Nghệ nhân Quang Minh là một người đã “có thâm niên” gắn bó với nghề làm mô hình đèn trung thu khổng lồ tại Thành phố Tuyên Quang. Các tác phẩm của người nghệ sĩ này tạo ra không chỉ là sự tỉ mỉ, khéo tay mà còn mang trong đó cảm hứng nghệ thuật và sự sáng tạo của một người nghệ sĩ.
Lễ hội Trung Thu tại Tuyên Quang luôn rực rỡ với những hình ảnh các mô hình đèn khổng lồ diễu hành trên khắp các con phố. Đằng sau các tác phẩm rực rỡ đó là sự tâm huyết của những người nghệ nhân đang âm thầm đóng góp vào sự thành công của lễ hội. Nổi bật trong đó là nghệ nhân Quang Minh với tài năng hội họa của mình.
“Thổi hồn” vào từng mô hình đèn trung thu
“Thành phố của những mô hình đèn Trung Thu khổng lồ” là tên gọi thân thuộc để nói lên nét đặc sắc chỉ có tại Tuyên Quang mỗi dịp Tết Đoàn viên. Dù cho có những nghề nghiệp của riêng mình như kinh doanh, bán hàng, thợ mộc, cơ khí… nhưng cứ tới lễ Trung thu, người dân tại đây lại tạm gác công việc của mình để chung tay tạo nên những mô hình đặc sắc cả về màu sắc đến chủ đề.
Bác Quang Minh – một nghệ sĩ nhiếp ảnh gia (thuộc Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Tuyên Quang) nhưng mỗi dịp Trung thu đến, nghệ nhân Quang Minh vẫn trực tiếp cùng gia đình làm các mô hình trung thu để thỏa mãn đam mê sáng tạo.
Nghệ nhân Quang Minh đã bắt đầu làm thiết kế mô hình từ 10 năm trước, khi Tuyên Quang mới bắt đầu có phong trào tạo nên đèn Trung Thu. Xuất phát từ những mô hình nhỏ, dần dần, kích thước của các mô hình cũng trở nên lớn hơn.
Nghệ nhân Quang Minh chia sẻ, để làm một mô hình Trung Thu hoàn thiện, phải qua rất nhiều công đoạn:
Đầu tiên là phải thiết kế bằng máy, đôi khi là phải vẽ bằng tay, sau đó mình sẽ lên khung xương và hoàn thiện những chi tiết phụ của mô hình như chân tay, mắt, mũi và đuôi. Sau khi đã hoàn thiện xong các công đoạn trên thì sẽ đến việc chạy đường điện, chỗ nào cần sáng thì tập trung điện nhiều, bên cạnh đó sẽ có chỗ sáng vừa hoặc sáng ít và cuối cùng là dán đề can…
Mỗi mô hình sẽ mất khoảng hơn 10 ngày hoàn thiện và phải trải qua rất nhiều bước nhưng điều mà nghệ nhân Quang Minh luôn hướng tới để mô hình của mình trở nên khác biệt đó là phải biết “thổi hồn” vào từng tác phẩm. Bác chia sẻ: “Tạo mô hình là phải có hồn, khi nhìn vào thì nó phải toát lên cái sự gần gũi thân thiện, ví dụ như những con thú thường sẽ có độ tinh nghịch nên những nét vẽ trên những các bộ phận như: tay, chân, mắt, mũi… mình phải cố gắng làm cho nó có giống nhất có thể so với ngoài đời, đôi khi mình có thể nhấn nhá, đôi khi mình có thể cách điệu nhưng cuối cùng quan trọng nhất là cái hồn”.
Với nghệ nhân Quang Minh tất cả những mô hình đèn trung thu dù đơn giản hay phức tạp thì đều là đứa con tinh thần mà trong đó chất chứa tất cả sự tâm huyết của một người nghệ sĩ. Năm nay, hai mô hình mà nhiếp ảnh nha mang tới lễ hội Thành Tuyên là: mô hình phượng hoàng và mô hình tháp nước của tỉnh Bình Thuận.
Phải giữ gìn truyền thống làm mô hình Trung Thu Tại Tuyên Quang
Lễ hội Thành Tuyên là một lễ hội lớn được tổ chức định kỳ hàng năm vào mỗi dịp Trung Thu tại Tuyên Quang. Những mô hình khổng lồ là biểu tượng cho sự khéo léo, tỉ mỉ và đoàn kết của người dân Tuyên Quang để cùng chung tay tạo nên một lễ hội Trung Thu hoành tráng.
“Người dân Tuyên Quang ai cũng nhiệt tình, không so đo, tính toán. Ai có công thì góp công, ai có của thì góp của, nếu ai bận rộn công tác không làm được thì họ sẽ góp bằng tiền, tất cả đã đều đồng lòng để tạo nên một không khí lễ hội lớn như ngày hôm nay” – nghệ nhân Quang Minh tâm sự.
Tại thời đại công nghệ 4.0, các đồ chơi dân gian như tò he, đèn lồng dần không được ưa chuộng bởi các bạn trẻ bằng các trò chơi trên các thiết bị điện tử. Nhưng khi nhìn vào các đồ chơi dân gian thì cả một “vùng ký ức” tuổi thơ lại hiện lên trong ký ức của nhiều người, nghệ sĩ Quang Minh chia sẻ: “Mặc dù ở thời đại 4.0 nhưng những nét đẹp Tết Trung thu vẫn còn được duy trì mãi, các đồ chơi đã hiện đại hơn, nhưng những chiếc lồng đèn ông sao vẫn mang lại một sự ấm áp, gợi nhớ mọi người về những ký ức tuổi thơ tươi đẹp”.
Các mô hình khổng lồ đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong dịp lễ Trung Thu tại Tuyên Quang nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc riêng là điều luôn phải được chú trọng.
Nghệ nhân Quang Minh nêu lên quan điểm về vấn đề này: “Việc làm mô hình đèn Trung Thu khổng lồ không chỉ dừng lại là một công việc để kiếm thu nhập, mà nó còn là nét truyền thống không thể thiếu tại đây.
Trên đất Tuyên Quang, vẫn còn nhiều nghệ nhân làm mô hình trung thu tài ba đang từng ngày âm thầm để gìn giữ truyền thống này. Các thế hệ luôn sẵn lòng học hỏi và tiếp nối nghề. Nét truyền thống này nên được giữ gìn và phát huy vì những giá trị tốt đẹp mà nó mang lại và tôi tin nghề làm mô hình đèn Trung Thu tại Tuyên Quang sẽ còn được lưu giữ mãi mãi về sau”.
Backstage News
Đọc thêm: 64 mô hình đèn Trung thu khổng lồ sẵn sàng cho Lễ hội Thành Tuyên