Tia laser trên sân khấu sự kiện đã khiến camera điện thoại của người tham dự đêm nhạc hỏng nặng. Được biết, đó là buổi biểu diễn của ca sĩ Geolier tại Nhà hát Palapartenope ở Naples (Italy).
Cụ thể, trong lúc người khán giả này hướng ống kính về phía nam rapper Geolier, một chùm tia laser màu sắc trong sự kiện từ đèn sân khấu đã chiếu trực tiếp vào thiết bị. Ngay lập tức, hình ảnh trong video bắt đầu xuất hiện các đường kẻ dọc màu đen kèm vệt sáng lớn. Thậm chí trong một số khung hình, hình ảnh đã hoàn toàn biến mất.
(Video: ViralHog)
Bỏ tiền ra để giải trí rồi lại “mất” thêm tiền để sửa chữa
Thực tế đây không phải lần đầu ánh sáng từ tia laser trong sự kiện gây ra những thiệt hại cho các thiết bị ghi hình. Công nghệ laser ngày càng được sử dụng phổ biến trong ánh sáng trình chiếu và biểu diễn các sự kiện những năm gần đây.
Theo ILDA, tia laser có thể khiến các bề mặt nhạy cảm bị nóng lên nhanh chóng. Trong khi đó, cảm biến của máy ảnh vốn có thể ghi nhận cả những nguồn sáng “vô hình” trước mắt người, chắc chắn sẽ chịu những tác động tiêu cực ở cường độ lớn.
Vào năm 2021, Sony công bố một cảnh báo trên trang chủ khẳng định tia laser có thể gây hư hỏng cho cảm biến hình ảnh trên camera điện thoại:
“Không để ống kính tiếp xúc trực tiếp với các tia như tia laser. Điều này có thể làm hỏng cảm biến hình ảnh và khiến camera hoạt động không ổn định”.
Nhiều buổi có trình diễn ánh sáng laser trên thế giới và ở Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp cảm biến máy ảnh của người tham dự bị hỏng sau khi bị các tia laser trong sự kiện chiếu trực tiếp. Trong đó, phổ biến nhất là các tình huống hỏng “nhẹ” với một vài điểm ảnh hoạt động bất thường. Cũng có một số trường hợp cảm biến bị chết hẳn. Về cơ bản, trường hợp nào cũng sẽ dẫn tới việc máy ảnh không còn ghi lại được những bức hình chất lượng.
Năm 2010, một chiếc Canon 5D Mark II đã bị hỏng hoàn toàn sau khi bị tia laser chiếu thẳng vào cảm biến. Năm 2013, thiết bị quay phim chuyên dụng Red Epic trị giá 200.000 USD cũng trở thành nạn nhân của tia laser tại một buổi hòa nhạc.
Vậy là sau khi chi ra một khoản tiền không nhỏ để “giải trí” tại các sự kiện hay lễ hội, người tham dự còn phải bỏ hàng trăm tới hàng ngàn USD (tùy vào từng thiết bị) để sửa chữa chiếc máy ảnh của mình.
Giảm thiểu khả năng gây hại từ tia laser tới thiết bị công nghệ trong sự kiện
Một số phương án giúp giảm thiểu nguy cơ bị cháy cảm biến từ tia laser khi chụp hình hoặc quay phim trong sự kiện:
– Đứng gần những khu được ban tổ chức sắp xếp để đặt máy quay vì những khu này thường sẽ an toàn hơn;
– Quan sát trước những điểm phát ra chùm laser trước khi sử dụng camera, giúp người tham dự chủ động chọn vị trí đứng phù hợp và tránh bị laser chiếu trực tiếp. Thường khu vực ở hai bên sân khấu sẽ ít bị chiếu hơn;
– Dùng hood cho ống kính cũng sẽ giảm thiểu được khả năng một số tia laser chiếu xiên vào ống kính;
– Cân nhắc lựa chọn một chiếc camera rẻ hơn nếu buộc phải chụp trong những sự kiện có trình chiếu tia laser;
– Không nhìn trực tiếp vào laser dù là nguồn phát hay chùm tia thông qua viewfinder quang học của máy ảnh, điều này rất dễ gây tổn hại cho mắt.
Đôi khi việc đặt máy ảnh xuống và tận hưởng một sân khấu hoành tráng mãn nhãn cũng sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều!
Backstage VN
Nguồn: Tổng hợp