Bằng tình yêu và đam mê với nghề, những người nghệ sĩ Tuồng đã và đang nỗ lực hết sức mình trong việc tìm giải pháp bảo tồn, phát huy và lan tỏa vẻ đẹp của nghệ thuật Tuồng
Tuồng là một loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam, hình thành trên cơ sở nền nghệ thuật ca, vũ, nhạc, những trò diễn xướng dân gian. Tuồng đã xuất hiện từ rất lâu đời và đạt đến đỉnh cao vào khoảng thế kỷ 18-19 ở triều đình nhà Nguyễn, sau đó được triều đình nhà Nguyễn coi là quốc kịch.
Đặc trưng độc đáo nhất của Tuồng là tính bi hùng bởi Tuồng được coi là sân khấu của những người anh hùng có lý tưởng cao cả. Mỗi vở Tuồng, mỗi nhân vật đều là những bài học, những tấm gương về đạo lý, đặc biệt là đạo trung quân ái quốc. Thủ pháp ước lệ là đặc trưng xuyên suốt trong nghệ thuật trình diễn. Khoa trương cách điệu là một nguyên tắc thể hiện đòi hỏi các yếu tố ngôn ngữ tham gia trong vở diễn như: Hát, nói, diễn, động tác, hóa trang, phục trang, bài trí sân khấu, âm nhạc… phải tuân thủ. Tuồng chú trọng lột tả cái thần của sự kiện và con người, không đi sâu vào chi tiết tỉ mỉ, dùng phương pháp gợi tả để lôi kéo, kích thích trí tưởng tượng của người xem cùng tham gia sáng tạo và đồng cảm với nghệ sĩ trình diễn.
Nhắc đến nghệ thuật sân khấu Tuồng, ngoài việc đệm cho hát, múa, cho cáchiệu quả sân khấu như: phong ba bão tố, chiến trận sa trường, đăng đàn bái tướng…, âm nhạc còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ giọng, thổi hồn cho vở diễn. Theo đó, những nhạc công giữ vai trò hết sức quan trọng trong mỗi vở tuồng. Tuy luôn thầm lặng và ít được khán giả biết đến, nhưng họ chính là những người góp phần tạo nên không gian và cảm xúc của một buổi diễn Tuồng. Chính vì thế, nhạc công trở thành một phần không thể thiếu của nghệ thuật Tuồng, giúp thổi hồn vào từng lớp diễn không lời và kết nối thế giới nội tâm nhân vật tới khán giả.
Để bảo tồn, giữ gìn tinh hoa nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống, thời gian qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn diễn viên, nhạc công, loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống nhằm nâng cao trình độ chuyên môn về ca hát, vũ đạo, diễn xuất cho diễn viên, đồng thời bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp thể hiện những làn điệu tuồng cổ, cách xử lý các bài bản có tính kinh điển trong nghệ thuật sân khấu tuồng cho các nhạc công.
Đây cũng là cơ hội để các diễn viên, nhạc công trẻ được lĩnh hội những bài học, kinh nghiệm và kỹ năng biểu diễn quý báu của các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, các đạo diễn có chuyên môn cao, uy tín và có nhiều đóng góp cho sân khấu tuồng. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công bộ môn nghệ thuật tuồng được giao lưu, học hỏi, cùng nhau hun đúc ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng.
Có thể nói, dù đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trước những làn sóng văn hóa nghệ thuật mới hội nhập vào trong đời sống đương đại, nhưng bằng tình yêu cùng niềm đam mê, những người nghệ sĩ Tuồng đã, đang nỗ lực hết sức mình để “giữ lửa” với nghề; luôn canh cánh trong lòng nỗi niềm bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật Tuồng.
Tuy nhiên, để phát triển, khởi sắc trong đời sống đương đại thì bên cạnh việc quan tâm nuôi dưỡng, đào tạo lực lượng trẻ kế cận, hơn bao giờ hết, cần lắm sự quan tâm đầu tư kinh phí cho những công trình sáng tác, dàn dựng và biểu diễn để có được những vở diễn hay, những tác phẩm gây ấn tượng, lan tỏa, tạo tiếng vang để công chúng chủ động tìm đến Tuồng. Muốn được như vậy cần lắm sự tiếp sức mạnh tinh thần và vật chất nhiều hơn nữa từ phía Nhà nước.
Backstage News
Theo Công An Nhân Dân