Lễ hội vốn dĩ luôn song hành với đời sống. Nhưng giá như, những người tổ chức chịu nghĩ và sáng tạo hơn.
Chẳng hiểu từ bao giờ, ít nhất là từ dăm ba năm trở lại đây, nội dung kịch bản cho những buổi lễ khai mạc, từ du lịch đến di sản, từ kỳ quan thiên nhiên đến lễ hội, từ kỷ niệm thành lập đến đón nhận sắc phong, từ miền núi cao nguyên đến đồng bằng duyên hải… đều giống nhau đến độ như sinh sản vô tính, khiến đài truyền hình dù đã thay đổi các “em xi” dắt tay cúi chào, vẫn không cứu vãn được mức độ nhàm chán và hài hước của nó.
Sân khấu thường ở giữa trời, rộng và “hoành tráng” với đủ ánh sáng âm thanh hiện đại, một màn hình lớn đặt chính giữa có nhiệm vụ chạy hình ảnh minh họa. Sau màn chào mừng và trân trọng giới thiệu đại biểu của một người trong ban tổ chức, kèm những tiếng trống dứt điểm gọn lỏn khi tên được xướng lên, thì vị chủ trì sẽ nghiêm mặt cao giọng phát biểu lý do.
Lễ lớn thì có đại biểu trung ương, lễ vừa thì có “thượng thư” cấp bộ, lễ nhỏ thì chỉ vinh dự được đón “tả hữu thị lang” cấp ngành. Gần đây, các lễ thỉnh thoảng có mời thêm “công hầu khanh tướng” các tỉnh bạn và đặc biệt là “sứ thần lân bang” như tăng thêm yếu tố ngoại giao nên đương nhiên đã thủ sẵn một phiên dịch viên ngoại ngữ lưu loát. Sắp xếp ổn định chỗ ngồi và vỗ tay đã nhỏ dần đi thì những màn chính mới bắt đầu.
Múa, hát, rồi vừa hát vừa múa, đơn ca, song ca, tốp ca, pop, rock, ballad, dân gian, tích cổ, điệu xưa, trang phục truyền thống, váy mỏng chân dài, áo the khăn xếp, áo bà ba khăn rằn quấn cổ, nam thanh nữ tú, xanh đỏ tím vàng… lần lượt ùa ra sân khấu và bằng mọi khả năng có thể, đem lại một món lẩu thập cẩm nghe – ngắm – nhìn liên tục chừng hai tiếng, đủ để vài đại biểu ngáp ngủ một cách không khiêm tốn, thì hai em xi lại dắt tay trân trọng cảm ơn và đến đây là hết.
Chưa một buổi lễ nào tỏ ra kém cạnh trong việc biểu diễn những gì gọi là đặc sản vùng miền, từ đi cấy, giã gạo, chăn trâu cắt cỏ, đến chèo thuyền, quăng chài thả lưới, săn bắn, đánh chiêng thổi kèn, vọng cổ, hò khoan… Mỗi món đặc sản sẽ được diễn trò hóa, bắt nguồn khi nào, linh thiêng ra sao đến mức khán giả hoang mang không biết ngày xưa có thật thế không, hay chỉ do người đời nay tưởng tượng nên.
Tỉnh nào ít đặc sản thì có thể vay mượn rồi chế biến, na ná bản sắc cây nhà lá vườn là được, như cha rồng mẹ tiên, nếu diễn miền núi thì có chuỗi lông chim dài gắn trên đầu, còn diễn miền biển thì cởi trần đóng khố, cơ bắp rõ mồn một, khẩu khí hô hào át sóng to gió lớn. Tỉnh nào đặc sản khắp chốn thì lại biến buổi lễ thành phiên chợ hàng xén, gây băn khoăn cho người xem cái gì là đáng giá.
Nhưng nhìn chung, dù thế nào, múa may quay cuồng vẫn phải giữ vững nguyên tắc: có ít nhất một nghệ sĩ cung đình đắt show chen giữa mấy mươi ca nương địa phương vô danh tiểu tốt. Nguyên tắc khác: luôn đảm bảo tính khêu gợi một nửa với trang phục yếm đào váy đụp dành cho tất cả các nữ diễn viên. Lúc đó, truyền hình rất tích cực cận cảnh, một chiêu thức chống buồn ngủ hữu hiệu.
Trong các kịch bản tổ chức lễ thì lễ đón nhận bằng di sản phi vật thể của UNESCO là có tính copy rõ rệt nhất, khiến quý bà đại diện tổ chức này cũng đã biết mặc áo dài và nói lời cuối cùng bằng tiếng Việt, một minh chứng hùng hồn cho phong trào tỉnh lập hồ sơ di sản. Còn những buổi lễ khai mạc kiểu như Lễ hội Carnival đường phố (Sầm Sơn năm 2020 chẳng hạn) thì nhất định rồi, các vũ công và vũ điệu nhập khẩu sẽ được “quẩy tung chảo” đủ để dân bản địa mường tượng cái gọi là nóng bỏng, cuốn hút, hấp dẫn hòa trộn nhiều phong cách, từ quý tộc châu Âu đến cuồng nhiệt, bốc lửa Mỹ Latinh.
Lễ hội vốn dĩ luôn song hành với đời sống. Càng no đủ, càng phồn thịnh thì càng có nhiều kiểu lễ khác nhau. Nhưng giá như, những người tổ chức chịu nghĩ và sáng tạo hơn trong kịch bản, nội dung tổ chức, chí ít ở buổi khai mạc, thì công chúng sẽ không thấy nhàm chán, tầm phào và có lẽ cả bực mình vì chúng cứ dằng dặc triền miên y chang nhau.
Nhà phê bình Mai Anh Tuấn
Nguồn: Phunuonline