Vì ảnh hưởng dịch covid-19 nhiều sự kiện, lễ hội âm nhạc lớn trên thế giới buộc phải hủy bỏ hoặc phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Để khán giả toàn cầu không quên mình, Tomorrowland đã chịu chơi tổ chức một lễ hội âm nhạc trực tuyến với các công nghệ kỹ thuật số mới, đưa trải nghiệm trực tuyến lên một nấc thang mới.
Siêu lễ hội trực tuyến Tomorrowland: Around The World đã kết thúc. Dư âm của lễ hội vẫn còn trong tâm trí của hàng triệu ravers theo dõi sự kiện này. Cùng Backstage khám phá xem Tomorrowland đã làm những gì để tạo ra một lễ hội tuyệt vời như vậy nhé!
Vũ trụ Tomorrowland được thiết kế 3D hoàn toàn khác biệt
Tomorrowland 2020 với chủ đề: “Around the world – vòng quanh thế giới” sẽ đưa toàn bộ khán giả đến tham quan hòn đảo Pāpiliōnem. Đây là một hòn đảo huyền diệu mang dáng hình một nàng bươm bướm (biểu tượng Tomorrowland) với những bãi biển xanh thẳm cùng ánh hoàng hôn rực rỡ, những ngọn núi nhấp nhô trùng điệp cùng màn trời đêm lung linh huyền ảo.
Khán giả có thể đi tham quan không gian trên đảo bằng nhiều thiết bị: PC, laptop, smartphone, tablet mà không cần kính VR. Khi vào đảo, du khách sẽ được cung cấp một lịch trình dày đặc với nhiều điều để làm, xem và trải nghiệm.
Đội ngũ thiết kế đã sử dụng các công nghệ mới nhất để tạo ra 8 sân khấu ảo (Mainstage, Atmosphere, CORE, CAVE, The Wall, Elixir, Freedom và Moose Bar) với hàng trăm ngàn khán giả tham dự. Tất cả mọi thứ, từ thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng khói lửa, pháo hoa cho đến những khán giả ảo với vòng tay phát sáng và tiếng reo hò cổ vũ…đều vô cùng chân thực. Từng chi tiết nhỏ ấy đã mang đến một không gian lễ hội sống động tuyệt vời. Khán giả có thể thoải mái lựa chọn các 1 trong 8 sân khấu này để trải nghiệm mà không cảm thấy nhàm chán.
Tomorrowland: Around the World đã tạo ra nền tảng trải nghiệm này từ việc hợp tác với Dogstudio – một công ty sáng tạo đa ngành có văn phòng tại Bỉ, Chicago và Mexico City.
Henry Daubrez, Giám đốc điều hành & Sáng tạo của Dogstudio chia sẻ: “Chúng tôi hiện đã làm việc cả ngày lẫn đêm để thiết kế và đưa toàn bộ vũ trụ đảo ảo vào cuộc sống thực. Bên cạnh đó chúng tôi cũng hợp tác với nhiều nhóm để xây dựng một trải nghiệm hấp dẫn, thân thiện với người dùng nhưng vẫn vô cùng đẳng cấp. Ngoài những thách thức về mặt kỹ thuật – một “áp lực” vô hình luôn bám lấy chúng tôi là việc đảm bảo khách tham dự lễ hội sẽ cảm nhận được họ đang là một phần của lễ hội. Mọi người sẽ không chỉ đắm chìm trong vũ trụ mới của Tomorrowland, mà họ còn có thể giao tiếp với các khán giả khác trong lễ hội.”
Sân khấu chính của Tomorrowland: Around the World 2020
4 Studio ảo lớn sử dụng hệ thống Camera Tracking hiện đại
Để tạo ra 2 đêm nhạc tuyệt vời này, hơn 60 nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới đã thực hiện ghi hình buổi biểu diễn của họ tại 4 trường quay kỹ thuật số ở 4 thành phố lớn: Bloom (Bỉ), Los Angeles (Mỹ), Sao Paulo (Brazil) và Sydney (Úc). Trước khi lắp đặt hệ thống máy quay, tất cả các studio này đã có một cuộc đại tu để tạo ra một không gian cho phép đội ngũ sáng tạo hô biến chương trình này thành một lễ hội trực tuyến xứng đáng với thương hiệu của Tomorrowland.
Tất cả phông nền (cyclorama/infinity walls) đều cao hơn 6m, rộng ít nhất 8m và sâu ít nhất 8m, sẵn sàng để thực hiện công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR).
Phần ghi hình của DJ Don Diablo tại trường quay ảo của Tomorrowland: Around the World
Hệ thống lưới gương phản xạ (infrared reflector) được lắp đặt trên trần nhà theo mô hình chòm sao (ngẫu nhiên) cho phép các thiết bị đo chính xác khoảng cách giữa mỗi đầu camera. Tất cả các thông số của máy ảnh và ống kính được truyền trực tiếp đến các máy chủ ghi dữ liệu và hiển thị thế giới ảo (có độ phân giải thấp) cho đạo diễn và những người phụ trách máy quay.
Bên cạnh 6 máy quay 4K độ phân giải cao, một số máy quay ảo (virtual camera) được thiết kế riêng cho mỗi sân khấu, cho phép đạo diễn lựa chọn tối đa 38 máy quay tại sân khấu chính. Bài toán xử lý tốc độ khung hình kép và nhiều độ phân giải khác nhau là một thách thức ngay cả với xe phát sóng lưu động hiện đại, đặc biệt là khi dự án này có số lượng lớn visual ảo cần được kích hoạt.
Khoảng 300TB video thô đã được biên tập và tích hợp thêm hiệu ứng kỹ thuật số và cho ra kết xuất tuyệt vời. Mục tiêu là làm sao để tất cả khách tham dự lễ hội được trải nghiệm sự kiện hấp dẫn chưa từng có và tất nhiên không thể thiếu những đặc trưng của một lễ hội âm nhạc: pháo hoa, hiệu ứng ánh sáng, không khí đám đông và hiệu ứng âm thanh (hò reo cổ vũ, tiếng pháo nổ…). Tomorrowland: Around the World thực sự đã thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và môi trường ảo – một điều chưa từng có trước đây.
Màn biểu diễn tuyệt vời của Katy Perry với đầy đủ các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, pháo hoa…
Stype Cajic, người sáng lập & CEO của stYpe – đối tác cung cấp công nghệ xác định vị trí máy quay tiên tiến (camera tracking) của Tomorrowland cho biết: “Toàn bộ công nghệ kỹ thuật số của Tomorrowland 2020 khác với các sản phẩm phát sóng trực tiếp và cả những bộ phim kỹ xảo bom tấn mà chúng ta đã làm trước đó.
Ví dụ trong các dự án phát sóng trực tiếp như Thế vận hội Olympic yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về tốc độ, đường truyền nhằm tối ưu hóa hình ảnh bởi đó là những hành động của vận động viên chỉ xảy ra một lần duy nhất, không thể lặp lại. Mặt khác, các tác phẩm điện ảnh lại đòi hỏi cao về mặt kỹ xảo hình ảnh, nó phải đẹp và chau chuốt để làm hài lòng công chúng.”
“Tomorrowland đòi hỏi cả 2 điều này, đó là một thách thức lớn với chúng tôi, tuy nhiên nó vô cùng thú vị và đầy sự hào hứng. Trong khi lập kế hoạch cho dự án này, chúng tôi đã quyết định sử dụng hệ thống Red Spy. Nó đã hoạt động mà không gặp vấn đề gì về tốc độ khung hình kép trong nhiều ngày liên tiếp và vượt qua các yêu cầu về độ chính xác của Tomorrowland để quay 4K” – Cajic tiếp tục.
Công nghệ stYpe đã được sử dụng trên toàn thế giới tại MTV VMAs, Cuộc thi Ca khúc Eurovision, Thế vận hội Olympic, Super Bowl và nhiều hơn nữa.
Sử dụng 2 nền tảng khác nhau để ráp nối tất cả các yếu tố hiển thị
Ở cuối đường truyền, có 2 nền tảng khác nhau được sử dụng để ráp nối tất cả các yếu tố lại. Các sân khấu 3D được thiết kế bởi Tomorrowland được thêm vào trước, sau đó là các lớp như yếu tố hiển thị (elements), ánh sáng (lights), thuộc tính (attributes) và môi trường (environments).
Depence – thường được sử dụng để hiển thị hóa các yếu tố hiển thị như ánh sáng, laser, hình ảnh và các hiệu ứng khác cho hầu hết các sân khấu trong nhà – là chìa khóa của các màn trình diễn DJ. Phần mềm này không thể thêm vào các video quay hình ảnh thực tế, nên các nhà phát triển phần mềm buộc phải sáng tạo thêm.
Tất cả các yếu tố kỹ thuật tạo nên chương trình được lập trình và kiểm soát bởi 1 đội ngũ quen thuộc của Tomorrowland hàng năm, vì vậy sân khấu được thiết kế từ những hình ảnh mang tính biểu tượng của lễ hội. Đối với sân khấu lần này, đám đông khán giả ảo lên tới hơn 280.000 người được thiết kế và lập trình các thuộc tính riêng biệt như cờ hoặc đèn mang lại hiệu ứng chân thực sâu sắc.
Hơn 750 đèn ảo trên mỗi sân khấu sẽ được vẽ bằng tay. Mỗi sân khấu ngoài trời trên đảo có bề mặt rộng 16 km2, trong đó 32.000 cây và thực vật đã được tạo ra. Cảnh quan cho từng sân khấu đã được tùy chỉnh để giống với các yếu tố của sân khấu lễ hội: Sân khấu Core ở trong rừng, trong khi Mainstage lại dựng lên tương tự như tại thánh địa Boom.
Depence đã thực hiện kết xuất đồ họa cho 3 sân khấu indoor: Atmosphere, Freedom và Elixer
Sân khấu Atmosphere được kết xuất bằng Denpence2
Bên cạnh đó, Tomorrowland cũng hợp tác với công ty Epic Games và ứng dụng trò chơi của hãng đó có tên Unreal Engine – nền tảng tạo trò chơi 3D thời gian thực hiện đại – có tính năng hiển thị hình ảnh 3D chân thực (photorealistic rendering – kết xuất hình ảnh thật), chuyển động vật lý (dynamic physics), hiệu ứng và hoạt hình giống như thật. Công cụ này cho phép hiển thị các sân khấu khác nhau theo tiêu chuẩn của các tác phẩm điện ảnh và truyền hình ảo như đã đề cập đến ở trên. Nó phổ biến trong nhiều trò chơi như: Fortnite, Minecraft và Mortal Kombat.
Có thể nói Vũ trụ ảo Tomorrowland có số lượng đa giác (polygons) lớn gấp 10 lần so với một trò chơi máy tính hiện đại, đạt đến những giới hạn của phần mềm thiết kế trò chơi hiện đại nhất và phần cứng.
Ben Lumsden, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Epic Games – Unreal Engine: “Bằng công nghệ thời gian thực (Real-time Technology), Unreal Engine đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn cho các bối cảnh ảo đẹp trong sản xuất phim, truyền hình và hiện đang được sử dụng nhiều hơn trong các chương trình phát sóng trực tiếp. Tomorrowland Around the World là sự kết hợp khéo léo các kỹ thuật truyền thống như chuyển cảnh trực tiếp (live camera cutting) với kỹ thuật điều khiển ánh sáng DMX mới của chúng tôi, tất cả nằm trong Unreal Engine.”
Unreal Engine được thực hiện kết xuất cho các sân khấu còn lại: Mainstage, Core, the Wall, Cave.
Sân khấu Atmosphere được kết xuất bằng Unreal Engine
Ngoài ra cần có 1 phần mềm tùy chỉnh để xử lý các thông tin vị trí camera, đọc dữ liệu DMX từ bàn ánh sáng, tích hợp với các hệ thống chỉnh sửa phi tuyến tính. Các API tuỳ chỉnh được tạo ra để kết nối các phần mềm vốn chưa từng tương tác với nhau bao giờ và từ đó nó có thể dễ dàng dễ dàng đưa nghệ sĩ vào trong môi trường ảo. Một nhóm lớn các kỹ sư âm thanh sẽ thêm vào những âm thanh chân thật của đám đông, tiếng hò reo cổ vũ, vỗ tay – tất cả được đồng bộ với set nhạc của nghệ sĩ.
Việc tạo ra một hành trình trải nghiệm ảo mới chắc chắn sẽ thu hút khán giả khắp thế giới. Một dự án đồ sộ như vậy thường mất gần 2 năm, nhưng nhờ nỗ lực và năng lực vô biên của hơn 200 người đam mê, các màn trình diễn của các nghệ sĩ trong thế giới ảo tuyệt đẹp, độ phân giải cao đã được nghiên cứu và thực hiện chỉ vỏn vẹn trong 3 tháng. Thật quá ngưỡng mộ phải không nào!
Tham khảo: Tomorrowland