Các màn biểu diễn ánh sáng sử dụng công nghệ drone - máy bay không người lái đang ngày càng trở thành xu hướng phổ biến, tạo điểm nhấn độc đáo trong các sự kiện văn hóa hay ngày lễ quan trọng tại Việt Nam, tất nhiên, đi kèm với nó đã có những quy trình nghiêm ngặt phải tuân theo để nhà tổ chức mới có thể được duyệt và cấp phép sử dụng.
Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ (UAV – Unmanned Aerial Vehicle), hay flycam/drone, ngày càng phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Các loại phương tiện bay này đã được tích hợp rộng rãi và đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống xã hội. Tuy nhiên, sự phổ cập và ứng dụng, mất độ xuất hiện tăng lên nhanh chóng của drone cũng gây ra nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh quốc phòng, trật tự công cộng, an toàn xã hội và an toàn hàng không.
Nội dung
Giản lược quy trình xin cấp phép bay, biểu diễn bằng drone
Dường như, sức mạnh của công nghệ hiện đại nếu sử dụng vào đúng mục đích có thể tạo ra không khí tràn ngập ánh sáng và các hiệu ứng đặc biệt. Đây là biểu hiện rõ nét của sự sáng tạo và tinh thần chịu chơi từ phía những nhà tổ chức sự kiện khi liên tục áp dụng và khai thác công nghệ để truyền đạt những thông điệp ý nghĩa trong chương trình. Để đáp ứng nhu cầu trên, Nhà nước đã công bố những quy tắc chung để giúp nhà tổ chức nắm bắt được rõ về quy định, luật pháp, lấy đó làm kiến thức và là sự hiểu biết cho những dự án trình diễn ánh sáng sau này cần tới loại hình công nghệ máy bay không người lái.
Theo đó, Chính phủ vào tháng 11/2023 vừa chấp thuận kế hoạch giản lược và đơn giản hóa 35 thủ tục hành chính bao gồm các lĩnh vực: mật mã dân sự, quản lý vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ, quản lý không gian và quản lý biên giới. Đáng chú ý, thủ tục cấp phép bay cho drone và flycam được cập nhật bổ sung để hỗ trợ việc nộp hồ sơ trực tuyến.
Cụ thể, quyết định số 1275 vừa được Chính phủ ban hành nhằm đơn giản hóa 35 thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục cấp phép bay cho tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (UAV, drone, flycam). Điều đáng chú ý là quyết định này bổ sung cách thức nộp hồ sơ trực tuyến và thông báo qua thư điện tử, đồng thời mở rộng cách thức gửi phép bay trực tuyến tới cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan quân sự, cơ quan công an, cơ sở điều hành bay, tổ chức và cá nhân liên quan trong khu vực hoạt động của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.
Như vậy, thủ tục và quy trình cấp phép đã dễ dàng hơn rất nhiều, nhà tổ chức sẽ cần đọc kỹ và cẩn trọng hơn trong các hoạt động xin phép trình diễn, biểu diễn máy bay không người lái trên bầu trời.
Những nguy cơ gây thiếu an toàn bay ở drone
Nhờ vào những tính năng hiện đại, drone show là một lựa chọn đắt đỏ nhưng đem lại hiệu quả cao và nổi bật nhất. Công nghệ Drones – Công nghệ máy bay không người lái ngày càng phát triển với khả năng bay ổn định, cách thức điều khiển chính xác và sự đồng bộ hoạt động giữa nhiều drones. Bên cạnh đó, khi kết hợp với nhau, chúng sẽ đem lại nhiều hiệu ứng đặc biệt từ đèn LED (những hiệu ứng này được thực hiện và phác họa trên những ứng dụng quản lý và mô phỏng trước khi đưa vào thực tế) và chính vì thế, chúng được ứng dụng rộng rãi, đồng hành cùng các sự kiện lớn trên thế giới (giải trí, quảng cáo, trình diễn sản phẩm và thậm chí trong nghiên cứu khoa học và khảo sát).
Tuy nhiên, không vì tính hiện đại và phát triển đột biến của drone mà có thể yên tâm rằng loại công nghệ này thực sự an toàn tuyệt đối. Theo quy định của pháp luật, không phải ai cũng có quyền được bay flycam, không phải nơi nào cũng cho phép bay flycam tự do… Nhiều tổ chức, cá nhân không biết điều này, hoặc có biết nhưng vẫn cố tình làm ngơ. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới một số vụ việc đáng tiếc gây thương tích, cháy nổ do va chạm với đường điện cao thế, đe dọa an ninh hàng không, mất tín hiệu rơi tự do dẫn tới nguy cơ mất an toàn và thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người,… Kinh nghiệm lái sản phẩm máy bay mini này của dân chuyên nghiệp dù có tới 5 – 6 năm nhưng nếu rơi vào tình huống khách quan đến từ cơ chế hoạt động của drone cũng khó có thể tỉnh táo xử lý được tốt.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, có thể xem xét những nguyên nhân có thể dẫn đến sự trục trặc của máy bay không người lái (drone) như tần số truyền thông, nếu máy bay được trang bị bộ điều khiển và sử dụng tần số truyền thông 2,4 GHz thì nó sẽ có nguy cơ nhiễu sóng từ thiết bị khác như Wifi vì cả Wifi cũng hoạt động trên tần số 2,4 GHz. Ngoài ra, việc mất kiểm soát đột ngột có thể xuất phát từ ba nguyên do chính: mất lệnh điều khiển từ bộ điều khiển đất có thể làm cho máy bay không phản hồi, trong trường hợp cụ thể này, máy bay có thể đột ngột lật ngửa, nguyên nhân thứ hai có thể là do động cơ bị hỏng (đối với một số loại máy bay, một động cơ hỏng có thể làm cho ba động cơ còn lại không thể bù đắp đầy đủ mô-men xoắn, dẫn đến tình trạng máy bay mất kiểm soát, nguyên nhân thứ ba có thể xuất phát từ tín hiệu đến bộ điều khiển tốc độ điện tử của động cơ tăng đột biến, gặp nhiễu sóng (từ nhiều nguồn) có thể khiến máy bay mất kiểm soát, nguyên nhân cuối cùng có thể là hỏng cánh quạt.
Drone show mang lại khả năng sáng tạo không giới hạn, mở ra những trải nghiệm độc đáo và ấn tượng cho khán giả. Đây không chỉ là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng mà còn là nguồn đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất và tổ chức sự kiện. Các màn trình diễn ánh sáng sử dụng máy bay không người lái không chỉ mang lại nhiều hướng đi mới mẻ mà còn tận dụng sự kết hợp của công nghệ và nghệ thuật, tạo nên những trải nghiệm đặc sắc và khó quên. Trong tình huống và làm việc để đảm bảo an toàn bay, việc lựa chọn cấu hình máy bay không người lái cần được xem xét cẩn thận để đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định, bên cạnh đó các nhà tổ chức cũng cần phát triển một bộ quy trình xử lý ứng phó nhanh để hạn chế tối đa thiệt hại do các vấn đề trục trặc xảy ra từ drone.
Các quy định về hình phạt liên quan tại Việt Nam
Theo Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về Quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ nghiêm cấm các hành vi: Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay.Tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định; vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia. Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay. Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại. Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép. Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay. Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay…
Ngoài ra, theo quy định của Nghị định 36, trước khi tổ chức bay, cả tổ chức và cá nhân đều phải làm thủ tục xin phép bay và chỉ được phép tổ chức khi đã nhận được cấp phép từ Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu. Thời hạn nộp hồ sơ đề nghị cấp phép là chậm nhất 14 ngày trước ngày dự kiến tổ chức chuyến bay.
Các tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thu hồi giấy phép. Nghị định 147/2013/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, nêu rõ: Phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi cung cấp thông tin không trung thực hoặc có hành vi lừa dối khi xin phép bay; phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi thực hiện chuyến bay mà không có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi: “Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ”
Để liên tục giáo dục, cập nhật kiến thức cho người dân, các đơn vị tổ chức sự kiện sẽ cần chủ động phối hợp bồi dưỡng kiến thức cho chính nhân sự của mình, theo dõi thông tin từ các cơ quan quản lý, biết về các hoạt động, công tác tuyên truyền và vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng thiết bị UAV. Nội dung và hình thức tuyên truyền được triển khai một cách đồng bộ thông qua nhiều phương tiện, bao gồm loa phát thanh ở cấp xã, phường, thị trấn, các fanpage trên các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, và trên các phương tiện truyền thông đại chúng khác.
Những quy định trên làm rõ mức phạt tùy thuộc vào mức độ vi phạm, bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý, sử dụng thiết bị UAV, từ đó khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị UAV cần phải tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định được Nhà nước và pháp luật ban hành về quản lý, sử dụng thiết bị UAV. Các quy định này không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn giúp bảo đảm an toàn, trật tự và an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, không để các đối tượng thù địch và phần tử xấu lợi dụng hoạt động, chống phá.
Backstage News