Các hệ thống giám sát an ninh bằng AI sẽ được Ban tổ chức Olympic Paris 2024 sử dụng để quét an ninh ở nơi đông người, kiểm tra các gói hàng bị bỏ rơi, phát hiện vũ khí...
Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 đang ngày càng tới gần. Chính quyền Pháp có kế hoạch chuẩn bị triển khai các hệ thống camera được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát an ninh đối với hàng nghìn vận động viên, huấn luyện viên và khán giả đến đây. Những hệ thống này trước đây đã được thử nghiệm tại các nhà ga, buổi hòa nhạc và sự kiện thể thao để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Hệ thống camera AI tại Olympic Paris 2024
Khi Olympic Paris 2024 khai mạc vào cuối tháng 7 tới, các hệ thống camera AI này sẽ được sử dụng để quét an ninh ở những nơi tập trung đông người. Chính phủ Pháp đã huy động 4 công ty tham gia kế hoạch này gồm Videtics, Orange Business, ChapsVision và Wintics.
Các camera được trang bị AI nhằm mục đích thông báo cho người điều hành giám sát về bất kỳ hoạt động đáng ngờ hoặc nguy hiểm tiềm tàng nào. Nó đã trải qua quá trình đào tạo để xác định 8 vấn đề cụ thể, bao gồm vi phạm giao thông, cá nhân trong khu vực cấm, di chuyển của đám đông, gói hàng bị bỏ rơi, sự hiện diện hoặc sử dụng vũ khí, tình trạng quá đông đúc, một người trên mặt đất và hỏa hoạn.
Khi phát hiện sự cố, người điều hành camera giám sát sẽ đánh giá xem có nên cảnh báo cơ quan chức năng và yêu cầu cảnh sát can thiệp hay không. Đáng chú ý, các bộ trưởng đã đảm bảo rằng, trong giai đoạn thử nghiệm, sẽ không có vụ bắt giữ nào được thực hiện dựa trên hình ảnh do camera AI chọn lọc.
Giới chức Pháp cho biết những hệ thống camera AI an ninh này sẽ không được đưa vào sử dụng đầy đủ trước kỳ Olympic. Tuy nhiên, sau khi sự kiện khai mạc, lực lượng an ninh, các cơ quan cứu hỏa và cứu hộ, cũng như cảnh sát giao thông Pháp sẽ sử dụng các hệ thống này cho đến ngày 31/3/2025.
Thời gian qua, các công cụ này cũng đã được giới chức trách Pháp đưa vào thử nghiệm tại các nhà ga, sự kiện âm nhạc và các trận đấu bóng đá. Cụ thể, các buổi hòa nhạc của Depeche Mode và Black Eyed Peas, cũng như trận đấu bóng đá giữa Paris Saint-Germain và Olympique Lyonnais, là những địa điểm thử nghiệm phần mềm đầu tiên.
Nhiều thử nghiệm hơn đã được thực hiện để giám sát trên đám đông đi qua các ga tàu điện ngầm Nanterre Préfecture và La Défense Grande Arche để đến concert của Taylor Swift, hay giám sát hơn 40.000 người tham dự Liên hoan phim Cannes vào tháng 5 vừa qua.
Lo ngại quyền riêng tư
Tuy nhiên, việc sử dụng các hệ thống camera AI để giám sát an ninh tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 lại gây ra làn sóng phản đối vì lo ngại về quyền riêng tư. Những người ủng hộ nhân quyền tại đây lo ngại về tác động của công nghệ thông minh như vậy, sợ rằng chúng có thể bình thường hóa các hoạt động giám sát mang tính xâm lấn quyền riêng tư.
Katia Roux, người đứng đầu vận động tại Tổ chức Ân xá Quốc tế Pháp, nói với Quỹ Thomson Reuters rằng: “Kỳ Thế vận hội sẽ là một cơ hội lớn để thử nghiệm loại hình giám sát này dưới vỏ bọc của các vấn đề an ninh và đang mở đường cho các hệ thống xâm nhập hơn nữa như nhận diện khuôn mặt”.
Matthias Houllier, Đồng sáng lập Wintics, đảm bảo rằng các thuật toán của phần mềm không được thiết kế để nhận dạng khuôn mặt và các phương pháp nhận dạng cá nhân bị loại trừ về mặt kỹ thuật. Ông khẳng định: “Không có phương pháp nhận dạng cá nhân nào trong thuật toán của chúng tôi.
Để giải quyết những lo ngại về quyền riêng tư, các nhà lập pháp tại Pháp đã và đang cố gắng xoa dịu những phản đối này bằng lệnh cấm đưa vào công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Họ khẳng định đây là ranh giới đỏ không được vượt qua.
Đồng thời, Bộ Nội vụ Pháp đã thành lập một ủy ban đánh giá bao gồm một quan chức cấp cao của tòa án hành chính hàng đầu, người đứng đầu cơ quan giám sát quyền riêng tư (CNIL), bốn nhà lập pháp và một thị trưởng. Ủy ban này sẽ giám sát thời gian xét xử, đảm bảo việc bảo vệ các quyền tự do dân sự.
Backstage News
Theo Daily Sabah