Patrick Baltzell đã đảm trách vị trí kỹ sư âm thanh cho sự kiện lớn nhất ở Mỹ là Super Bowl trong nhiều thập kỷ qua. Không chỉ là chuyên gia âm thanh cho Super Bowl, ông còn đảm nhiệm việc thiết kế âm học cho các sự kiện khác như lễ trao giải Grammy, lễ trao giải Oscar hay các buổi lễ tổng thống. Hàng triệu người trên toàn thế giới lẫn những ai ngồi trên khán đài đều dõi theo dự kiện Super Bowl, vỗ tay tung hô các vận động viên, những nghệ sỹ biểu diễn hay người hát bài Quốc ca, tuy nhiên mấy ai biết đến những “chiến binh thầm lặng” đã và đang làm hết sức mình trong nhiều tháng để tùy chỉnh, thiết lập hệ thống âm thanh tầm cỡ sân vận động, cho phép chúng lan tỏa đến bất kỳ ngóc ngách nào 1 cách chi tiết và rõ ràng nhất
Sau đây là bài cuộc trò chuyện với lão làng Patrick Baltzell để bạn đọc có cái nhìn cụ thể hơn về nghề nghiệp của ông.
Quá trình chuẩn bị sẽ bắt đầu như thế nào?
Như 1 công trình xây dựng thôi. Đầu tiên chúng tôi sẽ khảo sát vị trí trước đó khoảng 6 ~ 8 tháng và tính toán chi tiết xem mình sẽ bố trí các thứ cần thiết ở đâu và như thế nào. Vị trí đặt loa và dàn amplifier rất quan trọng và không thể có sai sót, do khi “thực chiến” chúng tôi chỉ có 6 phút để làm điều đó.
6 phút ư?
Đúng vậy. Khoảng nghỉ giữa 2 hiệp của trận bóng sẽ vào khoảng từ 6 ~ 7 phút và đây là khoảng thời gian duy nhất để xây dựng cho cả show trên sân. Chúng tôi sẽ có được sự trợ giúp của các kỹ sư riêng làm việc tại sân để khoan đục và đi dây cho đúng. Ở 1 trận cầu bình thường người ta sẽ cần 2 phát thanh viên, tuy nhiên do Super Bowl phục vụ đến 180 quốc gia và 25 ngôn ngữ vì vậy sẽ cần đến 25 phát thanh viên để thông dịch cùng lúc nhiều thứ tiếng. Nói đơn giản hơn thì phải làm sao để tôi có thể nắm quyền điều khiển tất cả các hệ thống loa cho bài quốc ca, show giữa giờ, và sau đó là chuyển về trận bóng, trọng tài, các thông báo hay nhiều thứ linh tinh nữa.
Những nghệ sỹ biểu diễn thường sẽ hát nhép đúng không?
Sai. Các giọng lead vocal luôn là hát thực, duy chỉ có phần nhạc nền là được thu trước. Vì lẽ đó, trong 6 phút chúng tôi phải kết nối hoàn hảo đến tất cả các nhạc cụ như trống, guitar, keyboard… Các ban nhạc là phức tạp nhất còn các nghệ sỹ solo thì dễ dàng hơn 1 chút.
Có nghĩa là phải thay đổi tùy lúc?
Đúng vậy. Nhiều nghệ sỹ rất thích hát ngẫu hứng. Mỗi lần họ hát là mỗi lần khác nhau nên nếu sử dụng bản thu trước mà không khớp với miệng hát lúc cận cảnh camera thì sẽ xấu hổ lắm.
Tuy nhiên cũng nên có giọng vocal trong track để đề phòng chứ?
Phải rồi, và chúng tôi gọi đây là các “track phòng hờ”. Đây là thứ để phòng khi có những việc không ngờ tới như ca sỹ quá run hay có vấn đề gì đó về sức khỏe ngay trước giờ biểu diễn. Chúng rất ít khi được dùng mà như nói trên, chỉ để “phòng hờ” mà thôi.
Có khi nào bị phát hiện chưa?
Trời ơi, dĩ nhiên là có. Lần đó chúng tôi phải chịu chỉ trích rất nặng khi Christina Aguilera quên lời hát và đám phóng viên cứ xoáy vào việc này không thôi. Sau đó chúng tôi càng phải chuẩn bị nhiều hơn cũng như phải chắc chắn được là không thể để các lỗi lầm diễn ra thêm 1 lần nào nữa. Đội ngũ chế tác kịch bản gặp gỡ trực tiếp với các nghệ sỹ, nhà sản xuất và phía NFL để đưa ra quyết định cuối cùng có làm show hay không. Cả show chỉ kéo dài trong 14 phút nên sẽ chỉ đưa vào các bài hát sôi động nhất, mang lại không khí mạnh mẽ nhất cho sân vận động.
Cuối cùng là phải tính đến các phần trình diễn khác để có thể lên kế hoạch tập luyện và tổng duyệt từ lúc nào. Nếu show diễn ra vào tháng 12 thì phải bắt đầu tập luyện từ tháng 9. Tiền đổ ra rất nhiều đấy và có thể vượt quá 10 triệu USD. Các nghệ sỹ tuy nhiên sẽ không lấy phí biểu diễn.
Những show nào được ông đánh giá là khó khăn nhất?
https://www.youtube.com/watch?time_continue=1&v=7NN3gsSf-Ys
Thế thì không được rộng rãi cho lắm nhỉ?
Đúng thế thật. Và để sử dụng những dãy loa khổng lồ theo ý của Prince, chân đỡ phải to lớn hơn nhiều và có hình tháp. Chúng tôi sẽ không có cách nào khác ngoài việc phải thiết lập lại hết tất cả mọi thứ từ đầu.
Mô hình như Prince muốn nếu thực sự làm được thì có thể cho âm thanh hay hơn không?
Chưa chắc là hay hơn, hoặc cũng có thể hay hơn nhưng chỉ 1 chút thôi. Nhưng cũng phải hiểu rằng đây là 1 show truyền hình và máy quay sẽ hướng vào đâu khi sân khấu bị che bởi những “tòa tháp loa” khổng lồ như Prince muốn?
Người xem cũng nhìn sân khấu từ xung quanh nữa mà.
Đúng vậy. Với thiết đặt vị trí loa của chúng tôi thì dù có ngồi ở đâu trên khán đài vẫn có thể nhìn thấy sân khấu. Tôi phải nói “gãy lưỡi” và đưa ra hết tất cả những tính toán của mình để thuyết phục Prince và đội ngũ của anh ta. Đó là chưa kể đến việc chân tháp loa còn có thể để lại vết tích hay làm hỏng sân do chúng có tổng khối lượng hơn 2 tấn. Prince thì lại lo lắng rằng “liệu chúng có nhỏ quá không”. Thật là vô lý hết sức.
Xem ra họ không quan tâm cho lắm nhỉ?
Chứ sao nữa. Cứ thử nghĩ đến việc cố gắng đưa show của mình vào giữa 1 trận bóng sau đó phải rút lui thật nhanh, bạn sẽ hiểu được sự gấp gáp mà tôi đang nói đến. Không thể làm hoàn hảo mọi thứ mà chỉ có thể làm hoàn hảo nhất trong mức cho phép.
Có tổng cộng bao nhiêu loa đã được sử dụng?
Khoảng 120 dãy loa full-size và ít nhất 36 subwoofer. Đôi khi còn phải thêm vài cụm subwoofer nữa để đủ sức làm “rung chuyển” khán đài theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
36 subwoofer nghe qua cũng cảm thấy hình như không nhiều lắm?
Đúng là không nhiều. Nhưng trong môi trường sân vận động tiếng bass sẽ lưu lại lâu hơn nên cũng không cần phải thêm quá nhiều subwoofer.
Số lượng track của riêng các nghệ sỹ như thế nào?
https://www.youtube.com/watch?v=F2i0Bc3f7jk
Nhiều lắm. Mỗi nghệ sỹ thường có từ 16 ~ 24 track cho đủ các nhạc cụ sử dụng như trống, guitar, bass, keyboard, các hiệu ứng âm thanh, tiếng vocal nền và track vocal chính để “phòng hờ”. Thực sự quá nhiều khi chúng chỉ được mix và sử dụng trong 14 phút.
Họ có đòi hỏi phải mix theo ý muốn không?
Có, hầu như tất cả đều như vậy. Họ thường muốn mix cho tiếng lead vocal thấp hơn nền nhạc giống như track trên CD. Tuy nhiên khán giả đến xem Super Bowl thì sao? Họ đã phải bỏ ra hơn $15.000 để đến sự kiện này và thường là những người không còn trẻ nữa. Họ sẽ chẳng biết ca sỹ đang hát cái gì nếu tiếng hát quá nhỏ và sẽ muốn nghe được rõ ràng hơn.
Show Super Bowl lần nào mà ông thấy thích nhất?
Của Prince chứ ai (cười hóm hỉnh).
Ngay cả khi anh ấy đòi hỏi như vậy ư?
Phải. Hôm ấy mưa rất lớn và chúng tôi đã tạo dựng hình ảnh mở đầu cho show bằng CG. Ý tưởng là Prince sẽ xuất hiện giữa cơn bão sét và bắt đầu biểu diễn trên sân khấu. Đúng hôm ấy trời mưa và có sấm sét thật.
Trời mưa không làm ảnh hưởng đến loa sao?
Chúng không ảnh hưởng đến loa và dàn amplifier với mic nằm dưới sân khấu nên cũng không sao. Tuy nhiên dàn mix bị ảnh hưởng và chúng tôi phải chế 1 mảnh ván che cho nó. Hai người nâng nó lên và che chắn để nước mưa không thấm vào dàn mix. Nếu không là toi luôn cả show.
Không có gì được che chắn sao?
Thường là không vì mưa là trường hợp bất khả kháng và chúng tôi có rất ít thời gian để tập trung cho mọi thứ sẵn sàng. Prince cũng biểu diễn trong mưa rất to và tôi biết ơn anh ấy vì điều này. Cuối cùng mọi thứ diễn ra tốt đẹp.
Quá trình thiết lập hệ thống âm thanh sân vận động như thế nào?
Có 2 kiểu sân vận động và cách thiết lập cũng khác nhau. Một trong số đó là dạng sân mở (open-air) và phần nhiều thường là loại này. Tôi sẽ phải lưu ý đến những xe loa trên sân và cả trong phòng nữa. Mỗi phòng sẽ có các loa được tích hợp trên trần và tôi phải gởi tín hiệu đến chúng khi show diễn ra. Việc thiết đặt microphone để test sẽ đi theo chiều dọc từ dưới sân lên tầng cao nhất và sẽ tốn khoảng 6 ~ 8 giờ làm việc. Việc này phải tiến hành vào ban đêm lúc không còn ai ồn ào trên sân. Trời cũng phải lặng chứ nếu có gió lớn hay mưa là cũng không test chính xác được.
Nghĩa là phải đo đạc âm thanh môi trường xung quanh ở tất cả các vị trí?
Phải. Tôi sử dụng pink noise để đo đạc và ghi chú sau đó tổng hợp sự khác biệt ở mỗi vị trí nhằm tìm ra cách thiết lập phù hợp nhất. Chỉ 1 sai sót thôi là sẽ có những vị trí trên khán đài nghe nhỏ xíu hoặc không nghe thấy gì còn những chỗ khác lại nghe quá to. Công việc của tôi là làm cân bằng mức âm lượng này.
Pink noise là gì?
Pink noise gần giống với thứ mà tai người và bộ não cảm nhận về âm thanh, được tính bằng octave mà không phải bằng tần số. White noise có power/hertz như nhau ở tất cả các tần số, tuy nhiên với pink noise thì mức power/hertz này sẽ giảm khi tần số tăng. Điều này nghĩa là white noise sẽ có tiếng hiss nhiều hơn và thiên về treble hơn, trong khi tần số thấp của pink noise thì to hơn và có nhiều lực hơn.
Ví dụ, sự khác biệt giữa 100Hz và 200Hz hay 5.000Hz và 10.000Hz đều là 1 octave. Tuy nhiên về tần số thì chúng khác nhau đến 100Hz và 5.000Hz. Tính tương đối của chúng như nhau nhưng về giá trị toán học thực sự thì lại quá khác biệt. Với white noise, tất cả các tần số đều đóng góp cho mức thay đổi octave chung, còn pink noise thì mỗi octave có mức năng lượng như nhau. Do pink noise thể hiện khả năng tiếp nhận âm thanh của con người bằng octave nên nó sẽ được sử dụng để đo mức âm nghe được ở mỗi vị trí khác nhau trong cùng 1 địa điểm.
Kiểu sân vận động thứ 2 là gì?
Đó là những kiểu sân vận động có mái che. Với loại này, tôi có thể sử dụng những thành phần trong hệ thống loa có sẵn để phục vụ cho show của mình, tuy nhiên quá trình đo đạc sẽ rất mất thời gian để có thể cho kết quả vừa ý nhất. Tôi cũng là người khá khó tính và không tin tưởng rằng chúng sẽ làm việc tốt trước khi đo đạc đầy đủ. Điều này cũng có nghĩa là tôi phải nghe thử từng cái loa hay cụm loa và sẽ tiêu tốn từ 2 ngày đến 1 tuần làm việc tùy theo hệ thống âm thanh lớn hay nhỏ.
Vì sao phải tùy chỉnh cho từng hệ thống loa 1 cách phức tạp như vậy?
Đó là cách duy nhất để cao cấp chất lượng âm thanh như nhau dù bạn đang ngồi ở đâu trên khán đài. Như nói trên, điều này không thể nào là hoàn hảo mà chúng ta chỉ có thể đạt được mức “gần đúng nhất” mà thôi. Ngoài ra cũng có thể tùy biến âm thanh bằng những cách đơn giản hơn như thay đổi hướng phát của lo, tăng giảm độ cân bằng L/R, tận dụng tính phân cực của driver, phase, delay hay filter/EQ. Các kỹ sư âm thanh thường sử dụng phần mềm SMAART để giúp họ đo đạc nhanh chóng hơn. Phần mềm sẽ phát pink noise qua các loa và microphone ở các vị trí trên khán đài sẽ bắt âm này, đưa ra kết quả được tính bằng máy tính.
Ông khuyên dùng những sản phẩm loa nào?
JBL VTX và L Acoustics K1 là 2 sản phẩm loa được tôi tin dùng nhất cho đến nay.
Địa điểm nào gây khó khăn nhất khi thiết đặt?
Đó là Super Bowl 2004 ở sân vận động Reliant (Houston). Sân vận động này hầu như không thể làm việc được do nó vừa có mái che vừa có tường cao. Mái che lại bằng kim loại và không được tính toán âm học khi xây dựng. Hầu hết các tour diễn đều không tổ chức tại đây.
Thật thế sao?
Đúng thế. Khán giả đòi trả tiền lại vì họ không nghe thấy tiếng hát gì hết.
Đó là do âm thanh bị vang đi khắp nơi ư?
Chứ sao nữa. Sân này dành riêng cho bóng đá và nó được xây dựng như vậy để tiếng ồn từ khán đài không lọt vào trong sân có thể khiến các cầu thủ khó giao tiếp với nhau. Đó chính là lý do vì sao mái che không được xử lý âm học.
Như thế nào gọi là xử lý âm học?
Âm thanh khi phát ra từ loa sẽ chịu ảnh hưởng từ rất nhiều các yếu tố từ môi trường trong đó dễ thấy nhất là không gian xung quanh cũng như chất liệu gia công các bề mặt. Các sân vận động thường được xây dựng bằng các chất liệu có độ cứng và phản hồi cao, đồng thời cũng có không gian rất rộng lớn. Nói ngắn gọn hơn là chúng không được tối ưu hóa âm học. Âm thanh phát ra sẽ dội tường khắp nơi, tạo ra tiếng vang và làm cho chúng ta khó nghe thấy được các bài diễn văn đang nói gì.
Chúng ta có thể tối ưu âm học cho sân vận động bằng cách lót các nêm foam hay vách ngăn âm học chuyên dụng để hấp thu các dư lực từ âm thanh phát ra. Chỉ cần che chắn từ 10% đến 20% sân là đã làm cho tếng vang giảm xuống chỉ còn khoảng 1 giây, giúp âm thanh rõ ràng hơn và khán giả có thể nghe được người đọc diễn văn đang nói gì. Nó cũng không làm âm thanh bị rò rỉ ra khỏi khuôn viên chính của sân đấu.
Thế thì không có nghĩa là người ta bỏ qua việc tối ưu hóa âm học mà cố tình “lơ luôn” khi xây dựng sân vận động?
Cả hai. Đôi khi là do thiếu hiểu biết, còn không thì do muốn giảm đi 1 phần chi phí. Ngoài ra còn là do những quyết định nào đó từ ban tổ chức. Tôi đã có thể chỉnh sửa được phần nào tính chất âm học của sân vận động Reliant (Super Bowl 2004) nhưng họ không cho tôi làm vậy, và tôi chỉ có thể thiết lập các bộ loa dưới đất. Cuối cùng nó cho kết quả thật tồi tệ.
Đến thế sao?
Đúng vậy, và tôi cũng không nói gì được. Hiện tại tôi chỉ tập trung làm việc ở các sân vận động có xử lý âm học mà thôi. Các sân nhỏ cũng tốt vì chúng được thiết kế dành cho các buổi hòa nhạc hoặc các môn thể thao không quá ồn ào.
Dường như dù ở những nơi nhỏ đến đâu như hộp đêm chẳng hạn, âm thanh chính là thứ bị chủ nhân bỏ lơ nhất trong khi lại bị khách hàng phàn nàn đầu tiên.
Thật thế. Tôi đã từng tức điên với lễ trao giải Oscar khi họ cứ bắt phải dời loa để có thể chiếu thêm đèn vào sân khấu. Dĩ nhiên ai mà không thích 1 sân khấu hành tráng, nhưng điều đó có đủ không khi phía dưới khán giả không nghe thấy gì?
Có khi nào những đòi hỏi vượt quá tầm thực hiện không? Không chỉ ở Super Bowl mà còn với các lễ trao giải âm nhạc nữa?
Dĩ nhiên rồi. Điều này chắc chắc phải xảy ra vì chúng tôi phải phục vụ cho quá nhiều “chủ nhân” chỉ trong 1 show nói riêng. Nghệ sỹ hip-hop sẽ đòi thiết lập âm thanh như thế này, trong khi nghệ sỹ pop thì lại muốn theo kiểu khác hay nhạc rock thì “càng to càng tốt là được”. Beyoncé từng nêu ra 1 ý tưởng hát chung với Dixie Chicks và sau đó làm như cả show này là của cô ta vậy. Họ cứ muốn mở to hơn nữa đến mức người quản lý của cô ấy như hét vào mặt tôi: “CỨ VẶN LOA TO LÊN!!!”. Và tôi đã phải chiều ý chứ nếu không thì có mà cãi nhau cả ngày.
Ông đã để mức âm lượng thế nào mà họ lại như thế?
Như mọi phần trình diễn khác thôi. Có ai đòi hỏi phải thay đổi gì đâu? Chỉ có mỗi mình cô ta thôi. Mà cũng không phải là gợi ý nữa mà như là bắt buộc tôi phải làm vậy.
Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi thú vị này.