Những con rối động vật, đặc biệt là chú hổ có tên Richard Parker đã được các nhà thiết kế tạo ra phép thuật đầy ấn tượng trong 'Life of Pi' – vở kịch được chuyển thể từ tiểu thuyết triết học cùng tên.
Nghệ thuật múa rối trên sân khấu kịch nước Anh đã được đưa lên một tầm cao mới trong vở kịch ‘Life of Pi’. Tác phẩm kể về một cậu bé bị đắm tàu và mắc kẹt trong một chiếc xuồng cứu hộ với các loài động vật khác. Trong đó, chú hổ bengal tên Richard Parker là nhân vật đồng hành cùng cậu bé xuyên suốt câu chuyện sinh tồn giữa đại dương. Đây cũng là nhân vật “ngôi sao múa rối” tạo nên điểm nhấn và cú hích cho tác phẩm này.
Thiết kế các con rối chân thật và thực tế
Các con rối động vật trong ‘Life of Pi’ được tạo ra bởi hai nhà thiết kế rối Nick Barnes và Finn Caldwell. Ekip mất tổng khoảng 345 ngày để tạo nên các con rối tại xưởng của Barnes. Mỗi con rối cần ít nhất 5-6 người, thực hiện các phần thiết kế, điêu khắc, sơn và lắp ráp.
Đối với thiết kế của chú hổ Richard Parker, đây là một thiết kế đặc biệt và thật nhất có thể. Bản thiết kế dựa trên khung xương và kích thước của hổ thật. Phần cứng làm bằng ván ép, nhôm và nylon. Phần khớp sử dụng dây bungee đàn hồi. Phần lớn cơ thể được làm từ vật liệu xốp nhẹ gọi là Plastazote – một loại chất liệu mềm, có thể được điêu khắc và sơn màu. Tổng trọng lượng của con rối hổ nặng khoảng 20kg. Do vậy, không quá khó để các diễn viên múa rối cầm nắm và điều khiển con hổ.
Đối với các động vật rối khác, hai nhà thiết kế đã thực hiện điêu khắc bằng gỗ lũa (driftwood). Lý do để vẻ ngoài của chúng phù hợp với thiết kế tổng thể của vở kịch. Những con rối cũng được chế tạo rất thực tế. Cơ thể của chúng có thể bị phân mảnh, bị dập nát, không đầy đủ bộ phận,… Đây là hậu quả nghiêm trọng sau vụ đắm tàu.
Chia sẻ về lý do sử dụng nguyên liệu tự nhiên này, Finn Caldwell cho biết:
“Trong phiên bản của vở kịch này, đây là toàn bộ ký ức mà Pi kể lại trong phòng bệnh. Tưởng tượng, nếu Pi đang ở trên thuyền cứu sinh giữa biển và nhìn vào đống đổ nát của con tàu, thấy toàn là gỗ gãy và những hình thù vặn vẹo. Sẽ thú vị như nào nếu những hình thù đó trở thành những con vật trong ký ức của anh ấy?”
Khám phá hậu trường sản xuất những con rối động vật tại xưởng của Barnes ở Hove:
Nghệ thuật múa rối đỉnh cao trong ‘Life of Pi’
Bản chuyển thể sân khấu của ‘Life of Pi’ đã nhận được nhiều lời ngợi ca từ các nhà phê bình. Họ ca ngợi “phép thuật động vật” của những nghệ sĩ múa rối nghệ thuật và gọi chú rối hổ Richard Parker là “ngôi sao của buổi biểu diễn”.
Để con rối hổ Richard Parker sống động và thực nhất, ekip thực hiện đã quyết định sắp xếp 3 người bên trong “cung cấp năng lượng” cho con hổ. Một người điều khiển đầu. Một người cử động thân giữa và một người di chuyển phần thân sau. Họ khiến chú hổ di chuyển nhanh hơn, bất ngờ hơn, khiến khán giả tin rằng con hổ có thể tấn công người đối diện bất cứ lúc nào.
Các nghệ sĩ múa rối cũng phải mất một tuần để có thể học các tư thế một cách tự nhiên nhất. Các tư thế xoay đầu, chuyển động cơ thể, kỹ thuật ngồi, nằm, nhảy đều mất rất nhiều thời gian luyện tập. Ngay cả khi đó là đội ngũ múa rối nòng cốt có nhiều kinh nghiệm.
Để nhiều người cùng điều khiển một con rối một cách hài hòa, đó không phải điều đơn giản. Một phần quan trọng trong quá trình tập luyện của các nghệ sĩ múa rối là họ lắng nghe lẫn nhau.
“Tôi đánh giá cao điều đó hơn là vũ đạo, mặc dù toàn bộ chương trình đều được biên đạo. Họ phải được kết nối gần như thần giao cách cảm, siêu đồng điệu.” – Nhà thiết kế rối Finn Caldwell chia sẻ.
Backstage News
Nguồn: London Theatre
>> Đọc thêm: Nghệ thuật Múa rối – lịch sử hình thành và phát triển