"Quảng Ninh đủ điều kiện để xây dựng lễ hội âm nhạc mang bản sắc riêng" là chia sẻ của nhạc sĩ Quốc Trung tại Hội thảo Khoa học Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người và tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững, vừa được tổ chức dưới chân núi Yên Tử.
Quảng Ninh phát triển công nghiệp văn hóa
Quảng Ninh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, dễ mến, hiền hòa. Ẩm thực của Quảng Ninh cũng để lại dấu ấn khó quên trong lòng du khách với những món ăn đặc sắc như bún cù kỳ, bề bề, chả mực…
Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, chính những điều đó đã níu chân anh gắn bó với Quảng Ninh một cách sâu sắc hơn. Anh tự nhận mình trở thành “công dân” của Hạ Long, thành phố biển xinh đẹp bởi nơi đây anh có căn hộ nhỏ để đi về vào mỗi dịp cuối tuần.
Trong mắt nhạc sĩ, mọi công trình kiến trúc của Quảng Ninh đều mang dấu ấn riêng. Mỗi lần đi qua Quảng trường 30/10 Quảng Ninh nằm cạnh cụm công trình Bảo tàng – Thư viện với không gian thoáng rộng, đặc biệt hướng nhìn ra vịnh Hạ Long với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, anh lại nghĩ “Mong được một lần tổ chức Monsoon Music Festival (Lễ hội gió mùa) ở khu vực này”. Theo nhạc sĩ, quảng trường công cộng ở Việt Nam thường bị chia nhỏ nhưng ở Quảng Ninh không gian rộng, đẹp đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện lễ hội âm nhạc mang tầm quốc tế. Lúc đó, đây sẽ là nơi thu hút và đón nhận những nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước đến biểu diễn. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ thu hút được lượng lớn công chúng, mang lại nguồn thu khổng lồ về du lịch cho tỉnh Quảng Ninh.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, muốn phát triển công nghiệp văn hóa thì cần có chính sách, cơ chế đặc thù để thu hút các nhà sáng tạo nghệ thuật, các nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước. Với cơ chế chính sách minh bạch, trải thảm đỏ của tỉnh Quảng Ninh như hiện nay, nhạc sĩ tin tưởng trong tương lai không xa, Hạ Long – Quảng Ninh sẽ là nơi để các nghệ sĩ hội tụ.
Phát huy nghệ thuật dân gian trên những đồng cỏ
Quảng Ninh đủ điều kiện để xây dựng một lễ hội âm nhạc mang tầm quốc tế nhưng mang đặc trưng riêng, bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất này. Không có cách gì xây dựng được bản sắc ấy bằng việc tham gia của chính người dân địa phương. Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa – Monsoon Music Festival được bắt đầu tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014 và kể từ đó cho đến trước khi đại dịch COVID-19, trở thành một Lễ hội âm nhạc thường niên, rất được công chúng yêu thích.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng để xây dựng được thương hiệu đó không chỉ là những chuyên gia âm nhạc, nhà sáng tạo nội dung, các nghệ sĩ tên tuổi mà chính là người dân là chủ thể. Và cũng bởi vậy, Lễ hội có slogan: “Chính người dân tạo ra lễ hội đấy. Họ là người tạo ra và hưởng thụ thương hiệu đó”.
Nhạc sĩ cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sẽ có những chiến lược, kế hoạch cụ thể để xây dựng được một chương trình mang tầm vóc, thương hiệu đặc trưng về âm nhạc: “Tôi rất là mong muốn mang Gió Mùa hoặc tạo ra một thương hiệu riêng cho Quảng Ninh. Tôi sẵn sàng mang lại những chương trình và cùng với tỉnh có thể xây dựng những thương hiệu về âm nhạc, văn hóa, quảng bá về vùng đất phong phú nhiều lĩnh vực từ ẩm thực, cảnh quan cho đến con người”.
Nhạc sĩ Quốc Trung gợi ý, thành phố Uông Bí có nhiều đồi cỏ rất đẹp mà trào lưu của giới trẻ bây giờ thích đi đến những nơi đó cắm trại, chụp ảnh. “Những đồi cỏ như vậy sẽ là nơi tổ chức được những Lễ hội âm nhạc, nơi giới thiệu được âm nhạc dân tộc của vùng cao đến với công chúng, bạn bè quốc tế. Đó là cơ hội để họ tiếp cận với kho tàng âm nhạc dân gian phong phú, độc đáo của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Cách tổ chức như vậy cũng là cách để bảo tồn và phát triển nghệ thuật âm nhạc dân gian” – Nhạc sĩ Quốc Trung cho hay.
Theo VOV