Từ fanclub xô bồ, bát nháo đến fandom hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, nghệ sĩ Việt đang xây dựng cho mình nền tảng kết nối xã hội riêng, văn minh và hiệu quả hơn.
3 fanclub (câu lạc bộ người hâm mộ) của ca sĩ Sơn Tùng M-TP lần lượt tuyên bố “rã đám” ít nhiều gây chấn động showbiz Việt khi đây là những fanclub lớn nhất, đủ tiêu chuẩn để có thể nâng cấp thành fandom chuyên nghiệp như thị trường giải trí Hàn Quốc.
Dấu hiệu fanclub hết thời
Cùng với Mỹ Tâm, Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP là giọng ca sở hữu lượng khán giả hâm mộ đông đảo nhất của thị trường nhạc Việt thời gian gần đây. Sky là tên gọi của cộng đồng đông đảo người hâm mộ Sơn Tùng M-TP, quy tụ những khán giả trẻ tuổi và cả những người trưởng thành. Đội ngũ này góp phần không nhỏ trong mọi chiến thắng của Sơn Tùng M-TP ở những cuộc đua quốc nội và quốc tế, với vô số những kỷ lục và thành tích. Sơn Tùng M-TP cũng không ít lần bày tỏ tình yêu và niềm tự hào của anh đối với Fanclub Sky của mình.
Dù vậy, chỉ trong chưa đầy nửa năm, cả 3 fanpage lớn của Sơn Tùng M-TP đều đồng loạt dừng hoạt động, bao gồm cộng đồng kỳ cựu hơn 300.000 người theo dõi. Có trang dừng hoạt động vĩnh viễn, có trang tạm ngưng vô thời hạn nhưng cũng có trang hứa sẽ sớm tái ngộ. Sau trang VOSKY (trang web đồng hành với Sơn Tùng M-TP nhiều năm qua) bị dừng hoạt động, fanpage của Fanclub Sơn Tùng M-TP tại Đà Nẵng đã tuyên bố đóng cửa vào ngày 14-6, một ngày sau khi Sơn Tùng M-TP ghé Đà Nẵng dự sự kiện ra mắt bộ phim tài liệu ca nhạc “Sky tour movie”. Tiếp theo, ngày 15-6, Fanclub Sơn Tùng M-TP tại Hà Nội tan rã.
Thật ra, việc nhiều fanpage, fanclub của nhiều giọng ca ngôi sao thế hệ trước đóng cửa, giải tán là điều dễ hiểu. Bởi ngay chính ca sĩ cũng không còn hoạt động nhiều và người hâm mộ của họ bây giờ cũng đã trưởng thành, với nhiều mối bận tâm trong cuộc sống. Vậy nên, tình yêu dành cho thần tượng đã phai nhạt hoặc thậm chí vẫn còn nhưng là để trong lòng như một ký ức đẹp là chính.
Nhóm nhạc MTV đình đám một thời với lượng người hâm mộ không nhỏ nhưng trong sự kiện ra mắt sản phẩm mới của họ mới đây, chưa đầy 10 người đến dự để chúc mừng. Bản thân họ cũng đã quá “lớn tuổi” để không thể hòa nhập vào không khí cuồng nhiệt của người hâm mộ như trước. Đây là hiện trạng chung dễ hiểu của hầu hết các ngôi sao thế hệ trước bởi sự tồn tại của fanclub không còn phù hợp. Dù vậy, trường hợp fanclub của Sơn Tùng M-TP tan rã lại gây hoang mang bởi giọng ca này vẫn đang có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường nhạc Việt ở thời điểm này.
Bước đi khôn ngoan
Vai trò của fanclub đối với thành công của một ca sĩ trên thị trường âm nhạc là điều không thể phủ nhận. Bởi đó chính là đội ngũ tạo thành tích cho thần tượng của họ, đặc biệt trong thời buổi nền tảng công nghệ số phát triển như hiện nay. Nếu fan không cày view thì cũng khó có cơ hội dẫn đầu trên các bảng xếp hạng.
Fanclub cực kỳ quan trọng với nghệ sĩ nhưng sẽ tới giai đoạn lỗi thời. Giới chuyên môn thừa biết sự đóng cửa các fanpage Sơn Tùng M-TP thực ra là chiến lược nâng tầm cộng đồng người hâm mộ của Sơn Tùng M-TP. Để dọn đường cho nền tảng Sky social, giai đoạn cáo chung của fanclub là chuyện đương nhiên. Nền tảng Sky social là dự án đã được Sơn Tùng M-TP công bố một năm trước, dường như đang diễn ra đúng với dự tính của anh.
Hầu như các cộng đồng người hâm mộ ca sĩ Việt mới chỉ được gọi là fanclub chứ không phải fandom. Sự khác biệt này dễ nhận thấy nhất ở việc nghệ sĩ Việt hiếm khi chú trọng đến việc tạo dựng nét đặc trưng cho cộng đồng những người hâm mộ của mình, đơn giản như thiết kế lightstick, lựa chọn màu sắc đặc trưng hay thường xuyên tổ chức các buổi fansign ký tặng…
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, showbiz Việt cũng xuất hiện một vài fanclub hùng mạnh đủ tiêu chí để được công nhận là một fandom như K-pop: Fanclub Sky của Sơn Tùng M-TP, Fanclub Mỹ Tâm và Fanclub Đông Nhi. Hoạt động bài bản của Sky còn được thể hiện rõ nhất ở những chiến dịch “cày view”. Tuy thường xuyên bị công kích là “gian lận”, đi ngược lại quy luật của tự nhiên nhưng so sánh ở V-pop hiện nay, không có một fanclub nào “cày view” hiệu quả như cộng đồng Sky. Không chỉ có thế, Sky còn đóng góp cả tiền bạc để mua quà, giúp thần tượng quảng bá hình ảnh trên xe buýt, quảng trường nhân dịp sinh nhật. Ý nghĩa nhất là các hoạt động từ thiện mà Sky trên cả nước liên tục thực hiện trong vài năm gần đây.
Fanclub Mỹ Tâm là trường hợp cá biệt ở V-pop khi chưa có tên gọi, chưa có lightstick riêng nhưng rất văn minh và chuyên nghiệp trong khoản “nghe nhạc có ý thức”. Fanclub Đông Nhi luôn đồng hành với thần tượng trong việc mua album, vé tham dự liveshow, quảng bá cho idol, “cày view”… cũng không hề kém cạnh.
Mỗi ca sĩ xây dựng cho mình một nền tảng kết nối xã hội riêng chính là xu hướng đang thịnh hành với sự trợ giúp của các công ty công nghệ số hiện nay. Fanclub và fanpage sẽ phải bị xóa sổ để chuẩn bị cho một hành trình khác chuyên nghiệp hơn. Đó còn là chiến lược kinh doanh đầy lợi nhuận, đủ sức hấp dẫn giới nghệ sĩ trong tương lai.
Văn minh và chuyên nghiệp hơn
Theo định nghĩa trong tiếng Anh, fandom hiểu đơn giản là một nhóm hay cộng đồng người có cùng sở thích, niềm đam mê và muốn chia sẻ nó. Áp dụng với fandom K-pop thì đây chính là tập hợp những người có chung niềm yêu thích với nghệ sĩ thần tượng của họ, mong muốn giới thiệu và quảng bá tên tuổi thần tượng của mình đến đông đảo khán giả trong lẫn ngoài nước. So với fanclub, fandom văn minh và chuyên nghiệp hơn.
Nguồn: Thùy Trang – NLĐ