Đại dịch bùng nổ khiến các nhà tổ chức sự kiện trên thế giới nghĩ lại về việc kết hợp sự kiện trực tiếp (thói quen trải nghiệm truyền thống) với sự kiện trực tuyến. Nó là “lỗi thời” hay là “xu hướng”? Cùng Backstage theo dõi bài viết đưới dây để có thêm góc nhìn về vấn đề này nhé!
Nội dung
Sự kiện lai là “lỗi thời”?
Sự kiện lai là một hình thức tổ chức sự kiện kết hợp giữa các yếu tố trực tiếp với các nền tảng kỹ thuật số như trực tuyến. Hình thức kết hợp này không mới, bởi nó đã được khai thác khá phổ biến trên sóng truyền hình hoặc phát trên các nền tảng kỹ thuật số.
Tuy nhiên đa số các nhà tổ chức sự kiện chỉ coi đây là một cách để nhiều người biết đến sự kiện hơn chứ không nhằm mục đích tạo ra doanh thu chính, vì vậy họ đã bỏ ngỏ việc tương tác với khán giả trực tuyến – những người ngồi trước màn hình. Và có lẽ đếm trên đầu ngón tay được một vài sự kiện có thể “thu lợi” từ hình thức tổ chức này, đó là các giải thi đấu thể thao danh tiếng trên sóng K+ hoặc các lễ trao giải âm nhạc, điện ảnh đình đám trên thế giới.
Khán giả trực tuyến không có quá nhiều cảm xúc hồi hộp, sung sướng thậm chí là nổi da gà… như những người đang có mặt trực tiếp tại sự kiện đó. Đây cũng chính là lý do lớn nhất khiến cho việc thu phí một sự kiện trực tuyến trở nên khó khăn, nếu đó không phải là một chương trình thực sự hấp dẫn hoặc có những celeb vô cùng hot.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các nhà tổ chức sự kiện trên thế giới buộc phải đầu tư nhiều vào công nghệ nhiều hơn, nhanh chóng phát triển các nền tảng trực tuyến một cách sâu rộng để giúp khán giả có được những trải nghiệm như đang trực tiếp tham gia sự kiện đó. Biết đâu, đây có thể là hình thức giúp các nhà tổ chức sự kiện tăng thêm doanh thu khủng trong tương lai.
Sự kiện lai mang lại những giá trị gì?
Tiệp cận tốt hơn
Không phải tất cả mọi khách hàng/khán giả mà sự kiện hướng tới đều có thể đến tham dự do trùng lịch trình hoặc vướng phải các hạn chế về địa lý, chi phí… Bằng việc tổ chức một sự kiện lai, các nhà tổ chức có thể xóa bỏ những rào cản này và tiếp cận tới nhiều người hơn.
Theo BBC, số khán giả đến 2 đêm concert Love Yourself: Speak Yourself của BTS tại SVĐ Wembley (Anh) là 120.000 người, đồng thời số lượng khán giả xem trực tuyến concert này trên Vlive lên tới 140.000 người. Vừa qua, buổi công chiếu miễn phí các concert của BTS cũng có số lượng người cùng xem một lúc cán mốc 2 triệu người.
Hay như buổi công chiếu trực tuyến vở nhạc kịch nổi tiếng The Phantom of the Opera cũng có số lượng người xem trực tuyến duy trì suốt hơn hai tiếng đồng hồ là 300.000 người. Lễ ra mắt sản phẩm trực tuyến của Oppo, Huawei thu hút hơn 1,2 triệu lượt xem sau 1 tháng ra mắt.
Về mặt kinh tế
Một ai đó không đủ khả năng tham dự sự kiện không có nghĩa là họ sẽ trả 0 đồng cho sự kiện đó. Các nhà tổ chức có thể bán vé sự kiện ảo với giá thấp hơn so với vé tham dự trực tiếp để gia tăng thêm doanh thu.
Theo Insight,sau 2 đêm diễn ở Wembley, BTS thu về 14,4 tỷ won (khoảng 273 tỷ đồng) tiền vé sự kiện trực tiếp với giá vé trung bình khoảng 2,8 triệu đồng. Trong khi đó để xem trực tuyến sự kiện này trên Vlive, khán giả chỉ cần bỏ ra khoảng 700.000 đồng. Có thể thấy, ban tổ chức đã tính toán giá vé “ảo” khá hợp lý khi giảm gần 75% so với giá vé trực tiếp và họ đã “hời” khi thu về thêm 4,6 tỷ won (khoảng 87,4 tỷ đồng) cho việc kết hợp này.
Nếu các thương hiệu thực hiện sự kiện quảng bá trên nền tảng website hoặc app ứng dụng của doanh nghiệp thì cũng có thể tương tác trực tiếp với khách hàng và làm tăng tỷ lệ ROI. Đêm nhạc hội Super Live mừng sinh nhật lần thứ 8 thông qua app Lazada đã thu hút được gần 110,000 khán giả tham gia trực tuyến và mua sắm trực tiếp trên trang thương mại liên tử này.
Bên cạnh đó, việc thu thập các phản hồi của khán giả thông qua một “sự kiện ảo” dễ dàng hơn nhiều, vì mọi hành động tương tác của người tham gia đều được lưu trữ tự động. Các dữ liệu thông tin này sau đó có thể được sử dụng để cải thiện nội dung sự kiện trong tương lai.
Nhà tổ chức Sự kiện lai phải đối mặt với những thách thức nào?
Luôn phải tạo ra những nội dung tương tác hấp dẫn khán giả trực tuyến
Cùng với việc đưa ra giá vé hợp lý, các nhà tổ chức sự kiện phải đầu tư nhiều hơn nữa vào công nghệ cũng như tạo ra các nội dung tương tác đủ hấp dẫn mới có thể thu hút nhiều người tham dự. Ban tổ chức Shanghai Fashion Week cho biết họ đã sử dụng phông nền xanh và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để tạo thêm hiệu ứng hình ảnh cho các show diễn đồng thời khiến cho người xem có trải nghiệm y như thật. Tính năng đặt mua trực tiếp các thiết kế mới ra mắt, thiết kế độc quyền của các thương hiệu thời trang lớn cũng khiến người xem hào hứng và thích thú hơn.
Clip Shanghai Fashion Week 2020
Gần đây công ty giải trí SM cũng đã công bố hợp tác với Naver – cổng thông tin lớn nhất Hàn Quốc để ra mắt loại hình dịch vụ mới là chuỗi concert trực tuyến “Beyond LIVE”. Dự án này cung cấp các tiết mục biểu diễn trực tiếp dành riêng cho nền tảng kỹ thuật số, chứ không chỉ đăng tải video biểu diễn trước đó và Super M là nghệ sĩ đầu tiên thực hiện dự án này. Theo SM thông báo, những fan mua vé tham dự sự kiện trực tuyến sẽ được đăng ký để gọi facetime với các nghệ sĩ. Cụ thể công nghệ nào sẽ được áp dụng cho nội dung này và hiệu ứng của nó ra sao thì phải chờ đến ngày 24.5 tới đây mới có thể khám phá và đánh giá hiệu quả.
Tăng cường thiết bị quay phim, cải thiện kết nối đường truyền tín hiệu streaming
Một điều quan trọng không kém trong việc tổ chức các sự kiện phát trực tuyến chính là các vấn đề liên quan đến quay phim và tín hiệu đường truyền livestream. Các nhà tổ chức sự kiện cần tăng cường nhiều thiết bị máy quay phim chất lượng cao để bắt trọn từng khoảnh khắc cũng như mang đến chất lượng âm thanh, hình ảnh sống động, sắc nét. Bên cạnh đó, chẳng ai muốn bỏ tiền ra để xem một màn biểu diễn bị dừng hình đến cả nửa giờ đồng hồ cả. Vậy nên, nhà tổ chức sự kiện cũng cần phải tính toán, dự đoán được số lượng khán giả truy cập xem trực tuyến để có thể lựa chọn, thiết lập hệ thống phù hợp với ngân sách, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khán giả trực tuyến. Nếu số lượng truy cập trên hệ thống sẵn có là không đủ, các nhà tổ chức có thể tính đến phương án liên kết nhiều hệ thống để chia đều số lượng truy cập.
Kết
Sự kiện lai đang được nhiều event prof trên thế giới quan tâm và hướng đến trong tương lai bởi những giá trị to lớn mà nó mang lại. Song đây cũng là thách thức mà các nhà tổ chức cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải tiến công nghệ sự kiện và sáng tạo nội dung số để thay đổi thói quen trải nghiệm của khán giả.
Backstage News
Xem thêm: