Nhiều chương trình văn hóa - thể thao mừng 44 năm Sài Gòn - Gia Định đổi tên thành TP HCM, diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/7.
Một trong những điểm nhấn chương trình là triển lãm ảnh chủ đề Sài Gòn – TP HCM hơn 320 năm văn hóa – lịch sử. Buổi trưng bày được sắp đặt theo hình thức lắp dựng tiểu cảnh. Các gian nhà văn hóa giới thiệu hoạt động nghề truyền thống đặc trưng của thành phố: đan lát, tranh ghép gỗ, tranh gạo, tranh cát, hay các sản phẩm mỹ nghệ từ đất sét, dừa, lá – hoa sen sấy khô… Các hoạt động văn hóa dân gian như thư pháp, tò he, xếp hình lá dừa dự kiến thu hút khán giả nhí. Nhiều tiết mục hát rong, diễn xiếc, ảo thuật, hòa tấu guitar, violin, trống, biểu diễn Vovinam, võ cổ truyền… góp phần tạo không khí cho sự kiện.
Tối 27/6 là đêm nhạc kỷ niệm 19 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020) với sự góp mặt của dàn ca sĩ: Đan Trường, Hiền Thục, Trang Nhung, Châu Đăng Khoa, Trung Quang, Vy Oanh, Nguyễn Phi Hùng, nhóm Nhật Nguyệt, Mắt Ngọc… Sự kiện do Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM (trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao) tổ chức.
Tối 2/7, sự kiện bế mạc với chương trình nghệ thuật chủ đề Tự hào thành phố mang tên Bác gồm ba chương: Chương một mang tên Có một thời như thế, vẽ nên không gian hào hùng của một thời bom đạn. Cẩm Vân, Hiền Thục, Võ Hạ Trâm…. biểu diễn các ca khúc Dòng sông hát, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Một đời người một rừng cây, Tình ca tuổi trẻ, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ… NSƯT Hạnh Thúy, nghệ sĩ Hữu Nghĩa diễn trích đoạn kịch Hoa mướp vàng.
Ở chương hai – Thành phố đón bình minh và chương ba – Khát vọng thành phố trẻ, chương trình phác họa một thành phố tiến lên trong thời kỳ đổi mới. Các phần trình diễn gồm nhóm MTV, Trọng Phúc, Ngọc Đợi, Thế Vỹ, Ái Phương, Trọng Hiếu…
Theo Mai Nhật – VnExpress