Sân khấu trình diễn “Trống Cơm” của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai nhanh chóng trở thành một hiện tượng, vụt lên top 2 trong danh mục m nhạc thịnh hành trên Youtube chỉ sau 2 ngày phát sóng, đạt 1,1 triệu lượt xem.
Những ngày qua, khán giả đã dành không ngớt lời khen cho tiết mục “Trống cơm” của đội nhà Sao Sáng gồm NSND Tự Long, 2 ca sĩ Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven trong chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai (ATVNCG).
Sân khấu “Trống Cơm” cùng tiếng đàn bầu vút cao đủ cung bậc thăng trầm đã khiến hàng vạn khán giả xúc động. Phần trình diễn được đầu tư chất lượng, ca khúc quen thuộc của dân gian Việt Nam được “khoác áo mới”, kết hợp giữa yếu tố đương đại và truyền thống dân tộc.
Nội dung
Trống Cơm cách điệu từ giá trị cốt lõi
Dựa trên yêu cầu chỉ cho phép sáng tạo không quá 50%, 3 nghệ sĩ Nhà Sao Sáng quyết định cải biên “Trống cơm” thành một sản phẩm mang đậm màu sắc âm nhạc đương đại. Lần đầu tiên làn điệu dân ca quen thuộc vùng Bắc Bộ được viết mới theo thể loại rap, R&B…
Mở đầu tiết mục là những câu “giao duyên” đầy tinh nghịch và hóm hỉnh của “đằng trai” đối với “đằng gái” (do NSND Tự Long thể hiện), tiếp tục đến câu hát “thả thính” đầy ngọt ngào của Soobin Hoàng Sơn, “Trống cơm” trên sân khấu Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai vẫn được giữ nguyên giai điệu và những câu hát giao duyên trong dân ca người Việt. Đó là câu chuyện “tình bằng có cái trống cơm”, rồi đến chuyện tình duyên này là “duyên nợ khách tang bồng” – cái duyên còn đó mà người đã đi xa, chỉ còn “tín vật” trống cơm ở lại.
Tiếp đến, khi “Trống cơm” được khoác thêm những điểm nhấn cách điệu mới là rap, những giá trị huyền tích lịch sử của ca khúc dân gian này vẫn tiếp tục được lồng ghép khéo léo. Ví dụ như câu rap “Xếp mực nghiên, anh ra đi mang theo gương người xa, mong ngày về vinh quy một trời hoa” chính là đi theo điển tích về sự ra đời của cái trống cơm.
Đó là câu chuyện cổ tích về chàng nho sinh thành tài, áo gấm vinh quy tìm về báo đáp người phụ nữ trong lòng. Nhưng tiếc thương thay, nàng vì bạo bệnh mà đã đi xa. Từ ấy, chiếc trống cơm ra đời, âm cung trống cơm trở thành lời tâm sự của chàng trai với người thương nơi phương xa.
Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện về văn hoá của Trống Cơm trên sân khấu Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai không chỉ được làm mới với âm nhạc hiện đại, mà còn được cách điệu với giai điệu Chèo – một nghệ thuật sân khấu truyền thống tiêu biểu của người Việt. Hay là tiếng trống hội đã in sâu trong tiềm thức văn hoá tâm linh của mỗi người từ bao đời.
Đúng như NSND Tự Long bộc bạch đầy xúc động: “Đây không phải là bài hát trọn vẹn, Trống cơm chỉ là một điệu hát. Chương trình đã cho chúng tôi 49% để sáng tác một tác phẩm mới, những gì chúng tôi làm vẫn giữ lại nguyên sơ những nét văn hóa. Chúng tôi muốn làm mới giai điệu của Trống cơm nhưng không mất đi bản sắc dân tộc. Đối tượng của chúng tôi có thể là các thế hệ 6x, 7x cũng có thể là 2000, 2030… nhưng họ vẫn thích nghe Trống cơm, và chúng tôi làm giàu kho tàng văn hóa Việt Nam.”
Đặc biệt, sự kết hợp ăn ý của nghệ sĩ Tự Long với hai nam ca sĩ thuộc thế hệ 9X như Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven đã thực sự cho thấy dòng chảy của văn hoá nghìn năm vẫn cuộn chảy trong lòng thế hệ trẻ.
Sân khấu đậm bản sắc dân tộc
Không còn là một phần thi, tiết mục “Trống cơm” của NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven giống như 1 thước phim kể lại câu chuyện truyền thống, văn hóa đấu tranh dựng nước, giữ nước, xây dựng đất nước từ ngàn đời của dân tộc Việt.
Phần đầu là những ngày tháng yên bình, người dân vui ca, múa hát, trai gái nô đùa, cho đến khi tiếng trống vang lên, nhân dân sẵn sàng xông pha trận mạc. Tiếng trống càng dồn dập, càng thấy khí thế hào hùng của dân tộc quyết bảo vệ đất nước. Đến phần cuối, tiếng đàn bầu cùng cờ ngũ sắc xuất hiện, tượng trưng cho thời kỳ hội nhập, mở cửa vươn xa. Tuy vậy, âm thanh đàn bầu vẫn vang vọng trong câu hát “mang giấc mơ này bay xa”, chứng minh cho dù đất nước có đi xa đến đâu, giá trị truyền thống dân tộc Việt vẫn sẽ luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Chính đường dây xuyên suốt của tiết mục này đã làm cho khán giả không khỏi ngỡ ngàng, bình luận “nổi gai ốc”, “đỉnh nóc kịch trần”…, bởi tiết mục đã khiến cho những làn điệu dân ca chạm đến trái tim của người trẻ, thông qua việc tái hiện dòng chảy văn hoá một cách tài tình.
Lan tỏa tinh thần “văn hóa cũng là một mặt trận”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Điều này một lần nữa được khẳng định thông qua sân khấu của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai!
Không chỉ là dàn dựng câu chuyện, những chi tiết trên sân khấu “Trống cơm” cũng cho thấy tinh thần đậm bản sắc Việt. Cụ thể, rất nhiều hình ảnh văn hóa lâu đời của Việt Nam được xuất hiện, như là chiếc áo được làm bằng rơm của những người lính Cụ Hồ; trang phục áo ngũ thân tay chẽn đến từ thời nhà Nguyễn; những chiếc Cờ Ngũ Sắc để lại dấu ấn từ thời Hai Bà Trưng kết hợp cùng võ cổ truyền; điệu hò; trống hội và cả đàn bầu dân tộc… Tất cả đã tạo ra một sân khấu âm nhạc đầy hiện đại nhưng vẫn giữ vững nét văn hóa truyền thống của người Việt.
Là người trình diễn những âm thanh đàn bầu vang cao, nam ca sĩ Soobin chia sẻ con đường âm nhạc của mình đã khiến anh ít khi có cơ hội chơi lại nhạc cụ đàn bầu. Và “Anh trai vượt ngàn chông gai” là sân khấu duy nhất giúp anh thực hiện được ước mơ từ thời niên thiếu.
“Có lẽ trong cuộc đời sự nghiệp của mình sẽ khó có một sân khấu nào mình được chơi lại đàn bầu với nhiều cảm xúc như sân khấu Trống Cơm này. Với sân khấu thứ 2 này, mình muốn tri ân tới người thầy đầu tiên trong cuộc đời, người đã đưa mình đến với âm nhạc, đưa mình biết tới đàn bầu, biết tới những âm hưởng của dân gian, dân tộc, người kết nối linh hồn của mình với nghệ thuật. Đó chính là bố mình – NSND Nguyễn Huỳnh Tú” – Soobin xúc động bày tỏ.
Ngoài ra, lời chia sẻ rằng “Ca khúc này nói về văn hóa. Văn hóa là bản chất, là cội nguồn của dân tộc” của NSND Tự Long cũng chính là một “ngôi sao sáng” làm nổi bật giá trị, tinh thần của màn trình diễn. Câu nói ấy khiến khán giả ngay lập tức lại nhớ về lời dặn của vị cố Tổng Bí thư vĩ đại – một nhà văn hoá lớn của đất nước vừa mới đi xa, rằng: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất.”
Sau cùng, thành công của “Trống cơm” đến từ chính sự sáng tạo dựa trên giá trị cốt lõi, đó là âm nhạc lời ca, concept câu chuyện, đến trang phục hay sân khấu trình diễn. Thành công đó không chỉ ở việc mang đến một phiên bản “Trống cơm” mới lạ chưa từng có, mà còn là một sân khấu bùng nổ tinh thần tiếp lửa, lan toả lòng yêu nước, truyền bá văn hoá và niềm tự hào dân tộc Việt Nam.
Backstage News