Nhiều năm qua, các show ca nhạc có sao quốc tế đưa ra những thông báo hủy bất ngờ không còn hiếm tại Việt Nam, nếu không muốn nói xảy ra khá nhiều. Vậy lý do nào dẫn đến tình trạng không mong muốn này?
Thực tế, sự việc hủy show có các sao quốc tế tại Việt Nam đã diễn ra khá nhiều lần. Cùng với đó, nhiều lý do hủy show được đính kèm, nhưng lại chỉ chung chung và không rõ ràng. Điều đáng nói là sau đó, khán giả Việt ngày càng mất niềm tin vào việc được xem show của thần tượng tại chính đất nước mình.
Nội dung
Có nhiều lý do hủy show ca nhạc có sao quốc tế
Mới đây nhất, sáng 19/5/2023, show ca nhạc quy tụ nhiều dàn sao quốc tế đình đám – Weekend Voyage Festival – thông báo hủy bất ngờ chỉ 01 ngày trước khi diễn ra sự kiện. Lý do được ban tổ chức đưa ra là “không thể đảm bảo kinh phí cần thiết để thực hiện sự kiện theo kế hoạch”.
Năm ngoái, sự việc hai nhóm nhạc quốc tế The Moffatts và A1 thông báo hủy show đột ngột tại sự kiện Touch Your Heart 08/2022 tại TP.HCM cũng gây ra nhiều tranh cãi. Chỉ vài tiếng trước giờ diễn, A1 thông báo trên Instagram: “Thật không may, chúng tôi không thể biểu diễn trong sự kiện tối nay tại TP.HCM vì những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát.”. Còn sự vắng mặt của The Moffatts được thông báo ngay trong đêm nhạc, với lý do “sức khỏe không tốt vì dính mưa”.
Thực tế, việc hủy show ca nhạc có sao quốc tế đã diễn ra nhiều lần tại Việt Nam. Đa số lý do hủy show được đưa ra là vấn đề sức khỏe của nghệ sĩ, hoặc một lý do chung chung không rõ ràng, thậm chí là không có lý do.
Tháng 8/2017, nữ ngôi sao Ariana Grande đã đột ngột thông báo hủy show ở Việt Nam với lý do sức khỏe. Nhưng trái với những lo lắng của fan, chỉ 3 ngày sau, khán giả lại thấy cô sung sức cháy hết mình trình diễn gần 20 ca khúc tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Điều này khiến khán giả nghi ngờ:
Liệu sức khỏe có phải là lý do thật sự dẫn đến việc hủy show?
Sự thật đằng sau những lý do hủy show
Nhiều người cho rằng vấn đề các show ca nhạc có sao quốc tế bị hủy nằm ở ban tổ chức. Cũng có ý kiến nói những yêu cầu của các ngôi sao quá lớn và Việt Nam không đủ đáp ứng. Đó có phải là tất cả lý do?
Một, lý do thường gặp nhất là do không bán được vé
Cách đây vài năm, khán giả Việt vẫn còn “truyền thống”nghe nhạc số miễn phí trên tất cả những phương diện. Chưa kể, so với mức sống khi ấy, người Việt mấy ai chịu chi một số tiền lớn chỉ để tham dự một đêm diễn của ngôi sao “mang danh” quốc tế? Một số sự kiện bán vé được tổ chức ở Việt Nam từng rơi vào tình trạng ế ẩm, thậm chí không lấp được một nửa số ghế bán ra.
Đó được cho là nguyên do thực sự dẫn đến việc show Dangerous Woman năm 2017 của Ariana Grande bị hủy. Bởi giá vé của show diễn này cao ngất ngưởng so với khả năng chi trả của khán giả Việt thời điểm đó (từ 790.000 – 4,9 triệu đồng, vé VIP có giao lưu ca sĩ gần 16 triệu đồng).
Tuy nhiên, 1-2 năm trở lại đây, fan Việt ngày càng có chỗ đứng về độ “chịu chi” cho thần tượng. Giờ đây, họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đến chục triệu đồng để sở hữu tấm vé concert/ fanmeeting có thần tượng của mình.
Ví dụ có thể kể đến concert Super Show 9 của Super Junior được tổ chức vào tháng 3 vừa rồi tại TP. Hồ Chí Minh đã lấp đầy toàn bộ sân vận động có sức chứa 13.000 người. Giá vé của show được công bố từ 1,5 – 3,8 triệu đồng.
Trên mạng xã hội cũng không hiếm gặp những fan Việt “khoe” vừa đi concert idol ở nước ngoài với chi phí lên đến hàng chục triệu đồng.
Tất nhiên, để họ có thể sẵn sàng chi ra một khoản tiền lớn như vậy thì độ “hot” của nghệ sĩ và chất lượng của sự kiện cũng phải xứng đáng.
Năm ngoái, show diễn của dàn boylove “KinnPorsche” đã được thông báo hủy vì lý do “đảm bảo an toàn” của người hâm mộ. Tuy nhiên, một số bộ phận khán giả sau đó đã tìm hiểu được rằng lượng vé được bán ra trong show diễn chỉ bằng 1/7 so với quy mô tổ chức.Thực tế tại Việt Nam, dàn diễn viên bộ phim “KinnPorsche” chỉ được biết và có ảnh hưởng tới một bộ phận khán giả Việt Nam yêu thích phim Thái Lan, đặc biệt là thể loại “boylove”. Từ đó, nhiều khán giả cho rằng KinnPorsche hủy show do lượng vé bán được quá ít vì thiếu độ “hot”.
Thực tế, đa số các đơn vị tổ chức show quốc tế tại Việt Nam đều khẳng định khó khăn trong việc làm mới danh sách những nghệ sĩ sẽ xuất hiện trong đêm nhạc. Để đảm bảo về mặt hiệu ứng, bán vé, họ phải chọn lựa kỹ càng những cái tên “có name, có độ phủ sóng, có bản hit”.
Nếu vé bán không được, nhà tổ chức dù có gồng mình thực hiện show thì hậu quả kinh tế về sau sau cũng khá nặng nề. Và không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng mạo hiểm như vậy, dẫn đến câu chuyện hủy show phút chót.
Hai là rủi ro làm việc với đối tác, nghệ sĩ nước ngoài
Thị trường âm nhạc Việt Nam còn mới với thị trường giải trí quốc tế. Nếu nhà tổ chức không có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết sẽ dễ bị “dính” phải các chiêu trò và chịu thiệt hại. Chẳng hạn như những ràng buộc về bảo hiểm, kỹ thuật, ăn uống, thậm chí yêu cầu khắt khe về số lượng khán giả.
Những rủi ro về tài chính từ đó cũng có khả năng xảy ra từ lý do trên. Trong trường hợp đơn vị tổ chức mới bước vào ngành “công nghiệp” giải trí đầy thách thức này, họ sẽ phải làm việc qua nhiều “tầng” trung gian. Điều này khiến chi phí tổ chức đội lên rất cao. Nếu đơn vị tổ chức không biết cân đối tài chính, khả năng sẽ dễ xảy ra “vỡ trận”.
Một ví dụ điển hình là sự việc thay đổi ban tổ chức bất ngờ của chương trình đại nhạc hội Kpop Concert – Daebak Vietnam năm 2019. Cụ thể, đơn vị tổ chức đêm nhạc được thông báo ban đầu là ekip người Việt Nam đảm nhận. Tuy nhiên, cận ngày diễn ra đêm nhạc, BTC chương trình bất ngờ đưa ra thông báo về sự thay đổi nhà sản xuất.Toàn bộ ekip Việt Nam sẽ rút khỏi chương trình. Lý do được đưa ra là: “Do một số bất đồng không thể thoả thuận với Đơn vị Tổ chức – Chủ đầu tư”.
Cuối cùng là khả năng đáp ứng nhu cầu các sao quốc tế
Đơn cử, nghệ sĩ quốc tế đình đám khi đến Việt Nam sẽ được đặc quyền ưu tiên biểu diễn ở Sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM) hay Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Đây là hai sân vận động có sức chứa top đầu Việt Nam.
Đại nhạc hội Hypersonic Music Festival 2015 được tổ chức tại SVĐ Quân khu 7 (TP HCM)
Thực tế, kinh nghiệm, nhân lực, cơ sở vật chất để tổ chức được các show diễn lớn ở Việt Nam đều đang ở giai đoạn khởi đầu và chỉ mới được chú trọng đầu tư 1-2 năm gần đây. Hầu hết các đơn vị tổ chức đều phải thuê máy móc, trang thiết bị kỹ thuật thu âm từ nước ngoài để đảm bảo chất lượng và đáp ứng theo yêu cầu của sao quốc tế.
Khả năng tài chính có hạn, yêu cầu của sao quốc tế khắt khe, việc ngành giải trí Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của nghệ sĩ quốc tế là một thách thức không nhỏ.
MC Anh Tuấn – nhà sản xuất trong show diễn Westlife đến Việt Nam rất thành công năm 2011 thẳng thắn:
“100% những show diễn của những ngôi sao như Westlife tại Việt Nam bị lỗ. Chính tôi cũng đã trải nghiệm việc lỗ vốn khi làm những show của ngôi sao lớn đến Việt Nam trong vòng gần 15 năm qua”.
Nhưng không thể phủ nhận những cố gắng và nỗ lực của các đơn vị tổ chức trong nước với trong việc cố gắng đưa các sao quốc tế về Việt Nam với hi vọng nâng tầm nền âm nhạc nước nhà.
Từ đầu năm nay, các show ca nhạc có sao quốc tế “đổ bộ” Việt Nam ngày càng nhiều, từ khách mời trình diễn đến concert riêng. Hiện tại khán giả Việt đã sẵn sàng chịu chi cho các show diễn, miễn là trải nghiệm xứng đáng với chi phí bỏ ra. Các đơn vị tổ chức sự kiện cũng đang nỗ lực trong việc tổ chức show chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng nghe – nhìn tại các đêm diễn, cùng thúc đẩy nền công nghiệp giải trí Việt Nam và nâng cao hình ảnh trên thị trường quốc tế.
Hi vọng rằng ước mơ được gặp thần tượng tại chính đất nước mình của các khán giả Việt cũng nhanh chóng từ “mộng thành thật”.
Backstage News
>> Đọc thêm: Hủy show ngay trước “giờ G”: Thiệt hại có đơn giản chỉ là tiền?