệnh tật và nạn đói.
Các cuộc vận động của ONE đã đảm bảo việc thông qua tài trợ cho các chính sách và chương trình của chính phủ, giúp cứu sống hàng chục triệu người trong 10 năm qua.
Billie Eilish, Coldplay – Nâng cao nhận thức về môi trường
Billie Eilish, một trong những nghệ sĩ trẻ nổi tiếng nhất toàn cầu hiện nay, hay Coldplay – ban nhạc Anh Quốc danh tiếng toàn cầu, đã sử dụng sức ảnh hưởng của mình để thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường. Billie Eilish đã hợp tác với Global Citizen tổ chức nhiều sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và truyền cảm hứng cho rất nhiều các bạn trẻ toàn cầu. Trong khi ấy, tour diễn Music of the Spheres của Coldplay đã thiết lập một tiêu chuẩn mới về việc bảo vệ môi trường khi tổ chức concert cho ngành công nghiệp âm nhạc thế giới.
Đọc thêm: Tour diễn của Coldplay được ca ngợi vì đã “thiết lập một tiêu chuẩn mới”
Ngoài những nghệ sĩ trên, rất nhiều những cái tên khác đã tận dụng sức ảnh hưởng “nghệ sĩ toàn cầu” của mình để lên tiếng đấu tranh và bảo vệ cho những giá trị đúng đắn. Có thể kể đến như Miley Cyrus với Happy Hippie Foundation đã hỗ trợ thanh niên vô gia cư và LGBTQ+; Selena Gomez là Đại sứ của UNICEF, tập trung vào quyền trẻ em, giáo dục và phản ứng khẩn cấp;…
Nghệ sĩ Việt: Hát vì quyền lợi cộng đồng
Tại Việt Nam, các nghệ sĩ dù chưa tạo ra những ảnh hưởng toàn cầu lớn như các nghệ sĩ quốc tế nhưng họ đã và đang không ngừng mang những dự án ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng, thông qua chính sản phẩm âm nhạc của mình.
Năm 2023, nam rapper Đen Vâu đã được vinh danh giải thưởng Nghệ sĩ vì cộng đồng tại Lễ trao giải Mai Vàng khi đã dành hơn 400 triệu đồng từ MV “Nấu ăn cho em” đóng góp cho dự án Nuôi Em để nuôi cơm và xây trường cho các em nhỏ vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, MV cũng tạo ra hiệu ứng tích cực lớn, thu hút nhiều khán giả cùng chung tay vào dự án ý nghĩa này.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn gây dấu ấn trong lòng công chúng với dự án “Rừng Việt Nam” được khởi động từ năm 2019 cho đến nay. Đặc biệt, nguồn kinh phí của dự án được trích ra từ những hoạt động nghệ thuật, sản phẩm âm nhạc của chính nam ca sĩ. Ngoài ra, anh còn là đại sứ trong các hoạt động như: Quỹ học bổng Vừ A Dính, thành viên Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM…
Trong khi ấy, nam rapper trẻ Double2T, nữ ca sĩ Hòa Minzy cùng nhiều nghệ sĩ khác chung tay cho dự án “Đánh cắp mặt trời”, mang điện về vùng cao cho bà con người dân tộc thiểu số.
Khi chỗ đứng của các nghệ sĩ càng được đặt lên cao, tiếng nói cho quyền lợi cộng đồng của họ càng được khán giả kỳ vọng và quan tâm hơn bao giờ hết. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, khán giả “dễ yêu” những cũng chẳng “khó ghét”. Một nghệ sĩ dù vô tình hay cố tình “để lộ” những quan điểm, hành động không đúng đắn, công chúng sẵn sàng “quay lưng”. Tất nhiên, mức độ “quay lưng” còn phụ thuộc vào tính nghiêm trọng của vấn đề.
Những cái tên như Seungri (Hàn Quốc), Ngô Diệc Phàm (Trung Quốc) hay mới đây Bruno Mars bị phản đối tổ chức concert tại Malaysia vì có hành động ủng hộ Israel,… là những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự khắt khe của công chúng ngày nay.
Backstage News